Thị trường

Doanh nghiệp giống cây trồng muốn được bảo hộ

Nhiều doanh nghiệp đề nghị, để bảo hộ ngành giống trong nước, nhà nước cần quy định giống cây trồng, vật nuôi thương phẩm nước ngoài sau ba năm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam mà không tổ chức sản xuất tại chỗ thì sẽ cấm nhập khẩu. Đề nghị này nhận được sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Có thể sẽ có quy định giống lúa lai thương phẩm chỉ được lưu hành trong 3 năm - Ảnh minh hoạ: Thuỳ Dung

Tại Hội nghị về công tác giống cây trồng vật nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 5-12 tại Hà Nội, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình (TSC) - cảnh báo, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng giống nước ngoài đang ào ạt vào Việt Nam; họ có vốn, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý và nguồn nhân lực tốt; đặc biệt là khả năng tiếp thị của họ hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước.

Chính vì vậy, ông Báo cho rằng, cũng như các nước Philippines, Hàn Quốc... đã ban hành quy định để bảo hộ ngành giống trong nước, Bộ NN&PTNT cần quy định nếu giống thương phẩm đưa vào Việt Nam sau 3 năm mà không tổ chức sản xuất tại Việt Nam thì phải cấm nhập khẩu và lưu hành.

Đề xuất này được Bộ NN&PTNT ủng hộ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho hay, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các loại nông phẩm của nước ta phải có khả năng cạnh tranh cao.

Để đạt được mục tiêu đó, trước hết về giống phải đạt được trình độ ngang hoặc thậm chí vượt trội hơn các nước khác. Và để làm được việc này cần tổ chức nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống trong nước; đồng thời cần tranh thủ thành tựu của các nước khác để tiếp thu, rút ngắn thời gian và nâng cao trình độ công nghệ của các loại giống.

Chủ trương của Bộ NN&PTNT là sẽ khuyến khích nhập khẩu công nghệ và những giống đầu dòng để cải thiện giống trong nước. Tuy nhiên, có một số giống như lúa lai, cá rô phi, nhuyễn thể chúng ta vẫn nhập là giống thương phẩm, tức nuôi để ra sản phẩm lưu thông.

“Chúng tôi đang cố gắng để giảm tới mức tối thiểu việc nhập giống thương phẩm và yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu giống thương phẩm sau 3 năm phải tổ chức sản xuất trong nước cũng là một giải pháp. Quy định này cũng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tổ chức sản xuất trong nước chủ động cung cấp giống kịp thời cho nông dân và bám sát yêu cầu trong nước” – Bộ trưởng Phát nói.

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNTN, cho rằng để kiểm soát tốt giống lúa lai nhập khẩu vào nước ta, Cục Trồng trọt đã đề xuất với Bộ NN&PTNT chỉ cho phép nhập khẩu giống lúa lai được công nhận trong 3 năm đầu và sau đó phải được sản xuất ở Việt Nam và không được phép nhập khẩu nữa. "Trước thông tin này, các doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển hướng và đưa một số giống lúa lai bố mẹ sang sản xuất thử ở nước ta" - ông Quảng cho biết.

TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo