Bước ngoặt chiến lược trong thu hút FDI
VinaCapital lập quỹ đầu tư mạo hiểm 100 triệu USD / Từ bỏ ưu đãi qua thuế để thu hút FDI chất lượng
Tăng vọt về vốn FDI đăng ký và giải ngân
Tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố con số 334 tỷ USD vốn FDI đăng ký lũy kế kể từ trước tới nay, tiếp tục khẳng định Việt Nam là một điểm sáng trong thu hút FDI trên toàn cầu. Đóng góp vào phân nửa con số ấy thực ra lại là khoản vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút được trong 5 năm gần đây, sau khi tổng kết 25 năm thu hút FDI vào năm 2013.
5 năm qua, Samsung đã không ngừng đầu tư các tổ hợp công nghệ cao ở Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy Samsung Display ở Bắc Ninh. Ảnh: Chí Cường |
Con số cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kể từ năm 2013 đến tháng 9/2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 150 tỷ USD vốn FDI, chiếm gần 45% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được được 30 năm qua.
Đánh giá về con số này, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, đó là một kết quả tích cực, cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như trong thực hiện chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI trong giai đoạn mới, được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 103/2013/NQ-CP của Chính phủ.
Mà không chỉ là vốn đăng ký, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, vốn FDI giải ngân trong 5 năm qua đã tăng trưởng nhanh chóng. Chỉ trong 5 năm, tổng vốn FDI giải ngân được đạt 85 tỷ USD, chiếm gần 46% tổng vốn FDI giải ngân được trong 30 năm qua.
Bước ngoặt chiến lược: tăng chất ấn tượng
Tổng kết 25 năm thu hút FDI, định hướng chiến lược mới trong thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI đã được đưa ra. Theo đó, tạo bước chuyển biến mạnh về thu hút FDI, từ thu hút FDI theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.
Đặc biệt, quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ. Đồng thời, hạn chế thu hút các dự án đầu tư làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến; không cấp phép đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường....
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể một số mục tiêu đặt ra chưa được như kỳ vọng, nhất là trong thu hút đầu tư vào công nghệ cao, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, từ đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới nền kinh tế. Song rõ ràng, đã có những bước ngoặt mang tính chiến lược, khi mà chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam đã được cải thiện.
Minh chứng dễ thấy nhất là các dự án tỷ USD vào những lĩnh vực công nghệ cao mà các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam trong 5 năm qua. Năm 2013, ngay trước thềm lễ kỷ niệm 25 năm thu hút FDI, Samsung đã chính thức khởi công Dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, tại Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên), để rồi sau đó tiếp tục gây ấn tượng khi tăng vốn đầu tư lên 5 tỷ USD vào năm 2015.
Không chỉ có SEVT, 5 năm qua, Samsung đã không ngừng đầu tư các tổ hợp công nghệ cao ở Việt Nam. Ngoài dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam, vốn đầu tư 1,23 tỷ USD ở Thái Nguyên, Samsung cũng đồng thời tăng vốn đầu tư Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) lên 2,5 tỷ USD; đầu tư thêm Dự án SEHC 2 tỷ USD ở TP.HCM và Dự án Samsung Display 6,5 tỷ USD ở Bắc Ninh, góp phần đưa tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 17,3 tỷ USD.
“Theo chân” Samsung, người đồng hương LG cũng đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, với Dự án LG Electronics 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng, sau đó là LG Innotek, LG Display. Tổng vốn đăng ký đầu tư của LG vào Việt Nam trong 5 năm qua lên hơn 4 tỷ USD.
Cũng trong giai đoạn này, hàng loạt dự án quy mô lớn cũng đã được cấp chứng nhận đầu tư và triển khai, góp phần quan trọng tăng năng lực cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Chẳng hạn, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng vốn thêm 2,8 tỷ USD; Dự án Thành phố thông minh 4,18 tỷ USD của Sumitomo và BRG; Dự án Thành phố thông minh gần 900 triệu USD ở TP.HCM của Lotte; hay các dự án điện BOT quy mô hàng tỷ USD…
Dự án quy mô lớn, công nghệ cao của các tập đoàn lớn đã thu hút được và nhờ vậy, kinh tế - xã hội Việt Nam đã có sự chuyển biến đáng kể trong thời gian qua. Chỉ 5 năm trước đây, không ai ngờ Việt Nam có thể trở thành cứ điểm sản xuất các thiết bị di động. 5 năm trước, cũng không chuyên gia kinh tế nào dự báo được, các dự án FDI đã góp phần rất lớn khiến Việt Nam có thể đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 400 tỷ USD trong năm ngoái và từ một nước nhập siêu lớn, Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu từ năm 2012. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, con số xuất siêu đã ở mức 5,39 tỷ USD…
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một số định hướng chiến lược thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng và tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhìn về phía trước, thì ViệtNam phải có chính sách để làm sao khắc phục được những tồn tại, hạn chế này. “Hơn nữa, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nội dung trên sẽ được Báo Đầu tư đề cập trong bài viết tiếp theo, trong chuyên đề đặc biệt về tổng kết 30 năm thu hút FDI.
Năm 2013, năm đầu tiên sau khi Việt Nam chính thức tổng kết 25 năm thu hút FDI, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt trên 21,628 tỷ USD.
Năm sau đó, con số là 21,92 tỷ USD, năm 2015 là 22,75 tỷ USD, năm 2016 là 24,4 tỷ USD và năm ngoái, là con số kỷ lục 35,88 tỷ USD.
9 tháng đầu năm nay, đã có 25,37 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần.
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo