Đầu tư

Nhiều dự án năng lượng đầu tư vào Quảng Bình với số vốn “khủng”

DNVN - Trong số 29 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được ký kết tại “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023” ngày 25/6, có nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng với số vốn đầu tư “khủng”.

Trải nghiệm cảm giác lạc vào ‘sa mạc thu nhỏ’ với cồn cát xinh đẹp ở Quảng Bình / Độc đáo món cháo bánh canh nửa quen nửa lạ, chinh phục thực khách đến Quảng Bình

29 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 112.200 tỷ đồng đã được trao tại “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023”.

Đây là những dự án tập trung trong các lĩnh vực Quảng Bình ưu tiên thu hút đầu tư như hạ tầng, thể thao du lịch, công nghiệp - khoáng sản và bất động sản… với kỳ vọng tạo ra “cú huých” để biến các tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu, ý tưởng của Quảng Bình sớm thành hiện thực trong thời gian tới.

Đó là đưa Quảng Bình trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây (hướng ra biển).

Đáng chú ý, trong số 29 MOU được ký kết lần này có nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng với số vốn đầu tư “khủng”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự hội nghị. Ảnh: Hà Anh.

Điển hình như Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với công suất 1.500 MW sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), hệ thống cảng và kho lưu trữ khí LNG với tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng; Dự án khai thác điện mặt trời trên mặt kênh hồ thủy lợi và khai thác tiềm năng thủy điện từ hồ thủy lợi của Tổng công ty cơ điện xây dựng với số vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng hay Dự án nhà máy điện mặt trời Doh-wa Lệ Thủy (giai đoạn 2) với vốn dự kiến 650 tỷ đồng.

Cùng với đó là các dự án đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng và khu du lịch nghỉ dưỡng của nhà đầu tư trong và ngoài nước: Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới (1.968 tỷ đồng); Dự án Tuyến đường du lịch kết nối thành phố Đồng Hới – Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bảng với tổng chiều dài khoảng 24 km (2.900 tỷ đồng); Dự án Khu Du lịch Khang Long tại huyện Lệ Thủy (1.000 tỷ đồng); Khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Hải Ninh của nhà đầu tư Toàn Lộc (850 tỷ đồng) hay Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng May Golden (700 tỷ đồng)….

Theo ông Vũ Đại Thắng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, hội nghị công bố quy hoạch đã cung cấp những thông tin về định hướng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án đầu tư của Quảng Bình… từ đó giúp Quảng Bình định vị gần gũi hơn với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những dự án được trao MOU hôm nay sẽ đặt nền móng, mở ra hành trình phát triển mới cho tỉnh Quảng Bình trong tương lai.

Các gợi ý, khuyến nghị từ các chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã mở ra những phương hướng mới cho hoạt động thu hút đầu tư của Quảng Bình trong tương lai, không chỉ là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà cả dòng vốn tư nhân trong nước, hợp tác công tư (PPP)… nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng, phù hợp với yêu cầu cũng như nhu cầu của nhà đầu tư cũng như định hướng phát triển của Quảng Bình.

Gian trưng bày, giới thiệu du lịch Quảng Bình trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: Hà Anh.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Đinh Trọng Thắng - Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Quảng Bình là địa phương thứ 9 trong số 10 địa phương trong cả nước đã được phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này của tỉnh Quảng Bình đã thể hiện quan điểm mới, tầm nhìn mới, phương án phát triển mới, từ đó, tạo ra cơ hội và giá trị mới cho tỉnh cũng như cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong các đột phá của tỉnh Quảng Bình có nêu rất rõ đột phá về du lịch. Dựa trên tiềm năng riêng có và rất độc đáo của du lịch sẽ tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế đến Quảng Bình.

Thời gian gần đây, Quảng Bình đã đạt được rất nhiều tiến bộ về môi trường đầu tư, thể hiện cam kết và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của hệ thống chính trị và người dân Quảng Bình.

“Sự khác biệt trong quy hoạch của Quảng Bình dựa trên chính những điểm nổi bật và tiềm năng lớn, trong đó định hình rõ 2 vùng tăng trưởng lớn là Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo. Cùng với đó là 4 động lực tăng trưởng (du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và thương mại dịch vụ), Quảng Bình rất có tiềm năng tạo ra đột phá mới - một làn sóng đầu tư mới”, Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch khẳng định.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm