Doanh nghiệp lách thuế bằng việc đánh cắp mã số thuế cá nhân
Những trường hợp này đều bị cơ quan thuế yêu cầu giải trình kèm giấy tờ chứng minh mới được hoàn thuế. Có trường hợp bức xúc đã làm đơn khiếu nại đến Cục Thuế TP.HCM.
Không hiểu vì sao có tên
Chị D.T.M.Huyền, giáo viên Trường Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho biết ngoài lương giáo viên, chị chỉ có hai nguồn thu nhập khác là chấm thi tại Sở GD-ĐT và Trường đại học Tài chính - marketing. Thế nhưng, khi quyết toán thuế TNCN tại Chi cục Thuế Q.3 mới đây, chị Huyền phát hiện có thêm một nguồn thu nhập khác ở Công ty TNHH Just Analytics VN (P.Bến Nghé, Q.1), dù chị Huyền chưa từng có quan hệ gì với công ty này. “Cơ quan thuế viết tên, địa chỉ của công ty này và yêu cầu tôi phải tự liên hệ để yêu cầu công ty trên gỡ tên tôi ra khỏi danh sách nhận thu nhập thì mới được hoàn thuế” - chị Huyền nói.
Tương tự, bốn giáo viên khác tại Trường Marie Curie đi quyết toán thuế cũng phát hiện bị đưa vào danh sách nhận thu nhập tại Công ty TNHH Just Analytics VN. Các giáo viên này đã tìm đến địa chỉ đăng ký của công ty trên để yêu cầu xóa tên khỏi danh sách nhận thu nhập thì phát hiện đây là địa chỉ “ma”.
Sau khi được các giáo viên báo lại, cán bộ thuế hứa sẽ thay người nộp thuế để liên hệ công ty này, nếu vẫn không tìm ra sẽ cho làm bản cam kết để được hoàn thuế. Sau hơn một tháng làm hồ sơ quyết toán, mới đây Chi cục Thuế Q.3 đã giải quyết hoàn thuế cho chị Huyền và bốn giáo viên khác của Trường Marie Curie.
Trường hợp trên không phải cá biệt. Ông Nguyễn Văn Nhàn (ngụ đường Thống Nhất, P.11, Q.Gò Vấp) khi đi làm hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế Q.8 để xin hoàn số thuế hơn 7,6 triệu đồng cũng phát hiện mã số thuế của mình bị sử dụng để kê khai thu nhập tại một công ty vận tải ở Q.5. “Chi cục Thuế Q.8 yêu cầu tôi giải trình về việc có phát sinh thu nhập chịu thuế nhưng không kê khai quyết toán thuế năm 2013. Tôi không làm việc tại công ty này tại sao họ lại kê khai tôi có thu nhập ở công ty?” - ông Nhàn bức xúc.
Trong đơn gửi Cục Thuế TP, ông Nhàn cho biết năm 2012 ông từng bị kê khai khống thu nhập tại doanh nghiệp vận tải trên. Sau khi liên hệ với công ty, ông Nhàn được giải thích công ty đã nhầm số CMND của một nhân viên khác dẫn đến khai nhầm mã số thuế của ông Nhàn. Nhân viên phòng tổ chức hành chính của công ty đã hứa sẽ điều chỉnh nhưng năm 2013 công ty lại tiếp tục lấy mã số thuế của ông Nhàn để quyết toán thuế cho nhân viên của họ. “Việc này làm mất uy tín danh dự của tôi vì tôi bị cơ quan thuế nghi ngờ gian lận khi bỏ sót thu nhập không kê khai thuế” - ông Nhàn nói.
Chiêu lách thuế?
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Chi cục Thuế Q.3 cho biết việc yêu cầu chị Huyền và các giáo viên khác tự đi xác nhận thu nhập là vì nhân viên thuế muốn “làm kỹ”. “Chi cục Thuế Q.3 đã đề nghị Cục Thuế TP có văn bản hướng dẫn chung cho các chi cục thuế theo hướng cho người nộp thuế làm giấy cam kết để được hoàn thuế. Còn tự chi cục thuế sẽ liên hệ đến các chi cục thuế nơi doanh nghiệp kê khai khống tên người lao động đặt trụ sở để đề nghị các chi cục thuế này mời doanh nghiệp lên làm việc và loại phần chi phí kê khai khống ra để thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp” - vị này nói.
Cũng theo Chi cục Thuế Q.3, tình trạng kê khai khống này hiện diễn ra phổ biến, đặc biệt ở những đơn vị sử dụng nhiều lao động thời vụ như bán hàng đa cấp. “Chúng tôi đang cho rà lại toàn bộ - phát hiện đến đâu chặn đến đó” - vị này cho biết.
Lãnh đạo Chi cục Thuế Q.8 cũng cho biết đã kêu ông Nhàn giải trình do ông kê khai chỉ có hai nguồn thu nhập nhưng khi tra cứu trên hệ thống, cơ quan thuế phát hiện ông có nguồn thu ở một công ty vận tải khác. Căn cứ đơn giải trình này, Chi cục Thuế Q.8 sẽ làm công văn gửi Cục Thuế TP - đơn vị quản lý trực tiếp doanh nghiệp vận tải này - để mời doanh nghiệp này đến làm việc.
Sau khi có văn bản trả lời của Cục Thuế, Chi cục Thuế Q.8 mới hoàn thuế cho ông Nhàn. Tuy nhiên để tránh cho người nộp thuế bị ức chế, ngoài việc gửi công văn cho Cục Thuế TP.HCM, Chi cục Thuế Q.8 sẽ căn cứ vào giải trình để giải quyết hoàn thuế cho ông Nhàn. Tuy nhiên đến chiều 23-5 ông Nhàn cho biết vẫn chưa được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt, hầu hết các chi cục thuế đều cho biết đã nhận được phản ứng của nhiều người dân khi họ bỗng nhiên có tên trong danh sách của một số doanh nghiệp. Theo các chi cục thuế, các kế toán làm thời vụ ở nhiều công ty đã... giúp chủ doanh nghiệp giảm thuế bằng cách đưa thêm tên của một số lao động ở doanh nghiệp khác vào.
Trong khi đó, với quy định hiện nay, chỉ cần bản sao CMND là có thể đăng ký mã số thuế nên nhiều trường hợp sinh viên làm thời vụ, tham gia game show, live show, hoặc lỡ đánh mất CMND... đã bị doanh nghiệp lợi dụng thông tin để đăng ký mã số thuế và kê khai thu nhập. Một đối tượng khác thời gian qua cũng thường bị lợi dụng thông tin là các bác sĩ, giáo viên về hưu. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp thường lấy lý do kế toán nhập nhầm dữ liệu và rút tên ra.
Một chuyên gia ngành thuế nhận định mục đích của việc kê khai khống là để làm tăng chi phí lương nhằm kéo giảm lợi nhuận, từ đó giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. “Doanh nghiệp có rất nhiều chiêu để tránh bị cơ quan thuế phát hiện như chỉ khai là lao động thời vụ ba tháng, không ký hợp đồng lao động, chi phí lương cho những lao động khống cũng ở mức trung bình, chỉ 2-3 triệu đồng/tháng” - vị này nói.
Chẳng hạn, với năm lao động bị kê khai khống trong vòng ba tháng, thu nhập mỗi lao động là 3 triệu đồng/tháng, có thêm khoản chi phí 45 triệu đồng này doanh nghiệp chỉ phải khấu trừ thuế TNCN 10%, tương đương 4,5 triệu đồng, trong khi nếu đưa vào lợi nhuận để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì số thuế lên đến 11,25 triệu đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết