Đầu tư

Thực trạng đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ

DNVN - Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia mô phỏng công nghệ nên chi tiêu cho R&D tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Ở cấp độ doanh nghiệp, R&D tác động rất tích cực đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thể hiện thông qua chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, thực trạng R&D của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều vấn cần tháo gỡ.

Lo thiếu doanh nghiệp cỡ vừa cung ứng cho khối ngoại / Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Cần xóa bỏ tư duy hành chính trong hoạt động Khoa học và Công nghệ

Ông Trần Văn Hoàng, Phòng Kinh tế phát triển - Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo phương pháp phân tích kết hợp hồi quy liên vùng với phân tích trường hợp điển hình, dựa trên bộ số liệu gồm 95 nền kinh tế trong giai đoạn 1980-2017, 1% gia tăng của tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP sẽ làm tăng GDP bình quân đầu 2,1%. Vì vậy, nếu trong giai đoạn 1980-2017, Việt Nam tăng tỷ lệ chi tiêu cho R&D so với GDP thêm 0,72%, thì nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người gần như Hàn Quốc (5,76%) và Trung Quốc (5,16%).

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia mô phỏng công nghệ nên chi tiêu cho R&D tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế (so với các quốc gia thuộc nhóm sáng tạo công nghệ). Bên cạnh đó, vốn nhân lực cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này hàm ý rằng, mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới nên chú trọng vào đầu tư cho đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


Tỷ lệ doanh nghiệp có R&D vẫn đang thấp. (Ảnh: VCCI)

Ở cấp độ doanh nghiệp, R&D tác động rất tích cực đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thể hiện thông qua chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo Việt Nam có R&D chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 10%) nhưng đang có xu hướng tăng dù tốc độ tăng trưởng chưa thực sự mạnh mẽ.

Phân tích về thực trạng R&D của doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Văn Hoàng cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp có R&D vẫn đang thấp và quy mô doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng lớn tới hoạt động R&D của doanh nghiệp. Năm 2018 có 4,5% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và 11,8% doanh nghiệp quy mô lớn được khảo sát có hoạt động R&D.

Điều đáng nói là phần lớn đều bắt nguồn từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp với tỷ lệ khoảng 86%, và có khoảng 11% doanh nghiệp phải đi vay tín dụng để đầu tư R&D, và chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn ngân sách hỗ trợ của Chính phủ. Như vậy, nguồn vốn vẫn là rào cản lớn trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, nguồn lực cho R&D bị hạn chế nhưng dần được cải thiện. Năm 2018, 8,5% thuê ngoài và 24,8% kết hợp cả thuê ngoài và tự nghiên cứu. Tỷ lệ tự nghiên cứu có xu hướng tăng, từ 62,1% (năm 2014) lên 66,7% (năm 2018). R&D chủ yếu là nghiên cứu ứng dụng. Theo đó, tỷ lệ DN nghiên cứu ứng dụng có xu hướng tăng, 67,5% (2014) và 71,3% (2018).

Đánh giá chung những vấn đề trong phát triển R&D của doanh nghiệp, ông Hoàng liệt kê 4 yếu tố chính: Khó huy động vốn để thực hiện R&D; Hệ thống chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ tuy nhiều nhưng chưa thực sự hiệu quả; Thị trường KHCN chưa phát triển, kéo theo thiếu các dịch vụ hỗ trợ thực hiện R&D và hoặc thiếu thông tin về các cơ sở nghiên cứu công lập, các phòng thí nghiệm thực hiện R&D; Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ở góc độ vĩ mô, Việt Nam vẫn đang trong quá trình mô phỏng công nghệ nên đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo là “chìa khóa vàng” cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để thực sự đạt được kỳ vọng đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách thúc đẩy trong đó nhấn mạnh tới hỗ trợ nguồn lực cho R&D đặc biệt là đối với doanh nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng theo ông Trần Văn Hoàng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị để tiếp nhận cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) chứ chưa nói tới chuyện tận dụng nó để đưa Việt Nam “tiến vượt”.

Kết quả điều tra của Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy, dưới 15% doanh nghiệp có ý tưởng về tích hợp “yếu tố CMCN 4.0” vào chiến lược phát triển doanh nghiệp. Và chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp đã xây dựng và đang thực hiện chiến lược CMCN 4.0. Trong khi, có hơn 77% doanh nghiệp được điều tra không sử dụng bất cứ công nghệ nào được xem là nền tảng của cuộc cách mạng này từ trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, Internet kết nối vạn vật (IoT).

"Điều này đòi hỏi Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để giúp doanh nghiệp nhận thức được rõ hơn về CMCN 4.0 cũng như giúp doanh nghiệp tận dụng nó để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp", ông Trần Văn Hoàng chia sẻ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm