Bà Rịa - Vũng Tàu khởi động một loạt dự án hạ tầng kết nối liên vùng
DNVN - Sau nhiều năm loay hoay trong bài toán hạ tầng, loạt dự án kết nối giao thông giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có bước chuẩn bị để khởi động.
Thanh Hóa: Đầu tư 5.642 tỷ đồng làm đường bộ ven biển / Các dự án "tỷ đô" kéo vốn FDI tăng 1,1%
Khởi động các tuyến cao tốc
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã ký văn bản số 15849/UBND-VP về việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP gửi Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021. UBND tỉnh cam kết chỉ đạo UBND thị xã Phú Mỹ, UBND TP Bà Rịa và các cơ quan liên quan tích cực thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn tỉnh để sớm đưa dự án vào khai thác.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan tổ chức lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021.
Cụ thể, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) sẽ đi qua 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai với tổng chiều dài 53,7km, có hướng tuyến chạy song song với quốc lộ 51; trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5km, đoạn qua Đồng Nai 34,2km. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa, điểm cuối giao với tuyến tránh TP. Bà Rịa (quốc lộ 56, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dự án đã được Quốc hội và Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giao Ban Quản lý Dự án 85 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hiện nay, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đang được Ban Quản lý Dự án 85 tổ chức lập theo quy định.
Sơ đồ dự kiến tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cũng đã ký ban hành Văn bản số 15839/UBND-VP về việc triển khai Dự án đầu tư đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh (thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức) có tổng chiều dài khoảng 18,3km.
UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải chủ động, nhanh chóng thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần của đường vành đai 4 đoạn quan địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bảo đảm khi sắp xếp được nguồn vốn thì tiến hành thủ tục triển khai ngay. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu sắp xếp nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án.
Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thôn Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, định hướng quy hoạch đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh là cập nhật và tổ chức đầu tư các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ do Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Tỉnh đề xuất Trung ương điều chỉnh tiến độ thực hiện đầu tư các tuyến đường kết nối vùng sớm hơn, đồng thời các địa phương chủ động tổ chức thực hiện đoạn tuyến qua địa bàn bằng việc kết hợp các nguồn lực của Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội để đầu tư nhằm kết nối các khu vực kinh tế của vùng.
Đẩy mạnh kết nối liên vùng
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hệ thống cảng Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò của cảng trung chuyển quốc tế. Trong đó, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 20 cảng lớn của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn với trọng tải đến 214.000 tấn.
“Có thể khẳng định cảng Cái Mép -Thị Vải là “báu vật” thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam, nhưng cảng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò của nó. Tỉ trọng giao nhận trực tiếp trong những năm qua vẫn duy trì 10-15%, còn lại 85-90% chuyển về các nơi khác để thông quan, giao nhận” - ông Nguyễn Văn Thọ cho biết.
Nguyên nhân khiến cụm cảng này phát triển chưa tương xướng với tiềm năng, một phần đến từ sự yếu kém về hạ tầng giao thông kết nối cảng vừa thiếu lại vừa yếu, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên Quốc lộ 51.
Kẹt xe trên Quốc lộ 51 do quá tải, ảnh hưởng đến giải phóng hàng hóa cho cảng Cái Mép - Thị Vải
Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII - đã xác định sẽ tiếp tục tập trung phát triển 4 trụ cột kinh tế là: Công nghiệp, hệ thống cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Và vấn đề “then chốt” là tỉnh này phải phát huy được lợi thế về hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hoá.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang dần hoàn thiện, đặc biệt là cầu Phước An kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải - Đồng Nai - Bến Lức - Long Thành đang dần hình thành. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã kiến nghị Chính phủ về việc triển khai đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu để khơi thông nguồn hàng từ Trảng Bom, Đồng Nai vào Cái Mép - Thị Vải…
Vũ Bảo
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo