Phân tích

Doanh nghiệp sữa tự tin hội nhập

Các “ông lớn” trong ngành sữa đang khá tự tin, với sự chuẩn bị vững vàng cho hội nhập sâu.

Không hề e sợ

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho rằng,  khi hội nhập sâu, đặc biệt là tham gia “sân chơi” TPP, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam không có ưu thế bằng Mỹ, các nước thuộc EU bởi họ có đất đai rộng lớn, công nghệ hiện đại. Đặc biệt, đối thủ “nặng ký” nhất mà các DN phải đối mặt là New Zealand. Đất nước này có diện tích nuôi bò lên tới 5.000 ha với khoảng 4-5 triệu con bò sữa nên giá thành rẻ hơn. Sản phẩm sữa của New Zealand cũng có tiếng khắp thế giới. Đối với riêng Công ty Mộc Châu, hiện nay năng suất sữa tươi đạt 7,4 tấn/chu kỳ, thua Nhật Bản 1,3 tấn/chu kỳ, thua Pháp là 0,8 tấn/chu kỳ. Tuy nhiên DN cũng không e sợ gì bởi chỉ cần nỗ lực cố gắng thì hoàn toàn có thể đủ sức cạnh tranh. Mục tiêu mà Mộc Châu đặt ra là trong 5 năm nữa nâng năng suất lên 8 tấn/chu kỳ. Nếu đạt được điều này giá bán sẽ giảm xuống. Sữa tươi vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam với chi phí bảo quản khá lớn nên DN có thể cạnh tranh bình đẳng.

Xây dựng thương hiệu cho ngành sữa Việt là giải pháp quan trọng giúp ngành này vững vàng hội nhập
Xây dựng thương hiệu cho ngành sữa Việt là giải pháp quan trọng giúp ngành này vững vàng hội nhập

Nên đọc

Theo ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk): Thị trường sữa Việt Nam có quy mô rất lớn. Với trình độ công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế và với tổng mức đầu tư của ngành sữa lên tới nhiều tỷ USD cho các nhà máy, trang trại, hệ thống phân phối, thương hiệu... như hiện nay, không thể có chuyện các DN sữa trong nước bị co cụm mà thậm chí còn lớn mạnh hơn trong cuộc cạnh tranh với DN nước ngoài.

“Sau khi gia nhập TPP, ngành sữa trong nước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Theo đó, cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em. Với những sản phẩm khác như sữa tươi, sữa nước, sữa chua...  DN sữa trong nước đang hoàn toàn làm chủ trên sân nhà. Đây cũng là các dòng sản phẩm chính mà Hanoimilk đang sản xuất. Do vậy các sản phẩm chính của chúng tôi ít bị ảnh hưởng sau khi gia nhập TPP”, ông Tuấn nói.

Chủ động cạnh tranh

Trên thực tế, không phải cho tới tận bây giờ khi TPP chính thức được ký kết, Công ty Mộc Châu mới sốt sắng. Ông Trần Công Chiến khẳng định, từ trước DN đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Đó là nâng dần quy mô chăn nuôi nông hộ để tăng khả năng ứng dụng cơ giới hóa; áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nhiệm vụ Công ty đặt ra là phải nâng quy mô chăn nuôi nông hộ từ 32 con/hộ hiện nay lên 45 con/hộ, thậm chí sẽ có nhóm hộ nuôi quy mô lớn khoảng 100-200 con/hộ. Cùng với đó, Công ty đẩy mạnh đào tạo con người trong các vấn đề như chăn nuôi, thú y, dinh dưỡng, quản trị… “Quan điểm của tôi vẫn là nhấn mạnh vai trò của chăn nuôi nông hộ. Trên thực tế, tại nhiều nước như Mỹ, Canada… cũng đều như vậy. Hiện nay, quy mô chăn nuôi bò sữa ở Mỹ khoảng 300 con/hộ, Hàn  Quốc là 45 con/hộ và Canada 80 con/hộ. Công ty Mộc Châu sẽ tiếp tục xây dựng thêm cơ sở chế biến sữa và thức ăn; tăng cường liên kết vùng với nhân dân. Trên thực tế hiện nay, DN đã có 1.000 ha chăn nuôi trên 18.000 con bò sữa. Định hướng sắp tới Công ty sẽ nâng lên quy mô chăn nuôi 35.000 con bò sữa. Ngoài ra, DN cũng xác định phải càng ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm bán ra thị trường”, ông Chiến nói.

Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Công Trang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH cho biết: Đối với TPP, các vấn đề được nhấn mạnh là sở hữu trí tuệ, thương hiệu. Sẽ không có cơ hội nào nếu hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm không có thương hiệu, không đáp ứng tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn thực phẩm. Do đó, định hướng của Tập đoàn được cụ thể bằng hai điểm nhấn. Một là xây dựng thương hiệu TH True Milk một cách đồng bộ cho 36 sản phẩm sữa tươi, sữa chua hiện tại và cho các sản phẩm sẽ phát triển trong tương lai. Hai là nỗ lực sản xuất, chế biến để có sản phẩm chất lượng tốt đạt chuẩn quốc tế. Dự án Sữa tươi sạch TH của Tập đoàn đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu hội nhập của TPP, đặc biệt nhấn mạnh tới tiêu chuẩn cao của sữa tươi sạch, đảm bảo cạnh tranh ngang ngửa về chất lượng với 3 cường quốc sữa là Mỹ, Úc, New Zealand.

 

Theo ông Hà Quang Tuấn: Đối với kinh doanh mặt hàng sữa tươi mặc dù các DN Việt Nam có ưu thế hơn nhưng vẫn cần đề phòng cạnh tranh với các sản phẩm sữa được làm từ sữa tươi NK vào Việt Nam. Hanoimilk dự kiến sử dụng nguồn sữa tươi tự nhiên từ trang trại của DN để sản xuất sữa chua, sữa nước, sữa thanh trùng là các dòng sản phẩm cần phải bảo quản lạnh trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ. Bởi các DN nước ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn về vận chuyển và bảo quản khi NK và tiêu thụ các dòng sản phẩm này ở Việt Nam.

Để ngành sữa vững vàng hội nhập, ngoài sự chủ động, nỗ lực của chính DN, theo ông Trần Công Chiến, điều quan trọng là cần sự vào cuộc đồng hành tích cực từ phía Nhà nước. Điển hình như, Nhà nước phải tận dụng các chính sách, xây dựng các hàng rào phi thuế quan để bảo vệ ngành sản xuất trong nước một cách hợp lý.  Ngoài ra, trong các chính sách như hỗ trợ cho bà con chăn nuôi bò sữa vay vốn cần hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất cho hiệu quả. Hiện nay, bà con nông dân tiếp cận vốn vay bình thường cũng rất khó khăn chứ chưa nói tới vay với lãi suất ưu đãi. “Một trong những điểm quan trọng rất cần bàn tay của Nhà nước là xây dựng chính sách chung hoạch định xây dựng thương hiệu cho ngành sữa Việt. Đồng thời, phải thực sự thúc đẩy triển khai chương trình “Sữa học đường” chứ không thể nói mãi mà chưa làm”, ông Chiến nhấn mạnh.

Theo Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo