Thị trường

Doanh nghiệp kiệt sức

Nhiều doanh nghiệp sẽ kiệt sức trước khi được ứng cứu nếu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục không đồng bộ, không hiệu quả

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp đăng ký phá sản, giải thể trong hai tháng đầu năm 2012 tại các địa phương này đã lên đến 500 doanh nghiệp. Con số này cao một cách bất thường và trái với quy luật hằng năm.

 

1,6 triệu lao động mất việc

 

Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến ngày 31/12/2011, tổng số doanh nghiệp đăng ký theo Luật doanh nghiệp trong cả nước là 622.977 doanh nghiệp, trong đó có đến 79.014 doanh nghiệp đã giải thể.

 

Đáng lưu ý là trong năm 2011, số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong cả nước đã giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh là 77.548 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 513.000 tỉ đồng, giảm khoảng 13% về số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 5,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010.
 

Vào tháng 9-2011, lần đầu tiên Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố: Chỉ trong chín tháng đầu năm đã có 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế do tác động tiêu cực của lạm phát và bất ổn vĩ mô. Trong đó có 5.803 doanh nghiệp giải thể, 11.421 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 31.477 doanh nghiệp ngừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể. Tính chung cả năm 2011, số doanh nghiệp giải thể dừng lại ở con số 7.611 doanh nghiệp. Hơn 41.000 doanh nghiệp còn lại vẫn “nằm im thở khẽ” chờ thời.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng nhanh là hậu quả của tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài liên tục từ năm 2008 đến nay. Trung bình, mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ có 20 lao động thì tính ra đã có từ một triệu đến 1,6 triệu lao động mất việc. “Phải nhìn vào con số này để thấy mức độ trầm trọng của vấn đề để từ đó có giải pháp kịp thời hơn, không phải chỉ là cứu doanh nghiệp mà còn là thân phận của người lao động” - bà Phạm Chi Lan nói.

 

Cần giải pháp đồng bộ

 

Tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” của cộng đồng doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự báo còn kéo dài trong năm 2012, dù thông điệp cứu doanh nghiệp đã được phát đi mạnh mẽ qua động thái hạ lãi suất.

 

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng việc giảm lãi suất 1% đã bước đầu tạo được niềm tin trên thị trường về khả năng kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, yếu tố này chưa thể xoay chuyển tình thế vì mặt bằng lãi suất vẫn ở mức 18% - 19%/năm. Để đạt được kỳ vọng của DN cần phải có giải pháp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa, giảm bội chi ngân sách…

 

TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho biết các doanh nghiệp đã ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong điều hành vĩ mô. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đem lại tác động cần thiết. Chẳng hạn như cơ chế điều hành giá điện, giá xăng dầu, lãi suất vẫn còn là “điểm nóng” tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

“Đáng ngại là chúng ta vừa đưa ra ý tưởng giảm lãi suất thì ngay lập tức đã tăng mạnh giá xăng dầu. Như vậy, lợi ích của doanh nghiệp bị triệt tiêu vì chưa kịp (và chưa chắc) được hưởng lợi ích của việc giảm lãi suất đã bị tác động tăng giá đầu vào” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận.

 

Theo bà Lan, các giải pháp ứng cứu từ năm ngoái như miễn giảm, dãn, hoãn thuế đã không đem lại nhiều lợi ích vì các doanh nghiệp không còn hoạt động được nữa thì cũng không phát sinh thuế. Nếu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục không đồng bộ, không hiệu quả, nhiều DN sẽ kiệt sức trước khi được ứng cứu.

 

Theo VnMoney

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo