Doanh nghiệp gặp khó trong bảo vệ môi trường: Đâu là nút thắt?
Doanh nghiệp gặp khó trong bảo vệ môi trường: Đâu là nút thắt? / Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện thúc đẩy doanh nghiệp thành lập mới tăng
Thiếu kiến thức tổng thể về các quy định BVMT
Nhiều doanh nghiệp cho biết, các quy định pháp luật về môi trường ngày càng nhiều với xu hướng chặt chẽ, chi tiết đòi hỏi họ phải chú trọng hơn tới công tác bảo vệ môi trường. Tuy vậy, việc các cơ quan chức năng thường xuyên thay đổi tiêu chuẩn, quy định về tuân thủ bảo vệ môi trường cũng khiến doanh nghiệp lao đao trong thực hiện.
Đơn cử như Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), thời gian đầu, khi đầu tư xây dựng nhà máy, Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và sử dụng những hóa chất mà Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường đưa ra, cũng như các tiêu chuẩn ngành tại thời điểm đó cho phép. Tuy vậy, sau một thời gian hoạt động, các tiêu chuẩn về môi trường có sự thay đổi, bổ sung nên dẫn đến việc công ty phải tiến hành thay đổi hạng mục hệ thống xử lý nước thải để đáp ứng quy định. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, xử lý một vấn đề như thế sẽ rất nhiều việc và tốn kém. Nếu xử lý ngay từ đầu sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, hiện có đến 5 cơ quan quản lý về môi trường, không dưới 20 luật và quy định dưới luật liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, hơn 50 quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực môi trường và các hiệp định thương mại tự do đang được thúc đẩy trong khu vực. Các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thanh kiểm tra, Luật Thuế BVMT và rất nhiều Nghị định, Thông tư khác khiến doanh nghiệp lúng túng trong áp dụng các quy định pháp luật về BVMT. Nhiều doanh nghiệp lo lắng không biết mình đã thực hiện đúng các quy định pháp luật về môi trường hay chưa?
Mặc dù, hiện nay, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các Sở TN&MT tổ chức các lớp tập huấn pháp luật BVMT cho doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít được tiếp cận được các lớp này. Hơn nữa, các lớp tập huấn này mới chỉ dừng lại ở việc phổ biến quy định pháp luật mà chưa đi sâu vào hướng dẫn thực thi tuân thủ pháp luật BVMT.
Để doanh nghiệp có thể tiếp cận đươc nhưng thông tin về môi trường, đầy đủ và toàn diện bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho rằng, cần ban hành bộ tài liệu về văn bản pháp luật, trong đó, có đầy đủ các quy định về BVMT. Một số các doanh nghiệp đã thẳng thắn đưa ra những khuyến nghị về việc cơ quan chức năng khi ban hành các quy định về bảo vệ môi trường cần sâu sát với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp.
Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ
Tại Hội nghị Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất. Chính phủ chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị, máy móc, phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhưng chưa có một chính sách cụ thể nào dành riêng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, mặc dù, chưa có một chính sách cụ thể nhưng trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có những quy định ưu đãi cho các doanh nghiệp có thể vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường đối với các lĩnh vực ưu tiên liên quan đến xử lý nước thải tập trung, cải tạo môi trường ô nhiễm, quan trắc môi trường, hay sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích khu vực doanh nghiệp tham gia BVMT. Tiêu biểu là quy định miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVMT (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp); ưu đãi về vốn đối với các dự án đầu tư BVMT (Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 của Chính phủ); ưu đãi về đất (miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất) đối với các dự án xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt có quy mô lớn (Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ).
Bên cạnh đó, trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (TTX) ban hành năm 2014, Chính phủ đã trực tiếp giao VCCI một số nhiệm vụ nhằm hỗ trợ khối doanh nghiệp triển khai sản xuất sạch hơn, thúc đẩy phát triển bền vững. Cụ thể, trong Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020, VCCI được Chính phủ giao các nhiệm vụ: Thúc đẩy phong trào doanh nghiệp phát triển bền vững; Nâng cao năng lực và thị trường dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và quản lý phục vụ TTX. Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững và VBCSD đã được Ban Thường trực VCCI giao nhiệm vụ làm cơ quan đầu mối, phối hợp với các đơn vị khác trong VCCI xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm triển khai nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định: Mặc dù, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã chú trọng gắn trách nhiệm hoạt động của mình với công tác bảo vệ môi trường nhưng việc thực hiện trách nhiệm đó vẫn gặp nhiều khó khăn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng nguyên nhân cơ bản do doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng xây dựng chiến lược phát triển bền vững lâu dài.
Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015, 2/3 trong số đó là liên quan đến môi trường. Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, phải có cách tiếp cận lại về vấn đề môi trường. Cần nhìn nhận lại cơ hội mà môi trường đã tạo ra cho các doanh nghiệp phát triển. Trong đó, nói đến trách nhiệm doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển bền vững trong kinh doanh phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo