Doanh nghiệp dùng "ma thuật" đổi mẫu mã để lách trần giá sữa?
Trước thông tin của một số tờ báo phản ánh nghi ngờ về việc một số hãng sữa thay đổi mẫu mã, trọng lượng để lách luật, đẩy giá nhằm đối phó với biện pháp quản lý, bình ổn giá của Nhà nước…Bộ Tài chính đã phủ nhận điều này.
Theo Bộ Tài chính, ngay từ khi xây dựng phương án bình ổn giá sữa, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý giá phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ rà soát, tính toán, lựa chọn phương án phù hợp nhất để quản lý, bình ổn giá đạt hiệu quả theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Do đó, hầu hết các tình huống, các “chiêu” DN có thể sử dụng khi cơ quan chức năng thực hiện biện pháp bình ổn giá đều được các đơn vị quản lý thu thập thông tin, đặt ra giả thiết để thảo luận, bàn bạc trong đó có tính đến chuyện thay đổi mẫu mã mà thành phần không thay đổi.
"Khi thực hiện tiếp nhận việc đăng ký giá tối đa, hồ sơ đăng ký giá, kê khai giá, cơ quan quản lý giá đã đối chiếu với hồ sơ xác nhận, công bố hợp quy do Bộ Y tế cấp cho doanh nghiệp đối với sản phẩm mới từ mẫu mã cho đến thành phần của các sản phẩm mới và cũ. Qua đó, chưa phát hiện sản phẩm nào có hiện tượng thay đổi mẫu mã mà các thành phần, vi chất giống nhau hoàn toàn", Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính cũng dẫn chứng cụ thể việc phân tích so sánh đối chiếu các dòng sản phẩm mà báo chí đã nêu (dòng sản phẩm Enfamil A+2 và Enfamil A+2 - 3600 Brain Plus hoặc dòng sản phẩm Enfagrow A+4 360o Brain Plus dành cho trẻ 02 tuổi trở lên và sản phẩm Enfagrow A+4 vị Vanilla 360o Brain Plus) của công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam; sản phẩm sữa Dutch Baby mau lớn (12x900g) và Sản phẩm sữa Dutch Baby mau lớn Gold 0-6 (12x900g) ...
Bộ Tài chính lấy ví dụ đối với sản phẩm Enfamil A+2 và Enfamil A+2 – 3600 Brain Plus: Căn cứ Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 3720/2012/ATTP-XNCB ngày 29/10/2012 đối với sản phẩm Enfamil A+2 (900g) và Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy số 24360/2013/ATTP-TNCB ngày 26/11/2013 đối với sản phẩm Enfamil A+2 – 3600 Brain Plus (900g).
Bộ Tài chính khẳng định, đối với 2 sản phẩm này, Cục Quản lý giá đã nhận được bản kê khai giá của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam vào ngày 1/4/2014. Trong khi đó, đến ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính mới ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Như vậy, khi áp trần giá sữa thì sản phẩm Enfamil A+2 - 3600 Brain Plus (900g) cũng đã bị áp giá trần.
Từ ví dụ trên, Bộ Tài chính khẳng định, các sản phẩm sữa khác nhau về chỉ tiêu chất lượng nên không thể khẳng định sản phẩm chỉ thay đổi bao bì mà các chỉ tiêu chất lượng không thay đổi. Ngoài ra, các sản phẩm trên cùng lưu hành trên thị trường với các chỉ tiêu chất lượng và giá cả khác nhau, người tiêu dùng căn cứ vào nhu cầu, khả năng tài chính để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, ngay từ khi thực hiện biện pháp quy định giá tối đa để thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã có văn bản và thường xuyên phối hợp với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế rà soát các sản phẩm mới khi các sản phẩm thực hiện xác định giá tối đa, kê khai giá. Trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để rà soát, kiểm tra các sản phẩm mới.
"Trường hợp các sản phẩm mới của các tổ chức, cá nhân chỉ thay đổi bao bì, mẫu mã mà các thành phần không thay đổi, cơ quan quản lý giá sẽ không chấp nhận việc xác định, kê khai giá mới đối với các sản phẩm này", Bộ Tài chính khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng