Tiếp cận tích hợp đa ngành trong quy hoạch để tránh tư duy cát cứ, lợi ích cục bộ
Vinhomes muốn đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tại khu kinh tế Vũng Áng / Hà Tĩnh: Một doanh nghiệp muốn đầu tư 13.893 tỷ đồng xây dựng các dự án điện gió
Quy hoạch 10 năm (2021-2030) đang chậm so với yêu cầu thực tiễn
Luật Quy hoạch và 73 luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua có hiệu lực từ tháng 1/2019, đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu sắc về thế chế, tư duy, phương pháp và nội dung của công tác quy hoạch.
Sau hơn 2 năm có hiệu lực thi hành, việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập và trình thẩm định; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.
Các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo tinh thần nhất quán, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp.
Chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện thông qua quy trình lập quy hoạch dựa trên cách tiếp cận tích hợp đa ngành và áp dụng các công nghệ tiên tiến; khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ.
Công tác giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch ngày càng được chú trọng, trong đó hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đang được xây dựng sẽ đảm bảo công khai minh bạch thông tin, dữ liệu cho mọi người dân; hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, xúc tiến và thu hút đầu tư.
Tuy vậy, quá trình thực thi Luật Quy hoạch cũng bộ lộ một số thách thức, khó khăn.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” vào ngày 22/9/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: Từ khi có Luật Quy hoạch đến nay, việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn rất chậm, tác động nhiều đến phát triển.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch sáng 19/9, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận những bất cập trong quá trình thực thi Luật Quy hoạch.
Đó là một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch chậm được ban hành; một số quy định chưa có sự thống nhất với quy định của pháp luật về quy hoạch, gây khó khăn cho bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch.
Hiện nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác quy hoạch. Nguồn ảnh Internet
Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai các quy định mới của Luật Quy hoạch, đặc biệt là phương pháp lập quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tuy đã được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhưng còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch vẫn còn hạn chế. Thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch chưa được xây dựng đồng bộ để phục vụ cho việc lập quy hoạch thời kỳ mới.
Cùng với đó, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cũng đã làm ảnh hưởng đến công tác khảo sát thực trạng, thu thập số liệu, tham vấn ý kiến về quy hoạch, gây khó khăn cho việc huy động các chuyên gia, đặc biệt đối với các tổ chức tư vấn quốc tế.
Thực tế cho thấy, đất đai là một trong những lĩnh vực điển hình cho những bất cập của công tác quy hoạch. Điều này thể hiện ở việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm; việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được thực hiện tốt; công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực chưa sát với thực tiễn.
Chỉ tính riêng Hà Nội, theo kết quả đợt tái giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai ở một số địa phương trên địa bàn TP cho thấy con số đáng báo động. Tính đến tháng 5/2021 có tới 350 dự án vi phạm, chậm triển khai trên toàn TP. Trong đó, nhóm dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt có 63 dự án; nhóm đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật là 287 dự án.
Sự ra đời của Chỉ thị số 22/CT-TTg (ngày 12/8/2021) về đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp là văn bản pháp lý quan trọng quy định rất rõ về những giải pháp đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch.
Theo đó, Chỉ thị quy định: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đảm bảo chính xác về số liệu, đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong quá trình thực hiện.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh, trong đó chú trọng nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 148 ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai gửi về Bộ TN&MT có ý kiến theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 148 trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh và gửi về Bộ TN&MT có ý kiến trước ngày 1/12/2021.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021-2025) theo quy định và gửi về Bộ TN&MT để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2021.
Lần đầu tiên một quy hoạch tích hợp sẽ thay thế 50 loại quy hoạch ngành
Hiện các Bộ, ngành, địa phương đang tập trung, khẩn trương tổ chức lập đồng thời các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Và đây là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước và từng địa phương một cách bài bản, khoa học; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế.
Sau khi được phê duyệt, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Để khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Quy hoạch sẽ theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành quy định tại Luật Quy hoạch đề cao tính thống nhất trong quản lý Nhà nước, đề cao liên kết ngành, liên kết vùng, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ và cát cứ về mục tiêu phát triển, không gian phát triển và nguồn lực phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, riêng quy hoạch tỉnh được lập tích hợp sẽ thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn từng tỉnh trước đây, bao gồm quy hoạch sử dụng đất tỉnh, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch giao thông tỉnh... Đây là công việc lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, có nhiều thách thức.
Việc triển khai Luật Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đòi hỏi và dẫn đến sự thay đổi về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và phương thức quản lý theo hướng “chính quyền là một tổng thể thống nhất”. Điều này đặt ra yêu cầu tăng cường phối hợp đồng bộ liên ngành, liên cấp và tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng hơn. Các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tạo ra điều kiện kinh doanh bị hết hiệu lực, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành được thực hiện minh bạch, công khai.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xét về tầm nhìn trung hạn, việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển; sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc triển khai Luật Quy hoạch theo hướng tiếp cận tích hợp sẽ khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược – quy hoạch – kế hoạch – đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; bảo đảm mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.
Các chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận tích hợp đa ngành trong công tác quy hoạch sẽ góp phần tạo tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Cách tiếp cận này cũng giúp tránh tư duy cát cứ, lợi ích cục bộ. Quá trình lập kế hoạch đòi hỏi phải biết huy động kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch. Cần đánh giá và phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thuận lợi cũng như khắc phục khó khăn của các địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo