Doanh nghiệp sữa sắp được tự xác định giá bán lẻ
Bộ Công Thương cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dưới dạng Thông tư hướng dẫn trên cơ sở pháp luật hiện hành, cam kết quốc tế... và áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 233 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56 ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 177của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Trên cơ sở, Thông tư số 233 nêu trên, Bộ Công Thương sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dưới dạng Thông tư. Việc quy định về quản lý giá sữa tại Thông tư này nhằm hướng dẫn việc quản lý giá sữa cho ngành Công Thương, nội dung hoàn toàn dựa trên các quy định đã có về quản lý giá và quy định về hoạt động kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường nói chung; quy định này sẽ áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam (không có sự phân biệt đối xử).
Về đối tượng điều chỉnh, Thông tư dự kiến sẽ bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sữa trong nước; doanh nghiệp, hợp tác xã nhập khẩu; thương nhân phân phối, bán lẻ sữa); các cơ quan quản lý nhà nước cơ liên quan.
Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối (sản xuất, nhập khẩu sữa) có trách nhiệm: tự xác định mức giá bán lẻ sữa và thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng cuối cùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo phân công, phân cấp và triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước; Thông báo hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán sản phẩm trên thị trường như đã đăng ký hoặc kê khai.
Trên cơ sở khai báo của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.
Như vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa (trong trường hợp áp dụng biện pháp bình ổn giá) với Bộ Công Thương, đồng thời thông báo hệ thống phân phối của mình với Bộ Công Thương.
Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng. Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối, các đơn vị phân phối dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối nêu trên, đồng thời chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh (Sở Công Thương, Quản lý thị trường, Thanh tra thuế...).
Theo đánh giá của Vụ thị trường Trong nước, Bộ Công Thương, với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả... Đồng thời, xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin