Doanh nghiệp Việt đang... “phú quý giật lùi”?
Doanh nghiệp Việt đang... “phú quý giật lùi”?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hộ gia đình đang cần nhiều chính sách hỗ trợ và chính sách đi vào thực tiễn để ổn định tâm lý kinh doanh
Bình luận về các chỉ số đánh giá sức khỏe doanh nghiệp nhỏ vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ (hộ gia đình), TS Lê Đăng Doanh cho biết: “Trong số các chỉ tiêu, tôi lo ngại nhất là tốc độ chính thức hóa doanh nghiệp - (doanh nghiệp đăng ký kinh doanh chính thức chứ không hoạt động phi chính thức) năm 2009-2011 có 21%, đến 2011-2013 giảm xuống chỉ còn 10%. Chứng tỏ, có hiện tượng phú quý giật lùi. Lẽ ra, theo quy luật phát triển, hoạt động của doanh nghiệp phải chính thức hóa tăng lên, còn thực tế ở Việt Nam lại đang đi thụt lùi”.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tỷ lệ chính thức hóa giảm cho thấy người dân đang không có tâm lý kinh doanh tốt. Họ đối mặt với quá nhiều khó khăn về gia nhập thị trường, nguyên liệu, vay vốn và áp lực cạnh tranh thị trường.
Nói như TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì: “Tôi thấy các doanh nghiệp hiện nay không hồ hởi kinh doanh như những năm 2000 khi đi đâu người ta cũng nói chuyện khởi nghiệp, đi đâu cũng nói đến chuyện kinh doanh gì, làm gì, liên kết gì. Hiện nay thì đa phần doanh nhân là bàn đến các biện pháp đối phó rủi ro, vượt qua thách thức. Rất cần có những chính sách đi vào cuộc sống để yên lòng những người đứng mũi, chịu sào của kinh tế đất nước vì tôi biết rằng, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hiện có đến 4,7 triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Con số rất lớn để giải quyết việc làm và ổn định đời sống đấy”.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp quy mô hộ gia đình là doanh nghiệp dân tộc. Muốn đất nước phát triển, phải có đội ngũ doanh nghiệp dân doanh. Chẳng hạn, nói đến Nhật Bản là có Honda, Toyota, Mitsubishi và Canon, Hitachi, Nissan, Yamaha; còn nói tới Hàn Quốc có Samsung, LG, Hyundai, Lotte hay CJ.... Như thế, “khi nói đến Việt Nam, chúng ta có gì? Chẳng lẽ nói mình có Samsung, Honda...? Trong khi đó, ở Việt Nam, xuất khẩu liên tục tăng, doanh nghiệp FDI chiếm tới 68% giá trị xuất khẩu, còn doanh nghiệp nội địa chỉ có 32%. Đây là điều đáng lo ngại”- T.S Doanh nhận định.
TS Lê Đăng Doanh đặc biệt lưu ý, mốc năm 2015 là bắt đầu cộng đồng kinh tế ASEAN. Vậy đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, dân doanh của nước ta như thế nào? Bởi vì khi nhắc đến năng lực mỗi quốc gia, người ta đều chú ý đến họ có những doanh nghiệp nào, thương hiệu nào.
Đồng quan điểm với các chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Báo cáo điều tra cho thấy, năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp NVVV gia nhập thị trường chỉ 1%, trong khi có gần 18% doanh nghiệp thoát khỏi thị trường (trong đó có 16% DN nhỏ, 83% doanh nghiệp siêu nhỏ (hộ gia đình). Tỷ lệ đổi mới DN NVVV năm 2013 giảm mạnh so với 2011, đặc biệt, các doanh nghiệp siêu nhỏ nông thôn. Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam mãi không thể mạnh lên được, do đang gặp phải vấn đề từ nền tảng. Hiện hội nhập cận kề, rất cần một sự thay đổi lớn về nền tảng. Bản thân doanh nghiệp lại rất yếu, trong khó khăn này, không biết họ có đủ năng lực vượt qua để mà đón lấy cơ hội hội nhập được không, hay lợi ích từ hội nhập lại thuộc về doanh nghiệp ngoại.
Còn theo Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan: Những vấn đề kinh tế vĩ mô đang ngày một ảnh hưởng lớn, trực diện đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ rất khó khăn tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất cao, tham nhũng, chi phí không chính thức... là vấn đề của nội tại quốc gia, không thể đổ thừa cho tác động từ thế giới. Hơn nữa, lâu nay các nguồn lực hỗ trợ thì DNNVV khó tiếp cận, nó đã “chảy” hết vào các doanh nghiệp “ông lớn”.
Trả lời về những chuẩn bị hội nhập của doanh nghiệp và những lo ngại của hội nhập đối với phát triển, bà Lan nhấn mạnh: “tôi thấy lo hơn mừng. Bởi vì nước ta mới đang tập trung lo cho đàm phán hội nhập, chứ chưa có hành động thiết thực để chuẩn bị năng lực hội nhập cho doanh nghiệp. Trong khi, hội nhập thành công hay không là nhờ vào sự chuẩn bị như thế nào cho hội nhập.
Nếu như năm 2006, khi chúng ta vào WTO, phải đầu tư cho Khoa học công nghệ thì lại đổ vốn vào bất động sản, để đến nay phải hứng chịu khó khăn chất chồng. Hiện nay, còn đâu nữa ý thức hội nhập khi mà đối diện với khó khăn thường trực của họ lớn hơn bao giờ hết. “Lẽ ra doanh nghiệp trong nước tập trung nâng sức mạnh để đón lấy cơ hội từ hội nhập mà phát triển, trái lại, họ đang phải dồn sức đối phó với cơn bão hội nhập. Vì có thể nói, “hội nhập đang vào tận trong nhà của chúng ta rồi, chứ không chỉ ở cửa nữa”, bà Lan phân tích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc