Doanh nghiệp đua đẩy mạnh xuất khẩu
Chia sẻ với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, năm 2014, công ty gặp nhiều khó khăn ở thị trường trong nước, tuy nhiên, nhờ lượng hàng xuất khẩu lớn, giá tốt nên hết năm công ty vẫn có lãi cao, tăng 10% so với năm ngoái. Công ty tự tin năm 2015 không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu ở thị trường châu Âu mà còn mở rộng mạng lưới và xuất khẩu tại châu Á, điển hình là Indonesia và Philippines.
Không chỉ trong lĩnh vực thủy sản, thép - ngành trải qua nhiều khó khăn trong 2 năm gần đây cũng đang tìm chỗ đứng ở thị trường nước ngoài.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2015 của Tập đoàn Hoa Sen, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết, mặc dù giá thép giảm nhưng nhờ bán được nhiều đơn hàng ra thị trường ngoại nên lãi đạt được đáng khích lệ. Nếu so với kế hoach, tuy không cán đích như kỳ vọng nhưng kết quả có được trong năm là một thành công. Bởi lẽ, năm ngoái, doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, ngành thép vướng phải nhiều kiện tụng.
“2015, để vượt qua khó khăn, công ty sẽ đẩy mạnh hơn nữa thị trường xuất khẩu. Đầu năm nay, giá thép tiếp tục lao dốc, tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng hết tháng một HSG lãi 40 tỷ đồng, tháng 2, dù nội địa trầm lắng nhưng nhờ xuất khẩu nên cũng sẽ lãi khoảng 20 tỷ đồng” ông Vũ nói.
Một năm trở lại đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân đạm, hóa chất không còn tăng mạnh như các năm trước, bởi, thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các sản phẩm ngoại ồ ạt vào Việt Nam. Đáng chú ý hơn, hiện nay cung thị trường phân đạm đang dư thừa, do vậy, nhiều đơn vị trong nhóm ngành này đã tìm tới thị trường xuất khẩu để có hướng đi mới. Cuối năm 2014, lãnh đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM, Đạm Phú Mỹ) cũng dự báo ngành này tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức cả về cạnh tranh lẫn chính sách.
“Trong bối cảnh nguồn cung phân đạm trong nước tiếp tục dư thừa, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Ngoài các thị trường lân cận như Campuchia, Myanmar đang chịu ảnh hưởng bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, DPM đã và tiếp tục đẩy mạnh sang thị trường New Zealand và Jordan. Năm 2014, công ty đã xuất khẩu 878 tấn sản phẩm sang các thị trường này”, ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc công ty nói.
Ngoài các doanh nghiệp trên thì các đơn vị trong lĩnh vực dệt may, cao su, nông sản… cũng đang ráo riết tìm thị trường xuất khẩu mới khi mà thị trường cũ cạnh tranh gay gắt.
Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Cấn Văn lực cũng cho hay, năm 2015 là năm chốt của hội nhập và tái cơ cấu. Đồng thời, Việt Nam gỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan cũng như bảo hộ nên thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy những khó khăn cho doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước.
“Hàng ngoại vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, chính vì thế, năm nay sẽ chứng kiến nhiều nhóm ngành đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, dệt may, sản xuất linh kiện, nông thủy sản sẽ có mức xuất sang thị trường nước ngoài tăng đột biến”, ông Lực đánh giá.
Ngoài ra, ông cũng nhận định 2015 sẽ là một bức tranh đa sắc, trong đó, khó khăn và cơ hội đến với doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần so với 2014. Do vậy, nếu không chủ động đổi mới các đơn vị kinh doanh rất dễ mất thị phần. Tranh chấp, kiện tụng xảy ra thường xuyên hơn”, ông Lực nói thêm
End of content
Không có tin nào tiếp theo