Doanh nghiệp muốn “quyền tự quyết” về lương
Ông Dũng cho biết, quyết định tăng lương của Chính phủ ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp. Theo đó, mỗi khi lương tăng, sẽ tác động đến giá cả, dịch vụ đầu vào đều tăng lên, chi phí sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, lợi nhuận, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
“Hiện nay có những doanh nghiệp trả mức lương khủng hàng chục nghìn, trăm nghìn đô hay nhiều hơn nữa nhưng đó chỉ là trường hợp hãn hữu, đếm trên đầu ngón tay thôi. Hiện gần 500 nghìn doanh nghiệp và hơn ba triệu hộ kinh doanh cá thể đang vật vã với tình trạng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải đi vay tiền để trả lương cho công nhân hoặc nợ lương công nhân. Chúng ta phải nhìn nhận là điều chỉnh mức lương có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội và nền kinh tế”. – Ông Dũng nói.
Nói về chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng, những người sử dụng lao động kiến nghị nên để mức lương cho thị trường quy định trên căn cứ các tiêu chuẩn năng suất lao động, hiệu quả làm ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp và căn cứ trên những mục tiêu chuẩn nghề, chức danh nghề và mức độ hoàn thành các tiêu chuẩn đó để định ra mức lương.
“Trong điều kiện kinh tế khó khăn như thế này, cần có sự chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Ở các nước phát triển, trong khủng hoảng, thậm chí mức điều chỉnh lương hàng năm còn có cả số âm. Như vậy không nhất thiết kinh tế, đời sống người lao động khó khăn thì chúng ta phải tăng lương, mà chúng ta phải nhìn vào tổng thể nền kinh tế, có lợi cho sự phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế”.
Từ phân tích trên, ông Dũng cho rằng, cách tính mức lương tối thiểu cần phải tính đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận doanh nghiệp của ngành cũng như của nền kinh tế sẽ công bằng hơn. Nên hạn chế tối đa sự kiểm soát của nhà nước, coi việc tự tính thang, bảng lương là một bí quyết, chiến lược kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp, không chia sẻ với bất cứ cơ quan nào khác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn để xã hội cho rằng, nếu doanh nghiệp tự xây dựng mức lương, bảng lương thì vai trò quản lý của nhà nước ở đâu. “Nếu thế thì chúng ta đang thả nổi hoàn toàn. Liên kết lao động Việt Nam rất yếu, chưa đủ trình độ để thương lượng với chủ doanh nghiệp”. – Ông Lợi nói.
Phản hồi lại, ông Dũng cho rằng, lương là mức chi trả tiền công cho lao động, cũng là một loại hàng hóa, hoàn toàn xác định do thị trường và nên để thị trường quyết định điều tiết vấn đề này. Ông Dũng vẫn cho rằng, vấn đề chính sách lương, thang bảng lương trong doanh nghiệp cần được giữ bí mật như một bí quyết kinh doanh.
Ông Đặng Như Lợi nêu lên một thực tế, trong các doanh nghiệp, tiền công đều rất cao, mức lương chia bình quân đầu người rất cao, nhưng thực tế lao động được nhận mức rất thấp. Vậy, nếu không có nhà nước ở đây thì ai kiểm soát.
“Họ làm như thế để làm gì, để lợi nhuận chịu thuế không còn, họ thu hồi vốn ngay ở chi phí đầu vào. Đó là tình trạng của các doanh nghiệp tư nhân và dianh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lãi thì rất cao mà lúc nào cũng kêu lỗ”. – Ông Lợi nói.
Đồng ý với ý kiến của ông Lợi, bà Hoàng Thị Hoa – Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, nếu nhà nước không can thiệp, không thể quản lý được mức lương. “Ví dụ ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ vận dụng mức lương tối thiểu của ta bây giờ, nhưng có công nhân tám năm trời vẫn nhận mức lương hai triệu đồng, dù doanh nghiệp đó lãi rất nhiều”.
Trao đổi về vấn đề này, bà Dương Thu Hương - Nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội tán thành cả hai ý kiến, tuy nhiên theo bà, trong nền kinh tế thị trường, với doanh nghiệp thì nên để họ tuân theo quan hệ cung cầu, tạo điều kiện thu hút lao động và tự quyết định mức lương.
“Nhà nước quản lý việc chấp hành các cơ chế chính sách của nhà nước chứ không can thiệp đến việc doanh nghiệp đó trả lương cho công nhân là bao nhiêu. Nếu nhà nước quản lý việc trả tiền lương thì không hút được người lao động tài giỏi vào làm việc. Cách quản lý của nhà nước để làm sao không có tình trạng công nhân làm việc trong tám năm vẫn nhận hai triệu đồng. Đồng thời, cũng quản lý việc doanh nghiệp hạch toán tiền lương, xem người lao động có nhận đủ, đúng không. Còn việc xây dựng mức lương thì hãy cho các doanh nghiệp tự xây dựng mức lương”. – Bà Hương nói.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chốt áp thuế VAT 5% đối với phân bón