Doanh nghiệp đau đầu vì hàng giả, hàng nhái
Tại buổi tọa đàm “Những giải pháp đẩy mạnh ngành công nghiệp dịch vụ” diễn ra ngày 19/1 tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) dịch vụ bức xúc cho rằng, DN đang khó khăn chồng chất khó khăn khi các quy định vô tình “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái được công khai.
Đại diện Công ty TNHH Tân Hiệp Phát cho rằng, gạt bỏ khó khăn chung của nền kinh tế thì khó khăn lớn nhất của DN làm ăn chân chính hiện nay là đối phó với hàng hóa nước ngoài không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là hàng Trung Quốc. Trong khi đó, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật, làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của các DN trong nước.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cũng bức xúc về hiện tượng, một DN thương hiệu lâu năm có đến hàng chục DN ăn theo tên gọi. “Nghị định 43 vừa ban hành và có hiệu lực, ngay lập tức, trên thị trường du lịch xuất hiện hàng chục công ty du lịch Lửa Việt. Trong tên gọi chỉ thêm các từ như “dịch vụ”, “thương mại”... Ngay cả website cũng “bê” nguyên si hình ảnh của Lửa Việt vào”, ông Mỹ nói.
Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định: “Việt Nam có đủ biện pháp, cơ sở pháp lý để hạn chế hàng nhái, hàng lậu. Thậm chí mức phạt rất cao, có khi lên đến hàng chục tỷ đồng. Luật cạnh tranh của Việt Nam được đánh giá là một luật tương đối hoàn chỉnh trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng cơ quan thực thi luật này còn rất yếu. Về nhân sự hiện chỉ vào khoảng 10.000 người, bao gồm cả hải quan, biên phòng, công an… Trong khi đường biên giới nước ta lại quá dài. Và mức quan tâm của chính quyền điạ phương về hoạt động này còn quá kém”.
Trước bức xúc của các DN đòi hỏi cơ quan chức năng cần có giải pháp chặn đứng hàng lậu, hàng nhái, ông Tuyển nói: “Kỳ vọng đến năm 2015, giữa Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc, thuế nhập khẩu bằng 0%. Khi đó, trừ hàng cấm, thì hàng lậu sẽ không còn nữa vì người ta không phải trốn thuế”.
Còn ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định, đã đến lúc vấn đề hàng nhái, hàng giả và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh phải trở thành chương trình nghị sự của Chính phủ. Phải có một cơ quan điều tra độc lập, trực thuộc Chính phủ về cạnh tranh không công bằng, làm giả, nhái sản phẩm.
Nhận định về tình hình kinh tế năm 2013 và giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Nghĩa cho rằng, các DN có thể tiến hành các dự án đầu tư dài hạn, nên chú trọng vào việc phát triển các sản phẩm có giá trị công nghệ cao. Bởi theo kinh nghiệm thực tế cho thấy, sản phẩm có giá trị công nghệ cao ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra, phải đầu tư cho việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Điều này, các DN FDI đã làm rất tốt để chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Nhật Minh (Theo Infonet)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá