Thị trường

Doanh nghiệp giữa vòng vây nợ nần

Kinh tế khó khăn kéo dài khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ nần, phá sản. Bên cạnh các khoản nợ ngân hàng khổng lồ, nhiều doanh nghiệp đang bị bao vây bởi các khoản nợ thuế, bảo hiểm; đặc biệt là nợ dây dưa lẫn nhau.

Nợ thuế, BHXH ngập đầu

Tình trạng nợ thuế, nợ bảo hiểm gia tăng một phần do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và phần lớn do số nợ khó đòi của các doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc “mất tích”…

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2012, có hơn 40.000 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Còn số liệu của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh thì cho thấy 9 tháng qua, tổng số nợ thuế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, số nợ khó thu tăng 27,66%, nợ chờ xử lý tăng 157,05%, nợ chờ điều chỉnh tăng 46,96%.

Thuế thành nợ khó đòi


Thông tư 80/TT-BTC đã quy định rõ trong vòng 10 ngày nhận hồ sơ làm thủ tục phá sản, cơ quan thuế phải giải quyết cho doanh nghiệp. Đồng thời, theo quy định, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi  bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Do không có thời gian và nhân sự để kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế của doanh nghiệp, không thể kết luận doanh nghiệp còn nợ thuế hay không nên cơ quan thuế luôn từ chối cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.


Cũng vì vậy, bên cạnh số doanh nghiệp chủ động “mất tích” để trốn thuế, do hồ sơ chờ làm thủ tục phá sản đang chồng chất, cơ quan thuế không đủ lực lượng để giải quyết lượng hồ sơ này, nhiều doanh nghiệp chọn phương án “mất tích” và thường để lại các khoản nợ không nhỏ.


Ngày 15-10-2010, Công ty TNHH Hiệp Tường - TP.Hồ Chí Minh đăng ký hợp đồng gia công quần áo tắm  trị giá trên 1 triệu USD. Công ty này đã thực hiện 28 tờ khai nhập khẩu và 14 tờ khai xuất khẩu. Thế nhưng, khi hết hạn hợp đồng ngày 15-10-2011, Công ty Hiệp Tường không thực hiện thanh khoản hợp đồng.


Do Hiệp Tường là đơn vị gia công, sản xuất hàng xuất khẩu nên cơ quan thuế ấn định số tiền thuế (trong trường hợp thời hạn hợp đồng gia công đã hết nếu doanh nghiệp chưa thanh khoản hợp đồng). Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn hợp đồng gia công, Hiệp Tường không còn hoạt động; nhà xưởng, máy móc của công ty này cũng đã tan biến khiến 31 tỉ đồng tiền thuế trở thành nợ khó đòi.

Một trường hợp khác là Công ty TNHH Sản xuất túi xốp Hoàn Cầu - TP.Hồ Chí Minh mở 87 tờ khai nhập khẩu hàng hóa tại 5 chi cục hải quan ở TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Hàng hóa nhập khẩu là hạt nhựa có thuế suất thuế nhập khẩu 0%, thuế GTGT 10%, tổng số thuế GTGT hơn 22,7 tỉ đồng. Theo quy định, thời hạn nộp thuế GTGT đối với mặt hàng hạt nhựa là 90 ngày. Lợi dụng yếu tố này, giám đốc Công ty Hoàn Cầu bỏ trốn, “xù” luôn số tiến thuế phải nộp…

Mới đây, tại cuộc họp báo quý III/2012 của Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu cho biết: Tổng nợ thuế chiếm khoảng 6,8% tổng thu nội địa của 9 tháng đầu năm 2012. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy 9 tháng đầu năm 2012, tổng thu nội địa đạt khoảng 457.600 tỉ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất), tính ra tổng nợ thuế lên đến gần 20.000 tỉ đồng.

Một cán bộ ngành hải quan còn cho biết số nợ thuế của toàn ngành vào khoảng 6.000 tỉ đồng. Tại thời điểm 31-10, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh vẫn còn phải theo dõi hơn 1.000 doanh nghiệp nợ thuế bỏ trốn với số tiền trên 400 tỉ đồng. Thậm chí, một chi cục Hải quan trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đang đau đầu với 117 doanh nghiệp bỏ trốn ngay trong thời gian ân hạn thuế với số nợ thuế gần 66 tỉ đồng. Còn Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì vướng số doanh nghiệp phá sản nợ thuế cả trăm tỉ đồng…

Nợ bảo hiểm tăng vọt


Một vấn nạn khác là tình trạng doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi. Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2012, số tiền nợ BHXH, BHYT của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã lên đến gần 8.500 tỉ đồng (trong đó nợ BHXH hơn 6.500 tỉ đồng), tăng hơn 2.000 tỉ đồng (31,8%) so với cùng kỳ năm 2011.
Trước tình trạng nợ BHXH gia tăng, quý III/2012, có 32 BHXH địa phương tiến hành khởi kiện 690 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT ra tòa, tăng 69% so với quý II/2012. BHXH TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết doanh nghiệp trên địa bàn đang nợ BHXH lên đến 1.600 tỉ đồng, chiếm khoảng 8% số thu phải đóng hằng năm. Vì vậy, BHXH TP.Hồ Chí Minh đang chuẩn bị và hoàn tất hồ sơ để khởi kiện khoảng 200 doanh nghiệp còn nợ BHXH. Các doanh nghiệp này có thời gian nợ ít nhất 6 tháng, nợ từ vài trăm triệu đến hàng chục tỉ đồng và trải đều trên nhiều lĩnh vực hoạt động.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Trưởng Phòng Thu - BHXH TP Đà Nẵng, tình hình nợ, nợ đọng BHXH, BHYT (nợ từ 3 tháng trở lên) đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 30-9, tổng số doanh nghiệp còn nợ, nợ đọng BHXH, BHYT của toàn Thành phố Đà Nẵng là 750 đơn vị với tổng số tiền 122 tỉ đồng. Riêng nợ đọng từ 3 tháng trở lên gần 68 tỉ đồng (chiếm 55% tổng nợ)…

 Giải thích lý do chậm trễ, thậm chí chây ì trong việc thanh toán BHXH, BHYT, các doanh nghiệp còn nợ đọng đều cho rằng do tình hình kinh tế khó khăn kéo dài nên hoạt động kinh doanh, sản xuất của họ không hiệu quả, thậm chí lỗ nặng. Ông V.V.Đ., giám đốc một công ty ở Đà Nẵng, phân trần: “Các dự án xây dựng, công trình xây dựng đều bị cắt giảm đầu tư, chậm quyết toán nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, tiền trả lương cho công nhân còn khó nói chi đến các khoản nợ khác”…

Khổ dây chuyền

Mới đây, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - Đà Nẵng, đã phải cầu cứu ngân sách TP cho tạm ứng 7 tỉ đồng để trả lương tháng 11 cho gần 400 cán bộ công chức của quận, do các doanh nghiệp khó khăn chậm nộp thuế.


Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động tại Đà Nẵng cũng nhận được đơn phản ánh của trên 10 cán bộ nhân viên Công ty CP Giải pháp và Công nghệ thông minh (Đà Nẵng) về việc họ bị công ty nợ lương 4 tháng và nợ BHXH nhưng vẫn chưa chịu trả khiến những nhân viên sống phụ thuộc vào đồng lương lâm vào cảnh khốn khó. Giải thích về việc này, ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty CP Giải pháp và Công nghệ thông minh, cho biết do đơn vị chưa thu được tiền nợ nên chưa có tiền trả cho người lao động.

 

 

Đoàn Huế (Theo NLĐ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo