Thị trường

Doanh nghiệp dùng chiêu "chạy" kê khai cước vận tải

Qua kiểm tra tại 5 tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đoàn thanh tra phát hiện tình trạng "chạy" kê khai tại một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đây cũng là nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát giá cước.

(Ảnh: Đoàn Huế)

 

Chiều ngày 11/2, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra giá cước vận tải tại 5 tỉnh, thành phố lớn.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính từ ngày 18/07/2015 đến 21/01/2015, giá xăng đã giảm 38,9%, giá dầu giảm 33,1%. Giá xăng, dầu giảm đã tác động đến giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải, tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp vận tải ô tô có sự khác nhau do tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong giá thành.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải cố tình chây ì không chịu kê khai điều chỉnh giá cước vận tải với các cơ quan chức năng.

 

Trước tình hình đó, liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải đã lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 40 đơn vị kinh doanh vận tải tại các địa phương có lượng hành khách sử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ô tô lớn tại 5 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Kết quả báo cáo cho thấy vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp, 9/40 doanh nghiệp qua kiểm tra đã chưa thực hiện việc kê khai giảm giá cước vận tải khi giá nguyên liệu xăng dầu giảm.

Trường hợp duy nhất bị xử lý là HTX vận tải đường bộ TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương). Với doanh nghiệp này, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu bảng giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 109/2013/NĐ-CP.

 

Đoàn cũng đề nghị làm thủ tục chuyển Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Với các đơn vị kê khai giá với mức giảm giá chưa phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu và chi phí đầu vào, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá.

Về phương pháp kiểm tra, ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra (Bộ Tài chính) cho biết, Đoàn đã thực hiện bóc tách các chi phí kinh doanh từ đó xác định được sự phù hợp giữa mức giảm giá cước với mức giảm giá nhiên liệu. Tách bạch được chi phí giữa tiền công, khấu hao, chi phí nhiên liệu là căn cứ để đánh giá mức độ giảm giá của doanh nghiệp có phù hợp hay không.

Theo Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn, quá trình kiểm tra tại các địa phương cũng đã phát hiện tình trạng "chạy" kê khai giá tại một số doanh nghiệp.

Giải thích về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng: “Chạy” là cách gọi bình dân, thực chất là việc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách gian lận về kê khai giá cước ở các tuyến cố định.

 

Vận tải hành khách tuyến cố định chạy liên tỉnh có thể kê khai ở tỉnh A, tuy nhiên do tỉnh này quản lý chặt mức giảm giá, doanh nghiệp không chấp nhận mức đó thì chạy sang tỉnh B để kê khai mức thấp hơn.

 

Tại tỉnh B, việc phối hợp chưa chặt chẽ có thể chấp nhận ngay kê khai của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp có hình thức chuyển đổi kê khai giữa hai tỉnh.

 

Đây cũng là nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát giá cước. Bộ Tài chính đã kiến nghị các địa phương phải phối hợp rà soát chéo giữa các tỉnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mức xử phạt với HTX vận tải đường bộ TP Thủ Dầu Một cũng như việc xử lý các doanh nghiệp chây ì giảm giá cước, ông Tuấn  khẳng định đã yêu cầu các cơ quan chức năng ấn định ngày cụ thể để doanh nghiệp phải kê khai lại.

 

Sau ngày này, nếu doanh nghiệp không kê khai lại thì cơ quan chức năng có quyền lập biên bản hành chính, xử lý theo pháp luật.

 

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xem xét việc điều chỉnh giá cước theo chù kỳ giá xăng dầu, 15 ngày một lần.

Đại diện Cục quản lý giá cũng cho biết thêm, quá trình kiểm tra cho thấy các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải thì kết quả thực hiện kê khai giá cước tại các địa phương này có hiệu quả.

 

Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp. Trong đó, chú ý việc phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý kê khai giá cước trên các tuyến đối lưu (2 chiều) giữa hai địa phương.
 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo