Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh: Đường lớn đã mở
Hà Tĩnh: Phê duyệt quy hoạch tổ hợp du lịch 50,3ha tại thị xã Kỳ Anh / Hà Tĩnh cắm mốc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam trước ngày 15/3
Đây là “kim chỉ nam” phát triển của Hà Tĩnh trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050, tạo ra sự kết nối thống nhất trong chiến lược - quy hoạch - kế hoạch; là cơ sở để Hà Tĩnh triển khai các định hướng lớn, tạo đột phá phát triển, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư.
Quy hoạch đi trước một bước, bảo đảm chất lượng để thu hút đầu tư
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, cùng với không khí hân hoan đón chào nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh cũng tất bật chuẩn bị cho sự kiện Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.
Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Bản quy hoạch được đánh giá cao về chất lượng, được xem là bản quy hoạch mẫu cho các tỉnh. Trung tuần tháng 5/2023, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh để người dân, các nhà đầu tư biết và nắm tình hình.
“Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh là chiến lược phát triển của Hà Tĩnh trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050; các định hướng lớn quy hoạch tỉnh đã được cụ thể hoá thành 5 chương trình trọng điểm và 3 đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Quan điểm quy hoạch phải đi trước một bước, bảo đảm chất lượng để thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dành quỹ đất để mời gọi, dẫn dắt các nhà đầu tư thực sự có năng lực”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030 lấy nhân tố quyết định nội lực là con người, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số; xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Quy hoạch xác định hướng đột phá là tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ, hợp lý, hiện đại; phát triển hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Quy hoạch tỉnh xác định 4 ngành kinh tế trọng điểm: công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định rõ mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước.
Quyết tâm cao và đặt niềm tin, kỳ vọng lớn
Chia sẻ về những mục tiêu, kế hoạch thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết, 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm đầu thực hiện Quy hoạch, vì vậy, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng khó khăn sẽ nhiều hơn, dẫn đến khó dự báo và xây dựng một kịch bản tăng trưởng khả thi nhất, kể cả ở cấp quốc gia và các địa phương.
Tuy vậy, với mục tiêu dồn sức tăng tốc và bứt phá, tinh thần xây dựng kế hoạch năm 2023, Hà Tĩnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt trên 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt khoảng 45-50 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 19.000 tỷ đồng.
Một góc thành phố Hà Tĩnh.
Để đạt mục tiêu trên, Hà Tĩnh đã, đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương đang được xây dựng, triển khai. Trong đó, ưu tiên phục hồi, phát triển công nghiệp. Đầu năm 2023, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ; triển khai các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh; chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, tập trung cao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm nhằm tạo động lực tăng trưởng mới.
Lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế tỉnh nhà sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 khi Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoàn thành khắc phục sự cố, Nhà máy Pin VinES đi vào vận hành và sản xuất theo kế hoạch; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 triển khai xây dựng đúng tiến độ, Nhà máy Sản xuất Pin Lithium hoàn thành xây dựng vào cuối năm; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vinhomes Vũng Áng hoàn thành thủ tục chấp thuận đầu tư; KCN Bắc Thạch Hà, KCN Bắc Hồng Lĩnh và các KCN khác trên địa bàn từng bước được lấp đầy, đẩy mạnh SXKD…
Đồng thời, tiếp tục khai thác những dư địa tăng trưởng với việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; khai thác hiệu quả và phát huy tiềm năng khu vực du lịch, dịch vụ.
Trên chặng đường mới, Hà Tĩnh hết sức quan tâm đến việc phát huy giá trị văn hóa, con người, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Hà Tĩnh quyết tâm cao và đặt niềm tin, kỳ vọng lớn trong năm giữa nhiệm kỳ. Niềm tin và khát vọng sẽ được hiện thực hóa khi phát huy khả năng, trí tuệ, ý chí, tinh thần đoàn kết, tận dụng tốt thuận lợi, thời cơ và vượt qua khó khăn, thử thách. Đó là sức mạnh để Hà Tĩnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Huyện Thạch Hà tiến hành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cho Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) dưới sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh.