Doanh nghiệp “tố” Công ty thí nghiệm điện Miền Bắc “ưu ái” nhà thầu
Theo đó, Công ty CP vật liệu APEC (Công ty vật liệu APEC - địa chỉ tại Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh về việc sau khi nắm được thông tin mời thầu gói thầu “Mua sắm hệ thống phần mềm SCADA, cấu hình hệ thống, kết nối vận hành điều khiển, thí nghiệm hiệu chỉnh tại trung tâm điều khiển”, thuộc Dự án: “Xây dựng trung tâm điều khiển xa các trạm biến áp 110kV các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Tĩnh , Hòa Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc”, một số doanh nghiệp đã đến mua hồ sơ dự thầu tại Công ty TNHH MTV thí nghiệm điện Miền Bắc (Công ty thí nghiệm điện Miền Bắc – Chủ đầu tư dự án).
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, doanh nghiệp này nhận thấy nhiều bất hợp lý trong nội dung yêu cầu về sản phẩm, năng lực nhà thầu; chủ đầu tư có dấu hiệu “cài” nhiều tiêu chí gây hạn chế, khó khăn cho các đơn vị tham gia dự thầu; đưa ra một số tiêu chí “ủng hộ” một doanh nghiệp nhận gói thầu trên.
Cụ thể, theo thông tin trong Hồ sơ mời thầu, tiểu mục 3.1 có nội dung xác nhận người sử dụng cuối cùng cho phần mềm SCADA/DMS cho trung tâm điều khiển yêu cầu phải có ít nhất 01 thư xác nhận đã hoàn thành hoặc đang triển khai đến 80% khối lượng của Công trình Trung tâm Điều khiển xa trên lưới điện phân phối thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đây là gói thầu có tính chất mới đúng ra phải đấu thầu quốc tế. Nếu đấu thầu rộng rãi trong nước thì phải hạ các tiêu chí xuống để có thể nhiều nhà thầu tham gia. Nếu đáp ứng được yêu cầu này thì chỉ có một đến hai nhà thầu đáp ứng đủ điều kiện.
Cùng với đó, Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thì đã loại gần như tất cả các nhà thầu và chỉ có Công ty TNHH Siemens Việt Nam đã trúng thầu ở Tổng công ty điện lực Miền Nam (đấu thầu quốc tế năm 2014) là đạt.
Bên cạnh đó Công ty vật liệu APEC còn phản ánh việc Bảng tính kỹ thuật phần mềm có mục 1.6, mục 4.2, mục 7.6 thì vấn đề này chỉ có Siemens Việt Nam có thể đáp ứng còn các nhà thầu sẽ không đạt. Đặc biệt hai mục 7.6 và 7.7 được viết hoàn toàn theo thông số kỹ thuật của Công ty TNHH Siemens Việt Nam, chính xác đến từng từng chữ tiếng Anh, các hãng khác khác sẽ có thể có tính năng tương tự nhưng được gọi bằng những cái tên tiếng Anh tương tự khác. Còn trong Hồ sơ mời thầu, Chủ đầu tư đã tùy tiện bê nguyên tiếng Anh của Công ty TNHH Siemens Việt Nam vào Hồ sơ mời thầu.
Trong đơn kiến nghị của Công ty APEC cũng cho rằng: “Mặc dù trong công văn làm rõ thì chủ đầu tư vẫn ghi đón đó là tham chiếu, các nhà thầu có thể chào tính năng tương đương để Chủ đầu tư kiểm chứng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng với một bộ Hồ sơ mời thầu được viết hoàn toàn theo hướng ủng hộ một nhà thầu duy nhất (đến 95%) thì rõ ràng gói thầu này có vấn đề”!?
Trao đổi với PV về những phản ánh trên, ông Phạm Trần Phú – Giám đốc Công ty thí nghiệm điện Miền Bắc khẳng định, không có chuyện “ưu ái” nhà thầu như thông tin Công ty vật liệu APEC đưa ra. Có tổng cộng 08 đơn vị mua hồ sơ mời thầu, trong sáng ngày 12/10 có 04 đơn vị tham gia nộp hồ sơ dự thầu.
Ông Phú cho biết, tại Việt Nam có rất nhiều trung tâm điều khiển đã và đang được đưa vào vận hành trên lưới điện, và trên thực tế khảo sát, đánh giá năng lực các nhà thầu, có khoảng 8 doanh nghiệp đáp ứng được gói thầu này chứ không phải 1,2 đơn vị như Công ty APEC nêu.
Thêm vào đó, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu cũng được thực hiện theo Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, đã quy định rõ về hợp đồng tương tự. Giá trị hợp đồng tương tự yêu cầu trong HSMT là 35 tỷ, chiếm 69,4% so với giá gói thầu được CĐT phê duyệt (theo quy định trong khoảng 50-70%).
Về tiêu chí Bảng đặc tính kỹ thuật phần mềm, đại diện CĐT cũng cho rằng ngoài Siemens Việt Nam ra, còn có 04 đơn vị khác cũng đáp ứng được các tiêu chí trên.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
End of content
Không có tin nào tiếp theo