Đầu tư

Quản lý khu công nghiệp: Cần thông tư hướng dẫn gỡ rối cho nhà đầu tư

DNVN - Với nhiều điểm mới, Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được Chính phủ ban hành tháng 5 vừa qua được đánh giá là hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp và đầu tư. Tuy vậy, vẫn còn những điểm nghẽn gây khó cho các nhà đầu tư.

Phát triển Tuy Hòa thành đô thị hạt nhân, trung tâm động lực của Phú Yên / Thanh Hóa: Sắp có khu đô thị 2.400 tỷ đồng ở Hoằng Hóa

Động lực cho doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu
Ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế (Nghị định 35) nhằm khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82 về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2018 mắc phải.
Tại diễn đàn "Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 26/8 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Việc Chính phủ ban hành Nghị định 35 là việc làm thiết thực, kịp thời, phù hợp tình hình khách quan nhằm mục đích hoàn thiện và tạo đà cho tiến trình xây dựng một hành lang pháp lý góp phần hình thành những KCN chuyên biệt, hiện đại, xanh, sạch và đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Theo đó, nghị định quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh KCN, KKT nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch KCN, KKT trong quy hoạch vùng, tỉnh.
Bản thân các doanh nghiệp hiểu rõ các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện quy hoạch KCN, KKT và dễ dàng tiếp cận hệ thống quy hoạch KCN, KKT của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 35 là việc làm thiết thực, kịp thời, phù hợp tình hình khách quan.
"Nghị định 35 đã có giải pháp cho nhiều vấn đề mấu chốt, mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng và có một số chủ trương tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và đầu tư. Nghị định này đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp và cơ sở, tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ”", Phó Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Một điểm mới đột phá của nghị định này là công nhân, người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại KCN.
Ngoài ra, Nghị định 35 không chỉ là những quy định về mặt quản lý mà nó còn tạo ra những cơ hội cho một ngành kinh tế mới là ngành kinh tế xanh. Đồng thời là cơ hội cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, nắm bắt cơ hội để hoà nhập vào xu thế phát triển chung.
Đánh giá cao việc Chính phủ ban hành nghị định này, Luật sư Trần Đại Nghĩa - CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam chia sẻ: Các quy định sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp phát triển có chiều sâu, thu hút được những nguồn vốn có chất lượng, cũng như tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Những điểm nghẽn
Theo ông Hoàng Quang Phòng, dù Nghị định 35 được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà nhưng việc thực hiện, triển khai nghị định này vẫn có nhiều điểm cần được giải đáp, tháo gỡ.
Một số điểm chưa thực sự phù hợp thực tế khách quan, dễ dẫn tới tình trạng thực hiện tùy tiện, gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án.
Nói rõ hơn về những bất cập của nghị định này, trên góc độ nhà đầu tư, ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Western Pacific cho biết: Nghị định 35 có quy định về vấn đề phân kỳ đầu tư. Đây là một trong những vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Khoản 4 Điều 8 Nghị định 35 quy định rõ không chỉ chủ đầu tư phân kỳ trong dự án của mình, mà phân kỳ đầu tư phải phân kỳ cả quá trình từ chủ trương đầu tư cho đến chấp thuận đầu tư và phân kỳ đầu tư thật trên thực địa.

Ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Western Pacific kiến nghị ban hành thông tư hướng dẫn để gỡ rối cho nhà đầu tư.
"Làm một KCN 250 ha, khi đi xin chủ trương đầu tư chúng ta sẽ phải tách đôi, làm 2 lần chủ trương đầu tư, 2 lần lựa chọn nhà đầu tư, 2 lần giải phóng mặt bằng… Việc này không khéo sẽ làm cho tính tích cực trở thành tiêu cực. Bởi nếu phân kỳ như vậy, tính khớp nối sẽ rất khó với ngay cả 1 chủ đầu tư. Nghị định còn quy định rõ, nếu phân kỳ lần 1, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 60% thì phân kỳ lần 2 sẽ là chủ đầu tư khác", ông Trần Anh Vương chia sẻ.
Theo Tổng Giám đốc Western Pacific, cần có những thông tư hướng dẫn cho phù hợp, còn nếu để như hiện nay các nhà đầu tư rất bối rối.
Cũng đề cập tới vấn đề đầu tư, ông Nguyễn Đình Nam – CEO AP Việt Nam đặt câu hỏi "Tại sao Nghị định 35 không bao hàm câu chuyện quy định liên quan đến xúc tiến đầu tư vào KCN như thế nào để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, để có định hướng ban đầu, hình thành KCN của mình theo đúng tiêu chí để thu hút tốt hơn?".
Nghị định đã có những quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng hay các điều kiện về logistics, nguồn nhân lực, các điều kiện hỗ trợ trong xúc tiến đầu tư, tuy nhiên chưa chi tiết.
"Ví dụ, quy hoạch 1 KCN hoặc xây dựng mới 1 KCN phải đáp ứng những điều kiện gì, hạ tầng, giao thông... ra sao thì mới đưa ra câu chuyện hình thành KCN. Còn giờ cứ xin, xin xong nhưng không kết nối được. 5 - 7 năm mới bắt đầu kết nối được hạ tầng, kết nối được đầu tư. Nhà đầu tư sẽ thất bại trong câu chuyện bán hàng. Đầu tư thì tốt nhưng bán hàng không tốt chắc chắn sẽ giảm lợi nhuận của nhà đầu tư", ông Nguyễn Đình Nam phân tích.

Luật sư Trần Đại Nghĩa - CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.
Về nội dung này, ông Trần Đại Nghĩa cho biết, để được hưởng các chính sách ưu đãi, thì nhà đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao phải cam kết cụ thể các nội dung liên quan.
Tuy nhiên, Nghị định 35 lại chưa quy định cụ thể thủ tục, trình tự thẩm định các nội dung liên quan tới vấn đề này. Quy định như hiện tại mới chỉ dừng lại ở pháp luật về nội dung chứ chưa quy định về hình thức.
Thêm vào đó là việc quản lý việc thu hút đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng KCN. Nếu họ cho các đối tượng khác không phải đối tượng được ưu đãi thuê đất vượt quá cam kết đã quy định thì chế tài xử lý sẽ ra sao cũng chưa thực sự rõ ràng.
"Để khắc phục tình trạng này có thể đặt ra các quy định cụ thể hơn ở mức nghị định để tăng cường sự quản lý, tránh việc đề xuất dự án để nhận ưu đãi nhưng lại không thực hiện các cam kết trong đề xuất dự án đầu tư", CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam khuyến nghị.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 12 KCN tiêu biểu năm 2022, trao giấy chứng nhận KCN tiêu biểu năm 2022 và 4 KCN đạt các danh hiệu chuyên đề: KCN có hạ tầng an sinh tiêu biểu, KCN thân thiện với môi trường, KCN có hạ tầng công nghiệp và logistics đồng bộ.
Đây là một sự ghi nhận, khẳng định đối với những KCN khi  tiệm cận được với các loại hình mà Nghị định 35 khuyến khích phát triển như: KCN sinh thái, KCN Đô thị dịch vụ, KCN Công nghệ cao, KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm