Xã hội

Doanh nghiệp vận tải mỗi tháng “nộp” nửa tỷ đồng cho VIDIFI

(DNVN) - Những ngày qua, sự bất cập tại các dự án BOT “ồn ào” trở lại khi xuất hiện hàng trăm lái xe tập trung tại tuyến đường QL5 khu vực Như Quỳnh (Hưng Yên), sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí do VIDIFI quản lý để phản đối những bất cập tại các trạm thu phí trên tuyến đường quốc lộ do nhà nước đầu tư xây dựng này. Còn trên tuyến đường cao tốc, mỗi tháng doanh nghiệp vận tải cũng phải "nộp" nửa tỷ đồng cho VIDIFI mà không được bất kỳ ưu đãi gì.

Theo đó, trong các ngày 04 và 05/9, đã có hàng trăm lái xe tải sử dụng tiền lẻ có mệnh giá 200, 500 đồng để mua vé qua trạm thu phí trên tuyến QL5 tại địa bàn TT Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Đông đảo người dân các huyện xung quanh vị trí đặt trạm này cũng tham gia phản đối khiến tình trạng ùn tắc kéo dài, một số thời điểm đơn vị quản lý phải “xả trạm” để các xe lưu thông nhanh chóng hơn.

Hàng loạt vấn đề mập mờ, bất cập trong công tác quản lý, thu phí tại tuyến đường QL5 (do nhà nước đầu tư xây dựng) và QL5B (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đầu tư theo hình thức BOT cũng đã bị các lái xe, doanh nghiệp phản ứng dữ dội.

Doanh nghiệp vận tải mỗi tháng “nộp” nửa tỷ đồng cho VIDIFI

Giám đốc một doanh nghiệp vận tải xe khách tại Hải Phòng cho biết, từ 1/4/2016 đến nay, VIDIFI đưa ra biểu giá thu phí mới trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến doanh nghiệp đã khó khăn, càng trở lên khó khăn hơn. Với hơn 10 đầu xe, mỗi tháng doanh nghiệp phải “nộp” gần nửa tỷ đồng phí BOT cho VIDIFI.

Theo vị này, cách điều hành của VIDIFI tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hết sức bất cập khi không bán vé tháng; cũng như không có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vận tải có lưu lượng hoạt động lớn trên tuyến.

“Với hơn 10 đầu xe khách chạy tuyến cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, chúng tôi bắt buộc phải mua vé lượt với giá phí là 350 nghìn đồng/ lượt. Các xe này 1 ngày chạy 2 chuyến cả đi và về mất 1,4 triệu đồng, nhân lên 1 tháng là trên 40 triệu đồng/ xe. Như vậy, với hơn 10 đầu xe, mỗi tháng doanh nghiệp của tôi phải nộp gần nửa tỷ đồng cho VIDIFI.

Hàng trăm lái xe sử dụng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí đặt trên QL5 khiến tình trạng ùn tắc kéo dài. (Ảnh minh họa)

Chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị tới Sở GTVT Hải Phòng đề nghị có phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải; Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị VIDIFI nghiên cứu xây dựng phương án thu vé tháng, vé quý và cập nhật phương án tài chính tương ứng…tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ hình thức ưu đãi nào”, vị này chia sẻ.

Anh Q., Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tuyến Hà Nội – Hải Phòng đi đường QL5 cũng cho biết, tuyến đường này còn tồn tại hàng loạt vấn đề bất cập cần giải quyết như chất lượng toàn tuyến xuống cấp nghiêm trọng; doanh nghiệp phải “gánh” 2 lần phí vì đã đóng quỹ bảo trì đường bộ; giá thu phí đắt ngang một số tuyến đường cao tốc, liên tục tăng cao khi VIDIFI quản lý, thu phí.

“Mỗi năm, doanh nghiệp phải đóng trên 7 triệu đồng/ xe tiền phí bảo trì đường bộ, nhưng lại tiếp tục phải gánh thêm phí BOT của 2 trạm trên QL5 khiến tổng chi phí tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đáng nói, tuyến đường này không phải do đơn vị BOT xây dựng nhưng VIDIFI lại được giao thu phí với giá cao để tận thu, gây sức ép lớn lên sức phát triển của xã hội, đặc biệt là các đơn vị vận tải như chúng tôi. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản”, anh Q. bức xúc.

Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

Theo ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, bản chất đường QL5 là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và trước đó, các doanh nghiệp đã chấp hành đóng phí rất tốt. Sau đó, khi Bộ GTVT bàn giao cho VIDIFI đứng ra quản lý, thu phí phục vụ xây dựng, hoàn vốn đường cao tốc, các doanh nghiệp đã phàn nàn, kiến nghị về việc này rất nhiều.

 

Theo lãnh đạo Hiệp hội vận tải Hải Phòng, Chính phủ đã có những hình thức ưu đãi tốt, mục đích giao cho VIDIFI thu phí QL5 để thu hồi vốn, tái đầu tư cho việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bởi suất đầu tư tuyến đường này là rất lớn. Tuy nhiên, ngoài vấn đề lợi ích của doanh nghiệp BOT, cần phải cân bằng lợi ích của người dân và doanh nghiệp vận tải.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tồn tại nhiều bất cập khiến nhiều lái xe, doanh nghiệp phản đối.

Như việc thu phí tại 2 trạm trên QL5, trước đây chỉ thu 10.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn, thì sau khi VIDIFI quản lý, thu phí đã liên tục tăng lên gấp nhiều lần, ở mức 40.000 – 180.000 đồng/ lượt xe tùy loại. Điều này là bất cập, gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp.

Tại tuyến cao tốc 5B, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định cũng chịu sức ép kinh tế khá lớn khi phải mua vé lượt chứ không được mua vé tháng, quý, ưu đãi… như các trạm thu phí thông thường khác.

Theo ông Tiến, việc thu phí theo tháng, quý là để khuyến khích đi lại, thu tiền 1 lần với người tham gia giao thông, nhưng VIDIFI không bán vé tháng như vậy là đi ngược lại với nguyện vọng chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Về góc độ nhà nước cần phải xem xét, quy định những chính sách phù hợp, khuyến khích người dân đi lại thường xuyên; có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hoạt động với lưu lượng lớn… mới kích thích được phát triển kinh tế, xã hội.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

 

Nam Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo