Doanh nghiệp thờ ơ với vốn vay
Tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh với NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra chiều 13/10, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng, mặc dù rất tích cực tiếp xúc nhưng “do các doanh nghiệp (DN) không có nhu cầu vay vốn” nên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào khối khách hàng này chiếm tỷ lệ thấp.
Mở đầu cho vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, chưa bao giờ việc vay vốn lại bị các DN "thờ ơ" như hiện nay. Theo đó, cuộc khảo sát của HUBA với hàng ngàn phiếu tham khảo ý kiến DN về nhu cầu vay vốn ngân hàng được đưa ra, nhưng chỉ thu được khoảng 10-20 ý kiến của DN muốn vay. Số còn lại dù có nhu cầu vốn nhưng không dám vay vì không biết vay để làm gì.
Giải thích thêm ý kiến này, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, tính đến thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất của các DN là hiệu quả kinh tế. Do khó khăn chung về thị trường và sức mua sụt giảm, nên các DN cũng ngần ngại vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh, cho dù xét một cách công bằng, lãi suất mà các ngân hàng đang áp dụng hiện khá hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng tự nhận thấy mình không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn vì thế không quan tâm tới lời chào mời của ngân hàng.
Thực tế nói trên được các NHTM chứng minh bằng số liệu cụ thể. Ông Đỗ Duy Hưng - Tổng giám đốc NHTMCP Bản Việt (VietCapital Bank)cho hay, từ đầu 2014 đến nay, dư nợ của ngân hàng này đạt khoảng 11.400 tỷ đồng; tuy nhiên, tỷ lệ cho vay DN chỉ chiếm dưới 20%. Hiện ngân hàng đã cấp hạn mức tín dụng cho nhiều DN, nhưng vẫn còn khoảng 2.450 tỷ đồng hạn mức không được các DN sử dụng.
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Nguyễn Quang Triết - Phó tổng giám đốc NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng, mặc dù ngân hàng đã kéo mức lãi suất cho vay xuống bình quân chỉ 8-9,5% để cho vay đối với DN, nhưng vẫn còn khoảng 2.000 tỷ đồng hạn mức không được DN quan tâm.
Cũng có ý kiến đề nghị các ngân hàng hạ lãi suất trung và dài hạn để các DN vay đầu tư. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho rằng rất khó để hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn vì từ đầu năm đến nay tình hình huy động vốn trung dài hạn của các ngân hàng rất khó khăn.
Nhận định chung về hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng qua, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về cơ bản các TCTD trên địa bàn thành phố đã thực hiện cho vay sản xuất – kinh doanh khá tốt. Dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm tới 80% trên tổng dư nợ. Trong số này các khoản vay có lãi suất dưới 8%/năm chiếm 30%, các khoản vay có lãi suất 8-12%/năm chiếm 50%. Mức lãi suất này là khá hợp lý trong bối cảnh hiện tại.
Riêng về xử lý nợ xấu, theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến 31/8 các TCTD trên địa bàn đã xử lý được 15.584 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực bán nợ cho VAMC. Theo đó, số nợ được bán cho VAMC đến thời điểm này ước khoảng trên 13.200 tỷ đồng. Nhờ vậy, tính đến thời điểm này số nợ xấu trong hệ thống TCTD tại TP. Hồ Chí Minh ước khoảng trên 60.988 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,1% trong tổng dư nợ tín dụng.
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo