Doanh nghiệp trốn nợ
Số tiền nợ lên đến hàng trăm tỉ đồng, vét sạch tài sản đem cầm cố để trả những khoản vay nặng lãi vẫn không đủ, nhiều chủ doanh nghiệp đã âm thầm bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản đi nơi khác...
Lãi mẹ đẻ lãi con
Doanh nghiệp tư nhânN tư nhân ĐB chuyên sản xuất ván ép gỗ xuất khẩu ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai) từ nhiều ngày nay đã không còn... giám đốc. Gần 100 công nhân rơi vào tình trạng nợ lương, đi không đành ở cũng chẳng được.
Ông V., em trai giám đốc B. đồng thời là quản lý hiện tại của công ty này, cho biết giữa năm 2011 doanh nghiệp quyết định mở thêm hai nhà xưởng để tăng công suất. Vay ngân hàng không được, doanh nghiệp quyết định vay “nóng” bên ngoài số tiền 1,6 tỉ đồng với lãi suất 7%/tháng để mở xưởng và mua thêm may móc.
Thêm nhiều vụ kiện Một số nhân viên tín dụng ngân hàng cho biết thời gian tới buộc phải tiếp tục khởi kiện ra tòa rồi phát mãi tài sản đối với những doanh nghiệp nợ xấu, tồn đọng lâu ngày. Mặc dù hiện tại phần lớn tài sản phát mãi là bất động sản chẳng bán được, dù giá bán đã giảm một nửa so với thời điểm định giá nhưng cũng chẳng ai mua. |
Thế nhưng điều doanh nghiệp này không ngờ là đơn hàng ngày càng thưa thớt, lãi mẹ đẻ lãi con khiến chủ doanh nghiệp phải cầm cố hai chiếc ôtô để trả nợ dần.
Nợ chồng nợ, chủ nợ lại siết liên tục nên ông B. bỏ trốn cách đây ít ngày để lại khoản nợ ngày càng phình ra, còn tài sản đã cạn kiệt, máy móc “trùm mền”. “Bây giờ chỉ còn biết sản xuất cầm chừng để lo ăn qua ngày chứ chưa biết tính cách gì?”- quản lý doanh nghiệp rầu rĩ nói.
Còn tại Công ty may mặc TT (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) chiều 9/4, một số công nhân phát hiện công ty có dấu hiệu di dời máy móc, kể cả hàng hóa thành phẩm đi nơi khác nhưng chưa thanh toán lương tháng 3/2012. Một số công nhân đã thay nhau đặt ghế bố nằm trước cổng ra vào công ty canh chừng không cho di chuyển tài sản.
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung - chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn - cho biết: “Do tình hình sản xuất khó khăn dẫn đến nợ nần, nhiều công nhân phát hiện chủ công ty có dấu hiệu di chuyển tài sản dù số tiền nợ lương công nhân hơn 400 triệu đồng vẫn chưa trả. Tuy nhiên, sau khi liên đoàn vào cuộc, chủ doanh nghiệp đã trả toàn bộ tiền nợ lương công nhân. Riêng khoản nợ ngân hàng hay nợ bên ngoài của doanh nghiệp này bao nhiêu thì liên đoàn chưa nắm được do người đứng tên chủ doanh nghiệp không tiếp xúc”.
Chiều 13/4, khi chúng tôi trở lại trụ sở công ty này thì nơi đây chỉ còn “vườn không nhà trống”, những chuyến xe ba gác cuối cùng đã chở máy móc trong nhà xưởng đem đi bán.
Tương tự, cơ sở sản xuất phế liệu XB (P.Tam Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) mới đây đã bị hàng chục chủ nợ bao vây căn nhà đòi lấy tài sản. Đầu năm 2009, thấy nguồn thu lớn từ sản xuất phế liệu, ông T. - chủ cơ sở - đã vay mượn ngân hàng trên một tỉ đồng và hơn chục cá nhân bên ngoài hơn 500 triệu để đầu tư kinh doanh.
Khoản nợ quá lớn, kinh doanh không thu lợi đã khiến cơ sở này vỡ nợ. Hiện căn nhà có giá khoảng 1,5 tỉ đồng của ông T đã bị ngân hàng xiết, tài sản còn sót lại duy nhất là chiếc ôtô cũng không “gánh” nổi khoản nợ chồng chất.
Và nay để có tiền trả nợ, DN may mặc TT phải bán tài sản, máy móc (ảnh chụp ngày 13-4-2012) - Ảnh: Đình Dân |
Nợ chồng nợ
Chủ một doanh nghiệp may tại TP. Hồ Chí Minh cho biết để giải quyết nợ nần ngoài bán tháo máy móc, tình trạng cầm cố, thế chấp tài sản để vay tiền với lãi suất cao đang diễn ra rất phổ biến. Bị dồn đến đường cùng, nhiều doanh nghiệp buộc phải vay ngoài với lãi suất “cắt cổ”. Thủ tục đôi khi chỉ là... uy tín, không cần thế chấp tài sản, thậm chí không cần giấy tờ nhưng hầu hết sau khi vay thì số tiền lãi đội lên gấp đôi, gấp ba số tiền vay khiến nhiều người bị xiết nợ mất nhà cửa, thậm chí còn bị hăm dọa, đánh đập.
Trường hợp của doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng ăn uống ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Trong thời điểm khó khăn doanh nghiệp này vay 3,7 tỉ đồng bên ngoài, sau một thời gian doanh nghiệp này đã trả được 726 triệu đồng tiền lãi. Nhưng việc kinh doanh ngày càng lún sâu vào khó khăn khiến doanh nghiệp này không có tiền trả. Sáu tháng sau chủ nợ đưa giấy nợ ép doanh nghiệp ký với mức nợ cả vốn lẫn lãi lên đến gần tám tỉ đồng.
Bán hết nhà xưởng vẫn không trả hết nợ Từng là công ty có tiếng trong ngành may mặc xuất khẩu qua Đông Âu với ba xưởng may cùng hàng ngàn công nhân, nhưng nay Công ty VK (Q.12, TP.HCM) đang rơi vào cảnh cầm cự từng ngày. Khó khăn bắt đầu đến với Công ty VK vào thời điểm giữa năm 2011 khi công ty rất khan hiếm đơn hàng, dẫn đến việc sản xuất đình đốn. Hiện tại chỉ tính riêng số tiền lãi của công ty này với hai ngân hàng đã lên tới 200 triệu đồng một tháng. Để có tiền trả nợ ngân hàng, bà B. - giám đốc công ty - đã phải rao bán hai căn nhà ở đường 3-2 (Q.10) và đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) cùng một nhà xưởng ở Q.12. “Để chạy tiền trả lãi suất ngân hàng và trả lương cho công nhân, tôi buộc phải gỡ máy may, máy vắt sổ ra bán, hiện tại máy móc trong nhà xưởng đã bán 20-30% nhưng vẫn chưa trả hết nợ” - bà B. than. |
Ông H.A., nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết hiện nhiều DN sản xuất đình đốn, làm bao nhiêu cũng không đủ trả lãi.
Trong hai năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chịu đựng để cầm cự sản xuất vì họ không muốn mất sản nghiệp của mình. Không có tiền buộc họ phải đi vay tới vay lui. Đơn cử như một khách hàng kinh doanh sắt thép của ông H.A. đang vay bảy ngân hàng với số tiền tới 750 tỉ đồng, hiện doanh nghiệp này đang gom góp tất cả số tiền để trả cho ngân hàng...
Từ tờ rơi dán đầy trên đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) với nội dung “Hỗ trợ vay vốn đáo hạn ngân hàng, thủ tục nhanh gọn lãi suất cạnh tranh”, chúng tôi liên lạc được với T., một đối tượng cho vay tín dụng bên ngoài.
T. chào mời “anh có sẵn hồ sơ, chỉ cần đưa cho tôi trong vòng một tuần làm xong thủ tục thế chấp là vay được, số tiền vay tối thiểu 200 triệu và tối đa 40 tỉ đồng. Thủ tục nhanh gọn, còn lãi suất thì gặp nhau thỏa thuận”. T. nói thêm trong tháng vừa qua đã giúp cả chục con nợ vay vốn đáo hạn ngân hàng.
Ra tòa, phát mãi tài sản
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, cho biết tình trạng vay “nóng” hay xiết nợ hàng loạt hiện diễn ra khá phổ biến.
Một thẩm phán tại TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện hàng loạt ngân hàng bắt đầu vào cuộc sàng lọc những khoản nợ của doanh nghiệp được cho là không có khả năng chi trả. Các ngân hàng này cho biết sau khi sàng lọc sẽ khởi kiện các doanh nghiệp nêu trên. Vị thẩm phán trên tiết lộ tại tòa của ông đang nhận rất nhiều đơn kiện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, có giá trị 10-70 tỉ đồng từ các ngân hàng.
Thẩm phán Phan Thanh Hưng, Tòa án nhân dân quận 12, cho biết chỉ tính riêng án kinh tế tại đây đã có 40-50 vụ đang được ông thụ lý, giải quyết. Theo ước tính của ông Hưng, có hơn 100 vụ án kinh tế liên quan đến tranh chấp tài sản đang được giải quyết tại tòa này.
Theo luật sư Trạch, hầu hết khoản nợ của doanh nghiệp ở thời điểm này xuất phát từ nguyên nhân hàng sản xuất không tiêu thụ được, lỗ chồng lỗ khiến doanh nghiệp phải tìm cách xoay xở. “Bản thân các ngân hàng khi xem xét cho vay mặc dù hồ sơ vay của doanh nghiệp có đầy đủ cũng không dám cho vay, hoặc cho vay rất hạn chế, dè dặt. Thậm chí nếu liên quan đến kinh doanh bất động sản chắc chắn các ngân hàng sẽ từ chối” - ông Trạch nói.
Chính vì cậy nhờ các ngân hàng không được nên doanh nghiệp đành phải tìm đến các khoản vay bên ngoài để cầu cứu. Nhưng hình thức vay “nóng” hay cầm cố chỉ là biện pháp tạm thời, thực tế đó là vòng luẩn quẩn không lối thoát khiến doanh nghiệp ngày càng ngập sâu vào khủng hoảng nợ.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới