Doanh nghiệp Việt gắn tên Long và giấc mơ.... hóa rồng
Lê Ðình Hùng, chủ doanh nghiệp vàng trang sức Cửu Long: Duy trì và nâng tầm những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc
Luôn bay bổng và có được sự thăng hoa trong công việc, dù vẫn phải đối diện với khó khăn, bề bộn
Từ hai bàn tay trắng, doanh nhân Lê Đình Hùng, 39 tuổi, xuất thân từ một phu đào đá sapphie ở Di Linh (Lâm Đồng), giải thích, anh đặt tên cho doanh nghiệp của mình là Cửu Long để tri ân mảnh đất nơi anh đã thành nhân và lập nghiệp từ những ngày đầu tiên.
Anh tin rằng cái tên ấy sẽ mang lại quyền lực và sự may mắn. Anh không giấu niềm tự hào rằng, có lẽ cái tên Cửu Long cũng "vận" vào con đường kinh doanh của mình: luôn bay bổng và có được sự thăng hoa trong công việc, dù vẫn phải đối diện với biết bao khó khăn, bề bộn.
Sau khi kết hôn cùng chị Cao Thị Mỹ Vàng, Hùng Cửu Long đã viên mãn đón bé trai Lê Hoàn Hảo chào đời. Nói chuyện vui trong năm Rồng sắp đến, anh hóm hỉnh bảo: "Chúng tôi đã lên kế hoạch sinh con gái vào năm Rồng và đặt tên con là Lê Thánh Thiện.
Con gái phải thánh thiện và con trai phải hoàn hảo. Tôi cũng rất muốn bé sinh vào tháng 9, cùng tháng sinh với ba và anh trai. Vì tiệm vàng tên Cửu Long, là 9 con rồng, nên bé sinh tháng 9 năm con Rồng, theo phong thủy nghĩa là tiếp thêm sức mạnh cho sự nghiệp của cha mẹ".
Có lẽ Cửu Long là một trong những doanh nghiệp vàng, nữ trang đưa ra nhiều sản phẩm nhất về đất nước con người Việt Nam. Anh đã làm trống đồng bằng vàng (2008); bức tranh Sức sống văn hóa Việt bán đấu giá được 18 tỷ đồng ủng hộ người nghèo; biểu tượng Văn miếu Quốc tử giám (2007); Di sản Rồng triều đại Lý nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội; bức tranh Thiên hạ thái bình cao 2m, dài 10m làm bằng chất liệu vàng, đá ruby, bạc, đồng… Hùng Cửu Long tâm sự, anh luôn ấp ủ tâm nguyện duy trì, phát triển và nâng tầm những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc.
Cổ Gia Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thiên Long: Vươn xa ra năm châu bốn biển
Những gì tôi làm luôn gắn liền với sứ mệnh của Thiên Long: công nghệ tiên phong và sáng tạo |
Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long chia sẻ: "Tới năm 1985, tôi quyết định đổi tên sản phẩm từ Thăng Long sang Thiên Long, với ý nghĩa Việt Nam là con rồng cháu tiên và mong muốn con đường kinh doanh của mình thuận buồm xuôi gió. Trước kia, tôi không có điều kiện học nhiều trong trường lớp, điều đó thực sự rất đáng tiếc.
Nhưng bước vào cuộc sống, tôi luôn nỗ lực học hỏi từ đối tác, đồng nghiệp, bất cứ khi nào và ở đâu. Ngoài ra, tôi phải dành rất nhiều thời gian đọc sách, tham gia một số khóa đào tạo quản lý ở Mỹ và Đài Loan. Nếu không có quá trình tự trau dồi kiến thức, tôi nghĩ mình chẳng thể có được ngày hôm nay".
Ôm giấc mộng đưa Thiên Long vượt khỏi thị trường Việt Nam, ông quyết định bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiếp thị các sản phẩm của Thiên Long đến trời Âu, mà ở đó chất lượng hàng hóa được người tiêu dùng "soi" rất kỹ. Nhưng nhờ vậy, Thiên Long đã có mặt ở Đức, rồi ở rất nhiều thị trường khác như: Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đức, Mexico, Thụy Sĩ…
Ông nói: "Tôi thực sự xúc động khi đi công tác ở đâu đó trên thế giới mà lại được sử dụng bút bi Thiên Long do chính người bản địa đưa cho mình. Lắng nghe phản hồi từ những thị trường ấy, Thiên Long sẽ có sự điều chỉnh hợp lý hơn về chất lượng sản phẩm để thích hợp với từng thị trường, gìn giữ được lòng tin của người tiêu dùng".
Với doanh nhân này, hạnh phúc đích thực trong cuộc sống của mỗi người chính là được lao động và chia sẻ thành quả có được với cộng đồng. "Những gì tôi làm luôn gắn liền với sứ mệnh của Thiên Long: tiên phong trong công nghệ và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đột phá phục vụ người tiêu dùng. Hy vọng năm con Rồng, một năm rất liên quan đến thương hiệu Thiên Long, chúng tôi sẽ vươn xa ra cả năm châu bốn biển".
Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long 1: Gìn giữ niềm đam mê cha truyền con nối
Mong ước gửi gắm văn hóa Việt trong những sản phẩm, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam |
Sau khi cha mất, ông Lý Ngọc Minh mượn được một quyển sách của ông hàng xóm và cứ thế lao vào đọc ngấu nghiến. Từ cuốn sách nhỏ về kỹ thuật của người Hoa ở Hồng Kông, trong đó có vài chương về gốm sứ ấy, cậu bé Lý Ngọc Minh mày mò mở phòng thí nghiệm. Keo, lọ, chai đựng axít, chiếc cối cà, ống hút…
Đam mê gốm sứ của ông Lý Ngọc Minh đã được truyền hết cho những đứa con của ông. Năm 1990, Lý Huy Sáng (nay là Phó Tổng giám đốc của Minh Long 1) vừa tốt nghiệp đại học, đã được người cha gửi đi du học ở Canada.
Những năm tháng ở xứ người, có những hôm tuyết rơi ngập đường, Sáng mới thấm thía với những vất vả của cha mình, khi nhớ lại ông Lý Ngọc Minh từng dặn: "Ba đã từng phải nghỉ học khi đang học lớp 4, sau khi ông nội mất, nên ba rất hiểu thế nào là sự thiệt thòi nếu thiếu học vấn. Chỉ với vốn tiếng Hoa ít ỏi từ năm lớp 4, ba đã tìm những loại sách về gốm của người Hoa được dịch lại từ những tài liệu của Anh, Pháp".
Dù là một kỹ sư tốt nghiệp ở nước ngoài, nhưng khi trở về Minh Long 1, Huy Sáng được sắp xếp làm việc như bất kỳ một nhân viên bình thường khác và cũng không nhận được lương như nhân viên thực tập. Anh được tiếp cận hết các khâu sản xuất để nắm bắt được công việc trước khi… lên làm việc ở văn phòng.
Chính nhờ thế, Sáng cùng với tất cả các thành viên trong gia đình không ngừng hiện đại hóa Minh Long 1. Đến nay hầu hết các xưởng của Minh Long I đều được "IT hóa", từ sản xuất, đúc khuôn, pha màu, vẽ hoa văn đều được xử lý trên máy vi tính. Việc quản lý nhân sự và quản lý sổ sách cũng sử dụng một phần mềm được thiết kế riêng cho Minh Long. Nhưng Lý Huy Sáng khẳng định: "Mặc dù việc IT hóa cho phép đến 90% sản phẩm đạt tiêu chuẩn như mong muốn, song vẫn có những món đồ đặc biệt phải làm bằng tay, được các nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ".
Năm con Rồng, điều Minh Long lo nhất vẫn là lạm phát. Lý Huy Sáng ví von: "Lúc khó khăn bão tố không ai căng buồm ra khơi".
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, lương công nhân tăng, việc tăng hay không tăng giá sản phẩm là bài toán không dễ đối với ông chủ trẻ của Minh Long 1. Minh Long đã chấp nhận không tăng giá, hoặc chỉ tăng rất ít.
"Mỗi ngày đều có sự phát triển và thay đổi. Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, phải luôn luôn phải biến đổi, cải tiến công nghệ. Nhất là sau khi 3 anh em chúng tôi đi học ở nước ngoài trở về thì chúng tôi không có lý do gì lại không kết hợp công nghệ tiên tiến với bí quyết gia truyền. Mong ước của Minh Long 1 chính là gửi gắm nét văn hóa Việt trong những sản phẩm, góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, thương hiệu Việt Nam, niềm tự hào Việt Nam ra thế giới", Lý Huy Sáng tâm sự.
Nguyễn Thị Ngọc Thúy, chủ doanh nghiệp bánh mứt Thành Long: Kết hợp truyền thống và hiện đại
Làm gì chúng tôi cũng phải nhớ rằng mình đang chèo lái con thuyền của ông bà tổ tiên truyền lại |
Có kinh nghiệm làm bánh kẹo hơn 60 năm từ truyền thống gia đình, Thành Long, cũng như bao doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, phải đối phó với những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, quy mô thị trường nhỏ và hệ thống phân phối chưa rộng, nguồn kinh phí quảng cáo hạn chế…
Không chấp nhận đầu hàng, với lòng yêu nghề, người chủ doanh nghiệp đã tự nghiên cứu, cải tiến những công thức, phương thức sản xuất truyền thống cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Quá trình cải tiến được thực hiện từ quy trình sản xuất: thay thế dần những chiếc khuôn bánh được gõ bằng tay sang dàn máy đóng bánh tự động, thay thế những gói mứt quấn tay sang những chiếc bánh, những viên kẹo được đóng gói bao bì bằng dây chuyền hiện đại, với thông tin sản phẩm đầy đủ rõ ràng...
Quá trình cải tiến cũng thể hiện ở việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Những chiếc bánh trung thu, các loại mứt của Thành Long được giảm độ ngọt, độ béo để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Thành Long cũng chính là đơn vị đầu tiên sáng tạo ra dòng bánh trung thu dành cho người tiểu đường, kiêng béo, kiêng ngọt.
Hiện tại, các sản phẩm của Thành Long đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Coopmart, Lotte, Citimart. Dù tình hình kinh tế chung chưa khả quan, Thành Long vẫn phát triển vững mạnh với tăng trưởng bình quân 20% đến 30% trong suốt những năm gần đây. Gần đây, Thành Long bắt đầu thử sức ở lĩnh vực nhà hàng chay với thương hiệu Mani.
Chị Thúy tươi cười nói: "Làm gì chúng tôi cũng phải nhớ rằng, đang lèo lái con tàu của ông bà tổ tiên truyền lại. Không được phép làm mai một nghề truyền thống chưa đủ mà còn cần hết sức phát triển thương hiệu của gia đình, vẫn giữ nếp xưa nhưng không để tụt hậu mà luôn thức thời".
Nam Dao/ Diễn đàn doanh nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo