Thị trường

Doanh nghiệp vận tải nghe ngóng

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết chắc chắn cước dịch vụ vận tải sẽ tăng, nhưng mức tăng cụ thể phụ thuộc vào loại hình vận tải và từng loại hàng hóa cụ thể chứ không tăng ồ ạt.

Xe quá tải đang chuyển tải trên quốc lộ 51 thuộc địa phận Đồng Nai - Ảnh: Sơn Định

Một số doanh nghiệp vận tải cho biết vẫn còn chờ động thái của cơ quan chức năng xem có thật sự kiểm tra gắt gao và duy trì lâu dài hay không. Trong khi đó, chủ hàng cũng chần chừ giải phóng hàng tại cảng do chưa thương lượng được giá cước.

Cước hàng rời tăng mạnh

Một doanh nghiệp vận tải cho biết với xe có tải trọng 30 tấn nhưng vận chuyển 70 tấn sắt thép, quá tải 40 tấn, từ TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây có giá vận chuyển 45.000-50.000 đồng/tấn. Hiện không còn chở hàng quá tải, giá cước vận chuyển khi xe chở đúng tải là 100.000-125.000 đồng/tấn thép. Với giá này nhà xe mới đủ chi phí khấu hao xe, xăng dầu, lương tài xế, thu nhập nhà xe. Các khoản lợi nhuận không tăng thêm.

Tương tự, một doanh nghiệp vận tải ở Q.7 cho biết cước phí vận chuyển gạo, ximăng từ TP.HCM về Vũng Tàu hiện nay là 170.000-180.000 đồng/tấn sẽ tăng lên khoảng 320.000-340.000 đồng/tấn, trong đó bao gồm chi phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ... do một chiếc xe có tải trọng 18 tấn trước đây chở 40 tấn gạo, ximăng nay phải dùng hai xe.

Đại diện Công ty vận tải Anh Tuấn (TP.HCM) cho biết hiện vẫn chưa điều chỉnh giá cước dịch vụ vận tải mà còn chờ xem thị trường sẽ điều chỉnh ra sao, đồng thời tính toán lại các chi phí cụ thể. “Chúng tôi chạy hàng bánh kẹo, đồ nội thất... nên không bị ảnh hưởng nhiều do trước đây chở quá tải ít. Nếu có tăng cũng trong khoảng 10-30% tùy mặt hàng và tuyến đường. Ví dụ, mặt hàng bánh kẹo chở tuyến TP.HCM - Biên Hòa, chúng tôi tính cước theo chuyến” - vị này nói.

Ông T., giám đốc một doanh nghiệp vận tải có trụ sở TP.HCM thường chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội, cho biết một xe 8 tấn cả đi về gồm một số chi phí như: 700 lít dầu khoảng 14-15 triệu đồng; vé cầu đường, chi phí đi đường khoảng 3,5-4,5 triệu đồng; lương tài xế theo chuyến tính 15% giá cước... Trước đây thường chạy quá tải thì số tiền còn dư thu về 10-11 triệu đồng cho hao mòn xe, thay dầu nhớt, chi phí hành chính, lợi nhuận. Nay chạy đúng tải thì cước mỗi chuyến tăng thêm vài triệu đồng.

Lo ngại ứ đọng hàng

Ông Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, cho rằng cách tính tăng giá cước vận tải trên là cách tính “quy đổi” đơn giản từ một chiếc xe chở hàng quá tải, nay không còn chở quá tải thì phải huy động thêm hai hoặc ba chiếc xe chở hàng nên mới có giá cước vận chuyển mới này. Theo ông Phạm Sanh, thực tế lâu nay các đơn vị vận tải cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá cước để nhận chở hàng quá tải nên không đưa ra giá cước thật.

Công ty vận tải Hợp Thành Công cho biết hiện nay không chạy container kẹp đôi, có ảnh hưởng đến cước mà chủ hàng phải trả nhưng cũng không quá lớn. Chẳng hạn, với tuyến TP.HCM - Bình Dương, giá cước là 2,5 triệu đồng/chuyến cho một container 20 feet. Những chủ hàng có hai container có thể kẹp đôi thì mức cước cho chuyến chạy gộp là 4 triệu đồng. Nay đi đúng quy định thì vẫn là 2,5 triệu đồng/chuyến.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - lo ngại thời gian tới có khả năng xảy ra ùn ứ ở một số cảng. Hiện nay đã có tàu khoảng 7.000-8.000 tấn chở phân đạm về cảng Sài Gòn, chủ hàng đã cho xếp dỡ hàng trong cảng để nghe ngóng tình hình cân tải trọng xe, chưa chấp nhận tăng giá cước vận tải trong khi các xe không dám chở hàng quá tải.

 

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo