Quốc tế

Doanh nghiệp Mỹ ngoảnh mặt với Trung Quốc

Không còn ồ ạt đổ bộ vào Trung Quốc để mở nhà máy như trước, các công ty vừa và nhỏ của Mỹ đang từ từ quay lại Mỹ vì chi phí ở Trung Quốc tăng cao và những tiện ích mang lại không lớn so với việc hoạt động kinh doanh, sản xuất tại chính nước Mỹ.

Khi chi phí ở Trung Quốc tăng và nhu cầu xem xét chặt chẽ lại sự phức tạp của việc điều hành một nhà máy với khoảng cách hơn 2 vạn km và chênh lệch 12 múi giờ, nhiều chủ Cty vừa và nhỏ của Mỹ đã quyết định việc sản xuất ở nước ngoài không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn nhiều rắc rối.

 

Trung Quốc không còn hấp dẫn

 

Harry Moser - người sáng lập của Sáng kiến Reshoring gồm một nhóm các Cty và hiệp hội thương mại cố gắng để mang lại công ăn việc trong nhà máy trở lại nước Mỹ cho biết trong hai năm qua đã có 1 sự gia tăng đáng kể những Cty Mỹ từ bỏ Trung Quốc quay lại mở nhà máy ở Mỹ vì sản phẩm tại Mỹ ngày càng có tính cạnh tranh cao hơn.

 

Một cuộc thăm dò tiến hành trong tháng 4/2012 với 259 nhà máy sản xuất theo hợp đồng của Mỹ (tức là gia công bộ phận thiết bị cho hãng khác) cho thấy 40% số người trả lời thu được lợi nhuận năm 2012 từ những công việc trước đây thuê làm tại nước ngoài.

 

Và gần 80% lạc quan về doanh thu và lợi nhuận năm 2012, theo khảo sát của MFG.com, một trang web giúp các công ty tìm thấy các đối tác sản xuất.

 

Năm 2009, khi thành lập Công ty LightSaver Technologies, mọi người đều khuyên Sonja Zozula và Jerry Anderson mở nhà máy sản xuất thiết bị điện báo tín hiệu khẩn cấp tại Trung Quốc nhưng chỉ sau 2 năm vận hành công ty tại Trung Quốc, họ đã mang nhà máy quay về California, Mỹ, cách nơi họ ở khoảng 50 km.

 

Vấn đề thực tế là giá thành sản phẩm rẻ hơn 30% vì không tốn tiền vận chuyển đường biển và hai người chủ nhà máy không buộc phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để điện đàm sang Trung Quốc chỉ đạo công việc.

 

Ngoài ra còn nhiều trở ngại khác như hàng hóa bị tồn, không giao được cho khách hàng cần nhiều thời gian điện thoại trao đổi, giải quyết. Hoặc khi có trục trặc tại nhà máy Anderson không thể tới trực tiếp xử lý ở Trung Quốc nhưng điều đó là có thể tại Mỹ.

 

Nguy cơ có làn sóng quay đầu

 

Đối với Dana Olson, chủ một Cty ở Minneapolis thì 10% trong số 60 Cty đối tác đã chuyển nhà xưởng sản xuất về Mỹ hoặc quyết định không mở chi nhánh tại nước ngoài và có khoảng nửa tá doanh nghiệp khác đang xem xét hành động tương tự.

 

Theo đó, đang có một cảm giác ngày càng tăng là các doanh nghiệp Mỹ muốn quay về sản xuất hàng hóa tại Mỹ và nhãn mác có dòng chữ sản xuất tại Mỹ lại có giá trị như trước đây. Một đối tác của Olson là Công ty Ultra Green Packaging, vốn mở nhà máy tại Mỹ từ năm 2008 để chế tạo container và các sản phẩm liên quan tới nông nghiệp giờ đang quay lại có nhà máy ở Bắc Dakota nhằm giảm chi phí vận chuyển đường biển và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp.

 

Còn Công ty Unilife chuyên về sản xuất bơm kim tiêm thì đã đầu tư tới 32 triệu USD vào một nhà máy rộng 165.000 m2 tại Mỹ sau khi các sản phẩm làm tại Trung Quốc không đáp ứng được quy định của Cơ quan quản lý về thực phẩm và dược phẩm Mỹ.

 

Trong khi hàng hoá cho người tiêu dùng Mỹ bắt đầu có xu hướng ít được làm dần tại Trung Quốc thì việc sản xuất hàng hóa ở nước ngoài vẫn có ý nghĩa cho các công ty có kế hoạch để nhắm tới mục tiêu là thị trường nước ngoài. Đặc biệt là các tập đoàn lớn, đa quốc gia vì họ có khả năng sử dụng vật liệu trong khu vực để sản xuất ra sản phẩm bán cho khách hàng tại khu vực đó và mang về nước lợi nhuận.

 

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không điều chỉnh kịp thời các chính sách của mình trên tất cả các lĩnh vực: chi phí lao động, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp hàng hóa... thì sẽ diễn ra làn sóng quay đầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ.

 

 

Theo DĐDN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo