Thị trường

Doanh nghiệp FDI đủ chiêu né thuế

Sau khi bị cơ quan thuế “sờ gáy”, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lỗ liên tục nhiều năm qua đã bắt đầu kê khai có lãi.

 

Tuy nhiên vẫn còn nhiều “đại gia” kiên trì khai lỗ và được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xếp vào nhóm doanh nghiệp FDI có rủi ro cao.
 

Số doanh nghiệp FDI lỗ quá vốn chủ sở hữu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh qua các năm
 


Đứng đầu danh sách doanh nghiệp lỗ liên tục từ khi thành lập đến nay là Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola VN, trụ sở ở P.Linh Trung, Q.Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).
 

Lỗ triền miên
 

Từ năm 2004 đến nay doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ, số lỗ lũy kế từ năm 2004 đến nay lên đến gần 870 tỉ đồng. Đáng chú ý hương liệu chiếm hầu hết giá vốn sản phẩm.

Trong năm 2006 là năm doanh nghiệp khai lỗ nặng nhất: 250,9 tỉ đồng, chi phí hương liệu chiếm đến 85,4% trên giá vốn. Sau khi Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh mời lên làm việc, doanh nghiệp đã điều chỉnh lại, đến năm 2009 chi phí hương liệu chỉ còn chiếm 67,4% giá vốn sản phẩm.
 

Tương tự tại Công ty B.A.T Vietnam Limited (tòa nhà Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, Q.1), số lỗ ngày càng lớn, năm 2004 doanh nghiệp này chỉ lỗ hơn 55 tỉ đồng, đến năm 2009 số lỗ tăng hơn 10 lần, lên đến 586,3 tỉ đồng.
 

1.784 tỉ đồng

Đó là tổng số tiền được điều chỉnh giảm lỗ từ kết quả thanh tra 203/253 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, kê khai lỗ liên tục trong 11 tháng năm 2011 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cơ quan này cũng truy thu và phạt 1.099 tỉ đồng.

Bên cạnh số doanh nghiệp lỗ liên tục từ khi thành lập, gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp khai có lãi rất lớn trong thời gian hưởng ưu đãi thuế, sau khi hết ưu đãi doanh nghiệp bắt đầu khai lỗ.
 

Công ty Tỷ Hùng thành lập năm 1998 chuyên sản xuất giày cao cấp, túi xách, balô... Trong các năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp Công ty Tỷ Hùng khai lãi rất lớn, nhưng hết thời gian được hưởng ưu đãi thuế thì công ty khai lỗ liên tục. Cụ thể năm 2009 công ty này khai lỗ hơn 14,2 tỉ, năm 2010 lỗ 20,58 tỉ đồng. Tuy kê khai lỗ nhưng trong năm 2011 công ty vẫn tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy tại Bến Tre!
 

Từ lỗ thành lãi
 

Sau nhiều lần bị cơ quan thuế “hỏi thăm”, nhiều doanh nghiệp từ lỗ đã chuyển sang khai có lãi.
 

Công ty TNHH TMDV Dũ Thành (trụ sở ở Q.Phú Nhuận) thành lập năm 2008, doanh thu năm đầu tiên thành lập xấp xỉ 7,4 tỉ đồng, đến năm 2010 doanh thu vọt lên 79,1 tỉ nhưng công ty vẫn chưa có lãi. Trong văn bản giải trình với cơ quan thuế, công ty lấy lý do năm 2008 là năm đầu tiên kinh doanh nên phát sinh nhiều chi phí mà công ty chưa dự tính được.
 

Công ty cũng lý giải bị lỗ về chi phí quản lý, chứ hoạt động kinh doanh từ năm 2008-2010 vẫn có lãi gộp. Sau khi được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh mời lên làm việc, sáu tháng đầu năm 2011 công ty đã khai có lãi hơn 4,2 tỉ đồng.
 

Tương tự, sau khi được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh mời lên làm việc, Công ty TNHH TM quốc tế Dragon Up cũng kê khai lại doanh thu các năm từ 2005-2010 tăng cao so với doanh thu đã kê khai. Chẳng hạn doanh thu năm 2010 tăng từ 38,9 tỉ đồng lên hơn 40,9 tỉ đồng. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị công ty phải kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2005 đến nay theo số liệu kê khai mới.
 

Công ty TNHH PouYuen VN lỗ liên tục từ năm 2004-2007, sau khi cơ quan thuế mời lên đấu tranh mới bắt đầu nộp thuế. Cụ thể từ năm 2008-2010 công ty lời 261 tỉ đồng, số liệu chưa quyết toán năm 2010 công ty lời hơn 335 tỉ đồng.
 

Biểu hiện không bình thường
 

Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh - cục phó Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, năm 2010 có đến 460 doanh nghiệp FDI trên tổng số 3.800 doanh nghiệp FDI lỗ quá vốn chủ sở hữu, rơi vào các doanh nghiệp sản xuất, gia công ngành may mặc, giày da xuất khẩu và họ có rất nhiều chiêu để hợp thức hóa.

Phổ biến là khai giá vốn hàng hóa, dịch vụ cao, nhiều doanh nghiệp có giá vốn cao hơn giá bán. Một số doanh nghiệp lại ký những hợp đồng với khách hàng nước ngoài vượt quá năng lực sản xuất của doanh nghiệp, sau đó lấy lý do không đủ năng lực để giao lại cho doanh nghiệp khác gia công với giá cao làm phát sinh lỗ.

Khi cơ quan thuế hỏi, họ giải trình là sợ bị phạt vì vi phạm hợp đồng. Theo kết quả kiểm tra của cơ quan thuế, tỉ lệ đưa ra ngoài gia công của các doanh nghiệp có dấu hiệu giao dịch liên kết rất cao, có doanh nghiệp chiếm đến 80% tổng sản lượng.
 

Sau nhiều năm lỗ liên tục, để đảm bảo cân đối vốn công ty mẹ tại nước ngoài lại rút vốn cho công ty con nhưng không tính lãi vay, không xác định thời gian vay. Số khác dùng chiêu tăng vốn pháp định hoặc công ty mẹ hỗ trợ giá gia công.

Ông Hạnh cho rằng đây là những hiện tượng không bình thường được phát hiện trong quá trình quản lý và thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gia công may mặc và da giày. Do đây là các doanh nghiệp chuyên sản xuất gia công xuất khẩu nên số thuế mà ngân sách nhà nước phải hoàn cho các doanh nghiệp về thuế giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ mua vào rất lớn.
 

Không tự nguyện phải ấn định giá
 

Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh, việc thanh tra, kiểm tra đã đánh động để doanh nghiệp điều chỉnh lỗ chuyển sang báo cáo lãi chút đỉnh nhằm đối phó với cơ quan thuế. Tình trạng doanh nghiệp khai lời chút đỉnh để đối phó với cơ quan thuế không chỉ xảy ra ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh mà còn diễn ra tại Lâm Đồng. Lãnh đạo Cục Thuế Lâm Đồng cho biết các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh vẫn chưa trung thực, còn mang tính đối phó.
 

Cụ thể giá chè thành phẩm xuất khẩu được các doanh nghiệp ở Lâm Đồng kê khai trong năm 2010 thấp nhất là 3,6 USD/kg, cao nhất 8,25 USD/kg (bình quân 5,9 USD/kg). Qua làm việc, đấu tranh đã có 10/15 doanh nghiệp thống nhất tự kê khai điều chỉnh giá bán chè xuất khẩu lên từ 7-16,6 USD/kg (bình quân là 8,4 USD/kg).
 

Tuy nhiên năm doanh nghiệp là Công ty TNHH trà King Lộ, Công ty TNHH Tứ Hải, Công ty TNHH Hsieh Hsin, Công ty TNHH Triệu Minh và Công ty TNHH TFB Việt Nam, dù cơ quan thuế nhiều lần yêu cầu nhưng các doanh nghiệp này đều từ chối xác định lại giá bán phù hợp theo giá thị trường. Do đó Cục Thuế Lâm Đồng phải ấn định giá bán chè xuất khẩu năm 2010 đối với năm doanh nghiệp không tự kê khai điều chỉnh giá xuất khẩu với mức giá 8-8,2 USD/kg chè thành phẩm xuất khẩu.
 

Cũng theo Cục Thuế Lâm Đồng, năm 2010 phương pháp tiến hành mang tính tuyên truyền, vận động, thuyết phục và thỏa thuận để các doanh nghiệp tự giác điều chỉnh cắt lỗ và kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp thì năm 2011, quan điểm của Cục Thuế Lâm Đồng là kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi chuyển giá nhưng không tự điều chỉnh theo quy định.

Theo TT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo