Thị trường

Doanh nghiệp và câu chuyện chàng David

Trong kinh doanh ngày nay, ta cũng có thể so sánh một cách thú vị về những doanh nghiệp nhỏ bé - chàng David với những hãng sản xuất khổng lồ, để thấy phẩm chất tự tin cần thiết thế nào...

Câu chuyện chàng David nhỏ bé đánh ngã gã khổng lồ Goliad là một trong những điển tích về sự thông minh, khôn khéo, nhanh trí và dũng cảm. Nhưng David sẽ không chiến thắng nếu không có sự tự tin mạnh mẽ.


Ở Việt Nam, dù còn ít nhưng đã có những doanh nghiệp David tự tin đương đầu với sự cạnh tranh từ những gã khổng lồ Goliad mà điển hình là những doanh nghiệp dệt may làm hàng FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm thay vì làm hàng gia công) tự chủ động vươn lên thoát khỏi mô hình gia công để gia tăng giá trị trên mỗi lô hàng xuất khẩu.


Câu chuyện hàng FOB


Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may làm hàng FOB đưa ví dụ: Nếu gia công một chiếc quần kaki có giá trung bình khoảng 1,6 USD thì khi nhận hợp đồng theo giá FOB, giá một chiếc quần cùng chủng loại vải này có thể lên đến 10 USD.


Như vậy, nếu gia công 100.000 quần, số tiền thu được 160.000 USD, chỉ đủ chi trả lương công nhân cùng các chi phí phục vụ việc sản xuất, nhưng nếu đây là hàng FOB thì sau khi trừ tất cả các chi phí lợi nhuận tối thiểu doanh nghiệp có thể thu về từ 25.000-50.000 USD.


Theo ông Phạm Phú Cường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè, xu hướng phải đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của khách đặt hàng, việc bắt buộc phải chuyển dần sang làm FOB gần như không thể tránh khỏi.


Không doanh nghiệp dệt may nào phủ nhận lợi nhuận có được từ các hợp đồng hàng FOB, nhưng để sản xuất theo phương thức này hội tụ nhiều yếu tố cơ bản của doanh nghiệp từ tài chính đến năng lực quản trị, trình độ nhân viên và quan trọng không kém là niềm tin mạnh mẽ có thể đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào của khách hàng.


Đơn cử tại Công ty Garmex Sài Gòn, doanh nghiệp bắt đầu làm hàng FOB từ năm 2004 và hiện nay có tới 90% số đơn hàng xuất khẩu là hàng FOB với sự tự tin chỉ cần khách hàng gửi duy nhất hình ảnh của mẫu sản phẩm họ muốn làm qua email là công ty sẽ đáp ứng được theo đúng yêu cầu.

Và từ năm 2004 đến nay, Garmex Sài Gòn đã xây dựng  24 khâu thuộc quy trình thực hiện đơn hàng xuất khẩu theo giá FOB với 300 nhân viên thực hiện các công việc cung cấp cho khách hàng quy trình dịch vụ khép kín từ thiết kế mẫu, phối màu, thu mua nguyên liệu ở các quốc gia khác nhau… trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.


Mặc dù để làm được hàng FOB doanh nghiệp cần phải có nguồn lực lớn về tài chính, hạ tầng cơ sở sản xuất đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp từ khâu chào giá, đàm phán giá khách đặt hàng đến tổ chức sản xuất để ra được sản phẩm hoàn chỉnh, song đây là cuộc chơi không thể bỏ qua mà chỉ có tự tin dấn thân, đương đầu thì sự rèn luyện trong khó khăn, thử thách mới giúp doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn.


Tìm "chỗ đứng" cho hàng Việt


Từ sự thành công của hàng FOB, không ít người tự hỏi nếu đã giành được sự tín nhiệm của khách hàng nước ngoài thì tại sao lại doanh nghiệp Việt lại chưa thể giành “vòng nguyệt quế” tại chính quê hương mình, một thị trường gần 90 triệu dân, với sức mua đang tăng lên mạnh mẽ?


Liệu chúng ta đã đủ tự tin để đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng với sự khẳng định chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá rẻ hơn hàng nhập khẩu? Câu trả lời là có, nếu chúng ta tự tin vào sức sáng tạo của mình.



Có thể nói, trong một  thế giới ngày càng phẳng thì sự cạnh tranh, độc quyền về chất liệu, công nghệ chỉ ở một mức độ nhất định còn điều làm nên thành công của rất nhiều doanh nghiệp chính là những mẫu thiết kế độc đáo của sản phẩm.


Từ đồ công nghệ cao như chiếc iPhone của Apple đến đồ gia dụng hàng ngày như con dao đa năng của Thụy Sĩ, đều đem  lại cho người sử dụng ở phạm vi toàn thế giới những ấn tượng rất đặc trưng ngay từ mẫu mã bên ngoài đến công năng sử dụng bên trong…


Và tại Việt Nam, câu chuyện thiết kế, mẫu mã là bài toán nan giải không chỉ đối với ngành dệt may mà cả đối với ngành sản xuất đồ gỗ, công nghiệp chế tạo. Người Việt thường hay tự hỏi tại sao chỉ một chiếc xe đạp mà chúng ta cũng khó cạnh tranh về mẫu mã với hàng nhập khẩu… trong khi về cơ bản đây hoàn toàn là những thiết kế cơ khí, có lẽ đơn giản hơn nhiều so với công nghiệp về ô tô, hay xe máy.


Thế nhưng để lựa chọn một chiếc xe đạp nội và một chiếc xe đạp ngoại, mà có thể nhiều chi tiết nó được sản xuất và lắp tại Việt Nam, thì người ta vẫn chọn xe ngoại bởi ngoài chuyện “nồi đồng, cối đá”, thì hình thức của mỗi chiếc xe cũng là tiêu chí quan trọng để lựa chọn.


Mới đây, tại một diễn đàn về tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề một lần nữa câu chuyện  thiết kế mẫu mã lại được đặt ra trong lĩnh vực xuất khẩu có tiềm năng rất lớn nhưng đang dần lép vế do chỉ xoay quanh những mẫu sản phẩm có từ hàng chục thậm chí hàng trăm năm nay mà không hề có sự cải tiến cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.


Vì vậy, thật đáng mừng trước thông tin nhiều công ty lớn trong ngành dệt may như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Hoà Thọ… đang đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trung tâm thiết kế riêng, không chỉ nhằm tăng tỷ lệ hàng FOB trong cơ cấu xuất khẩu của doanh nghiệp mà còn hướng tới từng bước chinh phục thị hiếu người tiêu dùng trong nước.


Hay như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tự tin, dám lao vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt ở thị trường ngặt nghèo như ở Mỹ...


Và trên bước đường xây dựng thương hiệu quốc gia, chúng ta sẽ cần thêm rất nhiều sự tự tin, năng động như vậy để phát huy tối đa phẩm chất sáng tạo, thông minh, linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.


Với một nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn, hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới thì câu chuyện giữa David và Goliad sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và đó là cuộc chơi mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể từ bỏ.


Chúng ta sẽ tiếp tục phải tự trang bị cho mình rất nhiều thứ trước khi bước vào một cuộc đấu, nhưng có một thứ sẽ không bao giờ là cũ, là thiếu, đó là sự tự tin!


Theo Chinhphu.vn

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo