Đầu tư

Thúc đẩy thu hút vốn FDI

DNVN - Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Để duy trì tác động tích cực của FDI, Việt Nam được khuyến nghị nên áp dụng cách tiếp cận theo hướng đầu tư xanh, giải pháp xanh và đầu tư vào lực lượng lao động trong tương lai.

Australia đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam, đứng đầu là chế biến chế tạo / Nâng kim ngạch thương mại Việt - Hàn lên 150 tỷ USD vào 2030

Năm 2023, số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức kỷ lục là 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%.

Tính đến cuối tháng 2/2024, hiện còn trên 39,5 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ USD. Có 145 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 12 bậc năm 2023 theo đánh giá của Tạp chí Nhà kinh tế.


Phần lớn DN FDI vẫn cam kết duy trì đầu tư nhưng mức độ tin tưởng của DN về tiềm năng FDI đã giảm.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 19/3, ông Nitin Kapoor - Đồng Chủ tịch VBF cho biết, trước những thách thức toàn cầu chưa từng ghi nhận trước đây, Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng vượt trội, nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài sau năm 2022.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng liên tục, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng còn chậm ở nhiều quốc gia khác, nhờ một nền kinh tế năng động và linh hoạt.

Dù thế giới còn gặp nhiều thách thức và tốc độ tăng trưởng FDI còn chậm ở những khu vực khác, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng FDI khá nhanh tính đến hết năm 2023.

Theo báo cáo lộ trình hướng tới phục hồi kinh tế bền vững của VBF, hơn một nửa số doanh nghiệp (DN) được khảo sát xếp Việt Nam vào top 3 điểm đến đầu tư hàng đầu. Phần lớn DN cho biết họ rất tin tưởng và cam kết tiếp tục, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Khảo sát xếp hạng của Việt Nam trong vai trò là điểm đến đầu tư cho thấy, 23% DN xếp Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu, 28% ở top 2-3, chỉ 14% DN không có kế hoạch đầu tư.

Phần lớn DN dường như vẫn cam kết duy trì đầu tư, tuy nhiên mức độ tin tưởng của DN về tiềm năng FDI đã giảm.

Với câu hỏi "Việt Nam, trong vai trò là điểm đến đầu tư, có gì hấp dẫn đối với DN?", 48% DN cho rằng yếu tố ổn định chính trị. Trong đó, yếu tố chi phí lao động thấp là 41%, thị trường tiêu dùng ngày càng phát triển 39%, thái độ cởi mở về đầu tư nước ngoài 24%...

Chỉ 15% DN nước ngoài cho biết, chất lượng lao động của Việt Nam là một yếu tố hấp dẫn. Nâng cao chất lượng lực lượng lao động tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến chế tạo, có thể cải thiện đáng kể vị thế của Việt Nam trong vai trò là điểm đến đầu tư.

"Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư còn nhờ chi phí lao động thấp, thị trường tiêu dùng đang phát triển và vị trí địa lý chiến lược. Dù đây là những chất xúc tác cho tăng trưởng, Chính phủ cần có những giải pháp để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh", báo cáo cho hay.

Theo các chuyên gia của VBF, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, để duy trì tác động tích cực của FDI, Việt Nam nên áp dụng cách tiếp cận theo hai hướng.

Thứ nhất, giải pháp xanh, đầu tư xanh. Việt Nam cần tích cực thúc đẩy các giải pháp theo định hướng thị trường để bổ sung công nghệ xanh về năng lượng, quản lý chất thải và xử lý nước. Điều này nâng cao tính bền vững về môi trường và thu hút các công ty tập trung vào ESG (môi trường, xã hội và quản trị), một phân khúc đang ngày càng phát triển trong thị trường toàn cầu hóa ngày nay.

DN ngày càng ưu tiên các yếu tố ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Tuân thủ các tiêu chuẩn ESG là điều cần thiết để thu hút DN FDI đang có kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng hoạt động hoạt động hiện có. Những thay đổi về quy định pháp lý và các ưu đãi tài chính hiệu quả, như giảm thuế và trợ cấp, có thể khuyến khích DN nước ngoài áp dụng các thông lệ phát triển bền vững toàn cầu ở Việt Nam.

Thứ hai, đầu tư vào lực lượng lao động tương lai. Tiếp tục đầu tư phát triển lực lượng lao động có ý nghĩa rất quan trọng. Nâng cao kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động Việt Nam sẽ không chỉ tăng năng suất tổng thể mà còn định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hơn đối với các DN FDI đang tìm kiếm nguồn lao động có tay nghề và khả năng thích ứng.

Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững về lâu dài, cách thức tuyên truyền, giáo dục phải giúp người dân đưa ra những lựa chọn phù hợp cho sức khỏe, môi trường và tài chính của họ. Quan hệ đối tác công-tư, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và viện trợ quốc tế đều có thể đóng góp cho các sáng kiến phát triển lực lượng lao động.

Bằng cách ưu tiên các hành động chiến lược này, Việt Nam có thể củng cố vị thế là điểm đến FDI hàng đầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và thực hiện trách nhiệm với môi trường.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm