Hà Tĩnh: Trắng đêm thi công trên các công trình trọng điểm
Chất lượng uy tín của ngành hàng thực phẩm nhập khẩu Nga / Incellderm và điểm dừng chân mới tại thị trường Việt: Hành trình kiến tạo làn da Mulgwang căng bóng “tựa” phủ sương
Con đường làng chạy ven sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nay là đường công vụ vận chuyển vật liệu thi công bờ kè chống xói mòn, sạt lở.
Dự án Kè bảo vệ bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hòa Lạc do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với kinh phí gần 86 tỉ đồng. Dự án này phải hoàn thành trong vòng 135 ngày, do đó từ ngày khởi công (16/8/2023) các nhà thầu đã tập trung nhân lực, máy móc bắt tay vào làm ngày làm đêm.
20g đêm, công trường thi công của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hoàng Ngọc ngập trong ánh đèn. Đại diện nhà thầu, kỹ sư Trần Hữu Nhật cho biết: “Thời gian thi công bờ kè Ngàn Sâu rất ngắn, cộng thêm áp lực mưa lũ về khiến nhà thầu khẩn trương thi công, kể cả ban đêm”.
Thực hiện dự án này, chủ đầu và các đơn vị thi công thống nhất hoàn thành hạng mục thả rọ, rồng đá và đổ chân dầm kè trước mùa mưa lũ về. Do đó công nhân ở đây luôn bám sát thủy triều lên xuống để làm việc.
“Lúc nước sông xuống, công nhân tập trung thả rọ đá, đổ chân dầm, khi nước dâng thì đúc cấu kiện, tấm lát… Có hôm công nhân dậy 2 giờ sáng làm việc đến 5 giờ thì nước sông lên phải dừng lại, chờ sáng để tiếp tục làm ca ngày”, kỹ sư Nhật nói.
Ngược nguồn theo sông Ngàn Sâu, có một đội công nhân cũng đang bận bịu công việc. Trong đó có nhóm công nhân tranh thủ nước sông rút ghép cấu kiện dưới chân kè, nhóm khác đổ bê tông khóa mái dầm đỉnh kè. Anh Từ Như Đạt, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Xây dựng Thành Mạnh cho hay khối lượng công việc của đơn vị đã đạt hơn 55%. Đoạn kè nằm ở khúc sông sâu hay sạt lở khó thi công. Đợt mưa lũ này, nước cuồn cuộn chảy siết cũng cản trở công việc. Nhưng chủ trương công ty, nước lũ rút đến đâu thi công đến đó, mưa ngớt công nhân phải có ở công trường...
Theo anh Đạt, để đẩy nhanh tiến độ của dự án, các công nhân tại đây cũng làm việc xuyên đêm. Ngoài máy móc phương tiện sẵn có, công ty còn phải thuê máy móc phương tiện bên ngoài. Gói thầu này gần hoàn thành phần mái. Đợt mưa lũ vừa qua, người dân không còn nỗi ám ảnh về tình trạng sạt lở. Theo kế hoạch, đến ngày 31-12 - 2023, dự án phải hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhưng dự kiến gói thầu này sẽ hoàn thành trước thời hạn quy định.
Khi mặt trời lấp ló trên rặng tre cũng là lúc ca đêm ở dự án kè sông Ngàn Sâu kết thúc. Nhóm công nhân làm ca ngày lại tất bật trở lại để công trình sớm hoàn thành, người dân vơi đi nỗi lo mùa nước lũ về nhấn chìm, làm sạt lở ruộng đồng bên bờ sông...
Công trường kênh Cầu Động thuộc dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang giai đoạn 2 đã thành hình với hệ thống cột trụ bê tông nổi. Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với số vốn 492 tỉ đồng. Dự án này khởi công đầu năm 2021, dự kiến đến cuối năm 2024 hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Anh Nguyễn Văn Dũng, cán bộ kỹ thuật của nhà thầu An Thuận, chia sẻ gói thầu do công ty thực hiện từ tháng 3/2023, đến nay tiến độ đạt hơn 40% khối lượng. Mùa mưa lũ đến, việc thi công dự án này gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu của công ty hoàn thành gói thầu trước tiến độ, do đó nước rút đến đâu thi công đến đó, mưa ngớt là công nhân phải ra công trường. Làm ngày chưa đủ khối lượng, kéo điện chiếu sáng tăng ca đêm.
Để đảm bảo đúng tiến độ, Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Hải Phòng luôn thi công ba ca. Chỉ huy công trường, anh Vũ Văn Dũng chia sẻ khi triển dự án đơn vị gặp nhiều khó khăn vì phải vận chuyển máy móc, phương tiện từ Hải Phòng vào. Công nhân chủ yếu là người ngoài Bắc vào đây dựng lán trại, bám trụ với công trường.
“Làm công trình lớn, công nhân ở đây đành chấp nhận ăn ngủ thất thường để đảm bảo tiến độ. Hiện nay gói thầu đã đạt 30%, những việc khó như làm nền, đóng cọc thử tải của tuyến kênh cơ bản hoàn thành. Toàn bộ công nhân ở công trường luôn quyết tâm cao để sớm hoàn thành dự án được giao”, anh Dũng nói.
Ông Phan Nguyên Tùng – Giám đốc quản lý Dự án kênh Cầu Động cho biết, kênh Cầu Động là dự án nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ trực tiếp tưới tiêu cho 2.027 héc ta đất nông nghiệp. Để khối lượng vượt quá kế hoạch để ra, ban dự án đã phát động phong trào thi đua giữa các nhà thầu. Do đó đơn vị nào cũng huy động máy móc, nhân lực để tăng ca sớm hoàn thành trước thời gian quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo