Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải thực hiện công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường với mức độ công khai tương tự như công ty cổ phần niêm yết.
Chiều qua, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay. Một số nội dung quan trọng được sửa đổi lần này. Về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có ý kiến đề nghị giữ quy định về ghi cụ thể ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý nhà nước nói chung. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng không cần ghi ngành, nghề kinh doanh trong GCNĐKDN.
Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong GCNĐKDN. Như vậy có nghĩa là doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận. Còn khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh GCNĐKDN. Quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiền hà không cần thiết cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của dự án luật, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp vừa qua, dự thảo luật cũng đã được chỉnh sửa theo hướng sử dụng thống nhất thuật ngữ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để phân biệt với doanh nghiệp chỉ có một phần vốn góp thuộc sở hữu do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Theo đó, trong dự án luật doanh nghiệp sửa đổi có một chương quy định về tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Còn doanh nghiệp có vốn khác của Nhà nước áp dụng quy định tại các chương, điều khác của Luật Doanh nghiệp. Dự thảo Luật lần này cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về cơ chế quản trị nội bộ của các doanh nghiệp Nhà nước trong Luật Doanh nghiệp nhằm chấn chỉnh thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động yếu kém thời gian qua.
Cụ thể, chương về doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng thành viên và các thành viên của hội đồng thành viên, về chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp hội đồng thành viên... Đồng thời, dự thảo luật quy định, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải thực hiện công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường với mức độ công khai tương tự như công ty cổ phần niêm yết
Theo Công an Nhân Dân Online