Thị trường

Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Không có lối thoát

Hơn 50.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong năm 2011 là con số khổng lồ nhưng chưa phải con số chính xác phản ánh tình trạng khó khăn của kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Theo nhiều nhận định thì năm 2012, doanh nghiệp thành phố còn đối diện với nhiều thách thức.

"Tín nhiệm cao" mới được vay...

 

Tại hầu hết các doanh nghiệp, vốn kinh doanh tự có chỉ chiếm một phần, ba đến bốn phần còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn bên ngoài - chủ yếu là từ hệ thống các ngân hàng. Do vậy, khi chính sách tiền tệ thắt chặt, doanh nghiệp hầu như không có lối "thoát hiểm" về vốn, dẫn tới sản xuất đình trệ, thua lỗ...

 

Con số hơn 50.000 doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2011 là con số quá lớn, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế thì con số thực lớn hơn như thế rất nhiều.

 

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Theo thống kê của thành phố, trong hai tháng đầu năm nay, có gần 3.000 doanh nghiệp xin tạm dừng đóng thuế, 50% doanh nghiệp kê khai đang trong tình trạng chịu lỗ còn các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng thì rất nhiều. Trong đợt đi thực tế tại quận 8 vừa qua,  chúng tôi được thông báo 50% doanh nghiệp ở đây đã tạm dừng hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ".

 

Bà Nguyễn Bích Nam, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nói rằng hàng ngày có rất nhiều doanh nghiệp đến trung tâm để tìm kiếm sự trợ giúp trong thời điểm khó khăn về nguồn vốn như hiện nay.

 

"Có một nghịch lý hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn nhưng lại không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Các ngân hàng chỉ cho các doanh nghiệp có chỉ số tín nhiệm cao vay, mà điều này thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không có được. Vì thế tình trạng bí vốn hầu như không được giải quyết. Doanh nghiệp nhỏ chỉ..."nằm mơ" thấy vốn mà thôi" - bà Nam phân tích

 

Linh hoạt để tự cứu lấy mình

 

Theo ông Hưng, trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính ngày càng đè nặng lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhiều doanh nghiệp trong số đó đã bỏ cuộc hoặc hoạt động trong tình trạng "thoi thóp".

 

"TP. Hồ Chí Minh có quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên chỉ với 200 tỷ đồng thì không thể nào hỗ trợ được nhiều. Nói đúng hơn dù quỹ có cố gắng hết sức thì cũng chỉ như "muối bỏ bể" vì nhu cầu của các doanh nghiệp quá lớn trong khi điều kiện tài chính của quỹ có hạn" - bà Bích Nam lý giải

 

Nằm trong chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh - tái cấu trúc mô hình kinh tế, đã có nhiều vụ mua bán, sát nhập giữa các công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước. Theo các chuyên gia kinh tế thì việc này rất khó diễn ra đối với khối các doanh nghiệp tư nhân.

 

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên xem xét đến phương án này. "Các doanh nghiệp không thể ngồi đợi thay đổi chính sách tín dụng của ngân hàng nhà nước mà cần tự thân vận động để cứu lấy mình. Doanh nghiệp có thể tự tái cấu trúc lại công ty để xác định lại đâu là thế mạnh của mình, thế mạnh ấy có phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường hay không. Ngoài ra phương án xác nhập các doanh nghiệp có cùng lĩnh vực hoạt động với nhau cũng là một lựa chọn. Đây là cách để doanh nghiệp có thể thu hẹp lại quy mô hoạt động nhưng có hiệu quả hơn, hạ thấp mức vốn đi vay cũng như đổi mới bộ máy quản và cách quản lý cho phù hợp với tình hình hiện tại".

 

Ngoài ra theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự chủ động để tìm kiếm cơ hội giúp doanh nghiệp mình thoát khỏi khó khăn.

 

Ông Hưng phân tích: "Bình thường các doanh nghiệp trong nước muốn hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để qua các nước đi tìm hiểu. Nhưng có dịp doanh nghiệp nước ngoài xúc tiến tìm hiểu tại Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước lại tỏ ra thờ ơ, không mạnh dạn tiếp xúc, trao đổi, hoặc thông qua các kênh xúc tiến đầu tư để tìm hiểu thêm. Rất nhiều doanh nghiệp dễ dàng buông xuôi, chấp nhận đóng cửa doanh nghiệp hơn là cố gắng tìm cho mình cơ hội phát triển khác".

 

Theo VEF

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo