Doanh nghiệp lo ngại gánh nặng ký quỹ nhập khẩu phế liệu
Mặc dù, một trong các yêu cầu của phát triển bền vững là vấn đề bảo vệ môi trường, tuy nhiên, nhiều DN tỏ ra lo ngại đối với những đòi hỏi quá cao trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường sắp có hiệu lực từ 1/1/2015.
Bộ TN-MT đang gấp rút chủ trì soản thảo các Nghị định để kịp hướng dẫn luật đúng hẹn. Nhưng với những quy định mới và có yêu cầu cao lại phải lấy ý kiến gấp khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn về tính khả thi của nó.
Đề xuất của DN
Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội thép VN, dự thảo Nghị định quy định các DN nhập khẩu phế liệu phải kí quỹ với số tiền bằng 80% tổng giá trị lô hàng phế liệu là quá lớn. Thực tế, năm 2013 ngành thép sản xuất 5,5 triệu tấn thép thô. Năm nay dự tính sản lượng 6 triệu tấn thép thô. 80 - 90% sản lượng thép thô luyện bằng công nghệ lò điện hồ quang, nguyên liệu chính là sắt thép phế.
Do nguồn cung thép phế trong nước chỉ khoảng 2 triệu tấn, hàng năm DN phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn sắt thép phế với số tiền là 1,4 tỉ USD. Như vậy số tiền kí quỹ sẽ lên đến trên 1 tỉ USD. Đó là gánh nặng quá lớn đối với các DN ngành thép.
Ông Trần Miên - Đại diện Tập đoàn Than khoáng sản VN (Vinacomin) thì cho rằng, quy định buộc DN phải ký quỹ trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến môi trường đang khiến các DN phải nộp hai lần tiền cải tạo, khắc phục môi trường. Đối với ngành than, mỗi dự án có thể kéo dài 30 năm hoặc lâu hơn. Như vậy, số tiền ký quỹ từng đó năm trời là một điều bất hợp lý. Bởi vì, khi thực hiện dự án nếu ảnh hưởng xấu tới môi trường DN đã phải bỏ ngay kinh phí ra để xử lý, khắc phục hậu quả. Cộng với số tiền ký quỹ là tiền nằm chết trong ngân hàng chẳng khác nào DN phải chịu hai lần chi phí khắc phục hậu quả.
LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) cho biết, Ban soạn thảo gợi ý giảm mức tiền ký quỹ từ 80% trong dự thảo xuống 50%. Vậy mức đề xuất của DN là bao nhiều?
Nhiều DN đề xuất chỉ nên ký quỹ khoảng 5 - 7% giá trị dự án. Tiền ký quỹ chỉ nên tương đương với giá trị kinh phí khắc phục hậu quả nếu triển khai dự án có thể bị tác động xấu đến môi trường. Số tiền ký quỹ gần tương đương với tổng giá trị dự án là không khả thi và còn nguy cơ dẫn đến tiêu cực của các đơn vị được giao quản lý số “tiền chết” này.
Quyền lợi bị ảnh hưởng
Cả Luật Bảo vệ môi trường và dự thảo các Nghị định hướng dẫn đều theo hướng siết chặt hơn đối với công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề. Theo ông Tôn Gia Hóa - Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề, Hiệp hội ủng hộ việc quy định chặt chẽ hơn như phân tách làng nghề truyền thống với các làng nghề khác. Các làng nghề sẽ được áp dụng nhiều chính sách như đối với các khu, cụm công nghiệp.
Nhưng quy định mới lại giao cho UBND xã không cấp phép cho các cơ sở mới hình thành khi phát hiện các làng nghề ô nhiễm môi trường là điều bất hợp lý. Ông Nguyễn Minh Đức - Đại diện Ban Pháp chế VCCI nhận xét, quy định như vậy là ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của DN và người dân. Cũng theo ông Đức, trong quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, VCCI đã đưa ra 38 kiến nghị. Tuy nhiên, Bộ TN - MT chỉ tiếp thu 16 kiến nghị. Đây là một mức tiếp thu kiến nghị rất thấp so với nhiều ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, VCCI cũng nhận được nhiều phản ánh của DN về thủ tục hành chính còn nhiều bất cập. Ví dụ, DN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được ưu đãi thuế. Nhưng cả cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường đều chưa biết cơ quan nào xác nhận cho DN đang kinh doanh lĩnh vực ưu tiên. Kết quả, DN không được hưởng ưu đãi thuế như quy định.
Cũng về vấn đề thủ tục hành chính, bà Đỗ Thị Thu Phương - đại diện Tập đoàn Dầu khí VN nhận xét, các quy định mới về bảo vệ môi trường đang tạo thêm gánh năng về thủ tục cho DN. Quy định về báo cáo tác động môi trường (ĐTM) phải được đưa đến tận địa bàn dân cư để lấy ý kiến thay vì gửi thẳng cho UBND xã lấy ý kiến như quy định trước đây đang gây khó cho DN. DN thường phải mất 2 - 3 tháng vẫn khó qua được cửa ải này. Chúng tôi đề nghị vẫn giữ quy định cũ cho phép DN gửi văn bản xin ý kiến về UBND xã, sau 15 ngày không nhận được ý kiến trả lời thì coi như đã được chấp thuận.
Ngoài ra, cũng theo bà Phương, quy định buộc DN phải có hệ thống quản lý môi trường là thừa hay nói cách khác là chồng chéo. Thực tế hiện nay, các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN đều đã và đang áp dụng ISO 14000 rồi. Với tiêu chuẩn này, DN đã có một hệ thống quản lý môi trường rồi.
Diễn đàn doanh nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Giá heo hơi ngày 5/11/2024: Dao động trong khoảng từ 58.000 đến 64.000 đồng/kg
Giá nông sản ngày 5/11/2024: Cà phê tiếp tục giảm, hồ tiêu giữ giá
Cột tin quảng cáo