Doanh nghiệp vận tải rục rịch giảm giá cước
Chỉ 2 ngày sau khi giá xăng dầu tiếp tục giảm (7/11), một số doanh nghiệp vận tải ở đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu giảm giá cước. Ông Ba Hùng, chủ 4 đầu xe tải ở Kiên Giang cho biết quyết định giảm giá cước từ 500.000 đồng một tấn hàng xuống còn 480.000 đồng từ Rạch Giá đi TP HCM.
Còn tại Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Khách sạn Du lịch Vận tải Vũ Linh cũng đã thống nhất điều chỉnh giảm giá vé toàn bộ các tuyến cố định với mức trung bình khoảng 10% từ ngày 9/11.
Tương tự, các hãng xe chạy tuyến Vũng Tàu - TP HCM đều đã giảm 5.000 đồng một vé. Sắp tới các hãng xe chạy tuyến về các tỉnh miền Tây cũng sẽ có phương án giảm. Riêng tuyến xe chạy Bắc-Nam thì trước nay ít tăng hoặc giảm giá theo giá xăng dầu.
Một số hãng taxi tại TP HCM thì cho biết đã gửi hồ sơ thông báo điều chỉnh cước đến các cơ quan quản lý. Do vậy, ít nhất 2 tuần nữa mới có thể hoàn tất mọi thủ tục để giảm giá.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp phía Bắc cho rằng do chưa điều chỉnh cước trong những lần xăng tăng giá nên họ có lý do "án binh bất động" khi giá xăng tiếp tục giảm.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Bus Hải Phòng cho biết tuy là xe chạy đường dài nhưng có đặc thù là trả vé tuyến. Mỗi lần giá cả biến động nếu muốn điều chỉnh giá cước, thủ tục rườm rà, rất mất thời gian. Do vậy, gần 2 năm nay mặc cho giá xăng lên hay giảm, cước vận tải của hãng vẫn không thay đổi.
“Vì vậy thời điểm này doanh nghiệp chưa tính đến điều chỉnh giá cước", ông Hưng cho hay.
Theo ông Hưng với những doanh nghiệp vận tải chạy tuyến đường dài không dễ dàng điều chỉnh giá cước như các hãng taxi. Và hầu hết những lần giá xăng tăng doanh nghiệp luôn phải tìm mọi cách thắt lưng buộc bụng để kìm giá cước ở mức độ phù hợp cho hành khách.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc taxi Hồng Minh (Hà Nội) cho biết với những hãng không chịu đựng được những lần tăng giá xăng thời gian trước thì khả năng sẽ phải xem xét giảm giá cước tại thời điểm này. “Nhưng hãng tôi vẫn giữ nguyên giá cước vận chuyển vì trước đó không tăng giá theo xăng", ông Minh cho hay.
Lãnh đạo hãng taxi Hồng Minh cũng cho rằng chủ trương của Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp giảm giá trước đó là hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường giá có tăng có giảm. Nhưng với ngành nghề vận tải, đặc biệt với riêng lĩnh vực taxi còn nhiều vấn đề phải tính đến mỗi khi có sự điều chỉnh.
“Không phải doanh nghiệp vin vào để giải thích nhưng mỗi lần xin thủ tục tăng giảm cước vận tải đều ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh”, ông Minh nói.
Theo tính toán của ông, trong hoạt động vận tải ngoài yếu tố xăng dầu chiếm khoảng 30% giá thành, còn nhiều chi phí khác doanh nghiệp phải bỏ ra mới hoạt động được như giá xe, vật tư phụ tùng, bến bãi…
"Tất cả đều 'leo thang' trong suốt thời gian qua đội chi phí của doanh nghiệp lên rất nhiều”, ông Minh chia sẻ. Đó còn chưa tính đến chuyện mỗi lần điều chỉnh giá cước, gần như toàn bộ xe phải ngừng chạy nửa ngày để kiểm tra, niêm yết lại hệ thống. Tính bình quân mỗi xe cho doanh thu một triệu đồng một ngày, thì xe ngừng hoạt động nửa ngày đã mất 500.000 đồng. Với một hãng taxi có cả nghìn đầu xe thì số tiền mất lớn hơn nhiều lần.
Trong khi đó một số doanh nghiệp vận tải cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn mỗi lần giá xăng dầu có biến động là ngành vận tải phải chịu trận. Giảm ít, chưa giảm hoặc không giảm giá cước là do phải tính phần bù chi phí hợp lý, thậm chí có doanh nghiệp chưa đủ để bù đắp. Hầu hết cố giữ giá cước để giữ chân khách hàng còn hơn tăng bù đắp chi phí thì mất khách, đồng nghĩa mất uy tín.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội cho biết doanh nghiệp rất "phấn khởi" khi giá xăng dầu đã giảm nhiều lần từ đầu năm, tuy nhiên nhiều đơn vị chưa tính đến chuyện điều chỉnh giá cước.
"Trong những lần giá xăng dầu tăng trước đây, doanh nghiệp không điều chỉnh nên giá cước vẫn còn thấp hơn giá trị thực. Do đó, ở những lần giảm giá này chưa đặt vấn đề điều chỉnh", vị này cho hay.
Ông lý giải với những tuyến xe liên tỉnh, doanh nghiệp thường không điều chỉnh giá lên xuống theo xăng dầu vì mất rất nhiều thời gian làm các thủ tục hành chính, như đăng ký giá với cơ quan quản lý, in lại vé, làm lại bảng giá niêm yết, bảng giá điện tử. "Doanh nghiệp vận tải liên tỉnh tuyến cố định không mặn mà với điều chỉnh giá cước theo xăng dầu để tránh rắc rối", ông Liên nhận xét.
Với các hãng xe du lịch, do tình hình suy thoái, lượng khách du lịch sụt giảm, thời gian qua các doanh nghiệp còn phải giảm giá cước, chưa nói đến việc tăng giá. Tuy nhiên, với vận tải hàng hóa, ông nhấn mạnh có thể giá cước sẽ phải tăng lên vì thời gian qua các doanh nghiệp bị siết trọng tải trên các tuyến quốc lộ.
"Văn bản của Bộ Tài chính mang ý nghĩa chủ trương, yêu cầu doanh nghiệp rà soát chi phí, song giá cả phải tuân theo thị trường và tình hình hoạt động của doanh nghiệp", đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh.
Về lâu dài, Hiệp hội có chủ trương điều chỉnh giá cước lên sát giá trị thực để tránh phát sinh các tiêu cực như xe chạy lòng vòng đón khách, chở thêm hành lý, thậm chí một số nhà xe còn không có lãi, đi đến chỗ phá sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao