Thị trường

Doanh nghiệp Việt Nam đã kiệt sức!

Bàn về những chỉ số kinh tế quí 1/2012, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp hiện đang bế tắc cả đầu vào lẫn đầu ra. Ông nói: “Phải nói là doanh nghiệp cũng dai sức đấy, nhưng đến giờ họ đã kiệt sức rồi”.

* Thưa ông, một vài chỉ số kinh tế quí 1 có dấu hiệu tích cực như chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, nhập siêu giảm nhưng dường như những kết quả đó lại ẩn chứa những lo ngại khác về sức mua đã suy yếu và sản xuất đang đình trệ?

 

- TS. Trần Đình Thiên: Nguyên nhân của tình trạng này là do sự tích tụ khó khăn từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới bắt đầu.

 

Lạm phát cao dẫn tới lãi suất cao kéo dài quá lâu gây nên bất ổn vĩ mô kéo dài. Điều này khiến cho cả doanh nghiệp và người dân đều khốn đốn. Bất ổn cao thì đầu tư khó, nhưng đầu cơ tăng lên. Tình trạng của mấy năm vừa rồi là như thế.

 

Hiện nay, lạm phát cao ảnh hưởng đến sức mua thị trường đã rất rõ. Sức mua giảm thì hàng tồn kho tăng cao.

 

Trong khi lãi suất cao đánh trúng “đầu vào” của doanh nghiệp, thì ách tắc ở khâu tiêu thụ đánh trúng “đầu ra”. Thị trường thế giới không sôi động, còn thị trường trong nước cực kỳ khó khăn.

 

Doanh nghiệp bị khó cả hai đầu. Họ phải chiến đấu với tình trạng này nhiều năm rồi. Phải nói là doanh nghiệp Việt Nam cũng dai sức đấy, nhưng đến nay đã kiệt sức nhiều.

 

Bằng chứng không phải ở số lượng các doanh nghiệp đóng cửa ngày càng tăng mà quan trọng hơn là mức độ giảm công suất. Hiện nay có lẽ đa số doanh nghiệp buộc phải giảm công suất. Điều đó giải thích tại sao quí 1 này mặc dù lạm phát giảm nhưng tình hình vẫn khó khăn là như vậy.

 

Năm 2012 có thể hình dung ra tình huống là lạm phát giảm nhưng nền kinh tế vẫn trì trệ, đình đốn. Việc suy giảm tốc độ tăng trưởng kéo dài sẽ trở thành tình thế rất nguy hiểm. Đây chính là điểm mà nỗ lực chính sách cần phải tập trung vào.

 

* Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quí 1 đã tăng rất nhiều, đó có phải là cái giá phải trả để đổi lấy mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát?

 

- Các doanh nghiệp đóng cửa chính là sự trả giá của nền kinh tế trong tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài quá lâu. Thực ra bất ổn kéo dài đến ngưỡng khiến lạm phát không giảm, kinh tế đình đốn, tiêu thụ khó khăn thì việc số các doanh nghiệp đóng cửa tăng lên là câu chuyện đã được dự báo trước. Về mặt lôgic, điều đó không có gì lạ nhưng thực tiễn cho thấy cái giá đó quá đắt.

 

* Thưa ông, có phải vấn đề lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thiếu vốn và không tiếp cận được nguồn vốn vay? Đó là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, sản xuất bị đình đốn?

 

- Đúng là việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp khó khăn, tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng là kém. Mặc dù lạm phát đã giảm, kéo theo kỳ vọng lãi suất giảm, tiếp cận vốn dễ dàng hơn, nhưng trên thực tế thanh khoản không được cải thiện bao nhiêu. Đây là bài toán khó.

 

Nhưng cần đặt bài toán sâu hơn, cụ thể hơn. Không phải là chuyện lãi suất cao khiến doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, mà quan trọng là doanh nghiệp hiện không đủ năng lực để hấp thụ vốn. Doanh nghiệp bị nợ xấu, vốn bị “ngâm” quá lâu, nên không thể vay thêm được nữa.

 

Như vậy một mặt ngân hàng có vốn họ cũng không dám cho vay. Mặt khác doanh nghiệp mà không tiêu thụ được sản phẩm thì bản thân họ thấy vay vốn chả để làm gì cả. Không phải mọi doanh nghiệp đều sẵn sàng vay vốn. Tình hình hiện nay căng như một vòng xoáy. Cái này không phải do lỗi doanh nghiệp, hay lỗi ngân hàng, mà là hệ quả của quá trình khó khăn kéo dài.

 

* Vậy giải pháp cho doanh nghiệp hiện nay là gì?

 

- Nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô giờ cần được hiểu là phải khôi phục lại điều kiện tăng trưởng cho doanh nghiệp. Cần tiếp tục kéo lạm phát xuống để lãi suất hạ, trên cơ sở đó doanh nghiệp tiếp cận được vốn với lãi suất thấp. Đó là một vế.

 

Vế thứ hai là làm sao cải thiện đầu ra. Doanh nghiệp mà co hẹp sản xuất là sinh ra thất nghiệp, thu nhập giảm, kéo theo hàng loạt hệ quả xã hội. Giải pháp có thể phải giảm thuế, miễn thuế, thay vì hoãn nộp thuế. Điều đó đồng nghĩa với việc khuyến nghị chính sách là chính phủ nên giảm thu. Giảm thu để kiên quyết giảm chi, tăng hiệu quả của chi.

 

Nếu cứ hô hào giảm chi nhưng thu không giảm thì gánh nặng cho doanh nghiệp vẫn còn, trong khi đó hiệu quả đầu tư công vẫn chưa được cải thiện.

 

Các đề xuất thu phí lúc này cũng phải được cân nhắc kỹ vì sẽ lại gây ra tâm lý sưu cao thuế nặng, khiến doanh nghiệp đã yếu càng yếu hơn.

 

Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo