Thị trường

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi

Đã có DN được vay với lãi suất 6,5 - 7,5%/năm, nhưng số DN may mắn này không có nhiều mà hầu hết các DN vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng vì thủ tục hồ sơ vay vốn khá phức tạp.

Vướng cơ chế

Hội thảo "Hướng dẫn chính sách hỗ trợ về lãi suất vốn vay sản xuất kinh doanh và sau đầu tư cho DN trên địa bàn TP Hà Nội" do Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội (HASMEA) tổ chức ngày 4/11, bà Trần Thu Hằng - Giám đốc Công ty CP XNK Nông sản Thực phẩm Việt Nam khẳng định: "Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4094/QĐ-UBND ngày 1/8/2014, về hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư và Quyết định số 4832/QĐ-UBND ngày 17/9/2014, về hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN trên địa bàn TP, song đến nay, DN vẫn chưa thể tiếp cận được vốn vì thủ tục cho vay của các ngân hàng khá rắc rối".
 
Vẫn còn những rào cản về thủ tục khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn vay ưu đãi. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất phụ tùng xe máy của Công ty TNHH Sông Công tại quận Hà Đông. Ảnh: Việt Dũng
 
Là chủ DN kinh doanh chế biến nông sản thực phẩm, bà Trần Thu Hằng đã chứng minh được đầu vào của mình là các HTX và Công ty Sản xuất rau sạch trên địa bàn TP (quận Hoàng Mai, huyện Phú Xuyên, huyện Quốc Oai), và đầu ra là hợp đồng đặt mua rau sạch ổn định từ 20 trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, phía ngân hàng vẫn yêu cầu phải có tài sản đảm bảo mới cho DN vay.
 
"Tôi thế chấp mảnh đất ở Long Biên trị giá gần 3 tỷ đồng xin vay 500 triệu đồng nhưng ngân hàng vẫn không chấp nhận vì họ cho rằng đất ở quận này khó thanh lý" - bà Trần Thu Hằng cho biết.
 
Mặc dù phương án kinh doanh rau sạch của bà Hằng nhận được sự ủng hộ từ Sở NN&PTNT Hà Nội, Hiệp hội HASMEA cũng sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho DN trước ngân hàng, nhưng thực tế các ngân hàng vì muốn an toàn quỹ vốn nên không chấp nhận việc bão lãnh tín dụng này.
 
Vì "kẹt vốn" nên có thời điểm để có tiền ứng trước cho nông dân trồng rau sạch, bà Hằng đã phải vay "nóng" 100 triệu đồng trả lãi 1 triệu đồng/ngày.
 
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HASMEA cho biết, mặc dù đã có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN của TP, song các điều kiện của Quỹ này còn khó hơn cả các quy định của ngân hàng nên hầu như các DN không thể tiếp cận được.
 
DN vì thiếu vốn mà không thể triển khai các phương án kinh doanh tốt, trong khi ngân hàng và Quỹ bảo lãnh "khư khư" giữ vốn vì cơ chế cho vay hiện nay buộc họ phải thận trọng, hạn chế tối đa mọi rủi ro.
 
Đơn giản hóa thủ tục cho vay
 
Đây là đề xuất của không chỉ các DN chưa được vay vốn mà ngay cả những DN đã từng được hưởng lãi suất ưu đãi cũng mong mỏi các ngân hàng giảm bớt thủ tục tạo thuận lợi hơn cho DN đi vay.
 
Bà Đỗ Thị Hương Giang - đại diện Công ty CP Nhựa Hà Nội, đơn vị "may mắn" được tiếp cận vốn vay ưu đãi của TP trong giai đoạn 2012 - 2013 cho biết, để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, công ty phải photo rất nhiều chứng từ, hợp đồng. 
 
Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Thị Sen - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (chuyên gia công sắt thép) cho rằng, với những DN đã thụ hưởng hỗ trợ lãi suất từ những năm trước các ngân hàng cũng nên giảm bớt thủ tục xét duyệt hồ sơ để tạo điều kiện hơn cho DN.
 
Năm 2013, SMC là một trong số các DN được duyệt vay vốn theo lãi suất ưu đãi, theo cảm nhận của DN này thì cán bộ các sở, ngành rất nhiệt tình giúp đỡ DN hoàn thiện hồ sơ.
Cũng theo bà Trần Thị Sen, đối tượng của chương trình hỗ trợ lãi suất cần được TP mở rộng với các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất vì đây là những DN sử dụng nhiều lao động phổ thông, giúp giải quyết được nhiều việc làm cho TP.
 
Tại hội thảo, ông Vũ Bằng Lâm - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Tài chính DN, Sở Tài chính TP Hà Nội đã giải thích cặn kẽ các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục để được vay vốn ưu đãi theo Quyết định 4094 và Quyết định 4832 của UBND TP, đồng thời khẳng định, mọi DN có nhu cầu vay vốn có thể liên hệ trực tiếp với các đơn vị chức năng được phân công trong hai Quyết định nêu trên để được hướng dẫn chi tiết. 
 
Theo Kinh tế và Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo