Đầu tư

Đầu tư xây dựng các khu tái định cư không hiệu quả

Mới đây, chủ trương tỉnh Yên Bái thực hiện xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho khoảng 430 hộ bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân vùng lũ. Tuy nhiên, có khu TĐC xây xong trở thành bãi đất hoang, có khu chỉ có 1 hộ dân đến ở.

Tâm điểm thu hút đầu tư của TP. Cần Thơ / VinFast hợp tác với Siemens sản xuất xe buýt điện

Đầu tư xây dựng các khu tái định cư không hiệu quả
Khu TĐC Mường Thượng, xã Tô Mậu hiện tại vẫn là bãi đất hoang. Ảnh: Bùi Bình

Đầu tư cả chục tỷ đồng chỉ duy nhất 1 hộ đến ở

Tại khu TĐC Nà Nhàn 2 được bố trí cho 151 hộ dân xã Mường Lai, huyện Lục Yên, mặc dù đã được đầu tư đường bê tông nội bộ, nước sinh hoạt, điện lưới… nhưng tới nay chỉ có 84 hộ dân ra ở, trong đó có 11 hộ đi làm ăn xa cả năm không về, nhà bỏ hoang, cỏ dại mọc lấn nền nhà.

Trưởng thôn Nà Nhàn 2, Hoàng Văn Tòa cho biết, khoảng cách từ khu TĐC đến trường mần non là 3km, đến ruộng nương xa nhất 7km, trong khi đó bà con ở đây chủ yếu làm nông, nhà nghèo mà hàng ngày phải cõng thêm tiền xăng xe để đi làm đồng cũng như đưa đón con cháu đi học. Chưa kể, việc vận chuyển phân bón, giống và thu hoạch lúa, phải thuê xe công nông, chi phí tăng cao, thu nhập giảm, đời sống các hộ dân càng khó khăn hơn nên các hộ không muốn ra ở khu TĐC do Nhà nước xây dựng.

Đáng nói hơn, tại dự án khu TĐC Gò Chè, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên được hoàn thành năm 2013 với kinh phí gần 8 tỷ đồng, bố trí TĐC cho 41 hộ nhưng chỉ duy nhất 1 hộ dọn đến ở, lý do mà người dân đưa ra là do nơi đây có vị trí rất cao, khó về nguồn nước sinh hoạt và tách biệt với khu dân cư.

Xây dựng cho 41 hộ chỉ duy nhất 1 hộ đến ở tại khu TĐC Gò Chè, xã Minh Xuân. Ảnh: Bùi Bình

Ông Nông Thanh Khôn, Bí thư Ðảng ủy xã Minh Xuân cho biết, dự án di dân khẩn cấp, tỉnh làm xong giao cho xã, theo phân bổ mỗi hộ chỉ được cấp 200m2 đất, mà tập quán lâu đời của người Tày là ở nhà sàn, trước sân có ao, có chuồng nuôi nhốt gia súc… nay đưa về khu TÐC thì căn nhà sàn đã chiếm hết diện tích được cấp. Chuồng trâu, chuồng lợn dưới gầm nhà sàn, gây mất vệ sinh môi trường, bức bí vô cùng cho nên các gia đình không muốn về ở khu TĐC.

 

Trước thực trạng này, lãnh đạo huyện đã xuống tìm hiểu, bàn giải pháp khắc phục đưa dân vào ở, nhưng đã mấy năm qua, khu TÐC vẫn vắng bóng người.

Dự án vừa làm xong đã thành bãi đất hoang

Bất cập trong việc quy hoạch xây dựng khu TĐC càng được lộ rõ đối với dự án TÐC Mường Thượng tại thôn 6, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, với đầu tư gần 7,5 tỷ đồng, bố trí TĐC cho 34 hộ dân sinh sống dọc sông Chảy nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập lụt, nhất là khi các nhà máy thủy điện thượng nguồn bất ngờ xả lũ.

Ông Nguyễn Xuân Bùi, Chủ tịch UBND xã Tô Mậu cho biết, năm 2017 ngay sau khi dự án hoàn thành, các hộ dân trong diện di dời đến tham quan, đã chỉ ra nhiều bất cập, địa điểm nằm trên cao, đường lên dốc, phía ta-luy không có rãnh thoát nước, dễ sạt lở; không bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng; đặc biệt chỉ có 1 con đường duy nhất nên xe ô tô chở vật liệu vào không có chỗ quay đầu, chưa có hộ dân nào đăng ký vào ở, đến nay vẫn là bãi đất hoang.

Một nhà dân xây dựng gần xong thì bỏ do không phù hợp với tập quán sinh hoạt của người Tày. Ảnh: Bùi Bình

Chọn vị trí xây dựng khu TĐC phải phù hợp nguyện vọng của dân

 

Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong cơn bão số 3. Theo thống kê, toàn tỉnh có 586 nhà bị thiệt hại do mưa lũ, trong đó phải bố trí TĐC ngay cho 150 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 280 nhà nằm trong vùng có nguy cơ rất cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và 156 nhà bị thiệt hại nặng. Như vậy, trên cơ sở số nhà bị sập, trôi hoàn toàn và số nhà trong vùng có nguy cơ rất cao sạt lở, lũ ống, lũ quét cần phải bố trí TĐC về đất trên địa bàn tỉnh cho 430 nhà.

Theo phương án thì tại huyện Văn Yên xây dựng 2 khu TĐC với diện tích 3,5ha; Yên Bình 2 khu với diện tích 2,1ha; Văn Chấn 5 khu với diện tích 6,15ha. Chuyển mục đích sử dụng đất để bố trí TĐC xen ghép cho 80 hộ ở các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Căng Chải, Trạm Tấu và Lục Yên.

Ông Hồ Đức Hợp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, việc bố trí TĐC chủ yếu theo hình thức xen ghép, hình thức này rất phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân. Nếu chưa bố trí được TĐC xen ghép thì thực hiện TĐC tập trung, mỗi một khu vực, một thôn bản tìm ra quỹ đất để bố trí các hộ gia đình tập trung. Đặc biệt các khu TĐC này phải đảm bảo các tiêu chí an toàn, gần đường giao thông, gần nguồn nước và có điện lưới.

Việc đầu tư xây dựng các khu, điểm TĐC ở Yên Bái lúc này là rất cần thiết, vừa đảm bảo được tính mạng và tài sản của nhân dân và nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, giúp các hộ dân TĐC ổn định cuộc sống và giải quyết được nỗi lo thường trực mỗi khi mùa mưa bão đến. Tuy nhiên, việc quy hoạch, chọn điểm đầu tư phải phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ cơ sở hạ tầng tại điểm TĐC, quan trọng nhất phải đảm bảo sinh kế lâu dài cho các hộ dân TĐC. Tránh để xảy ra tình trạng đầu tư không hiệu quả gây lãng phí tiền của Nhà nước như tại 3 khu TĐC ở huyện Lục Yên.


Theo báo Thanh tra
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm