Hiệp hội doanh nghiệp

Hai điều doanh nghiệp Việt cần chú ý trong vòng xoáy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Những nghiên cứu gần đây đánh giá Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Hội diễn "Nghệ thuật Doanh nhân - Doanh nghiệp toàn quốc": Cất cao tiếng hát và lan tỏa cảm xúc trên mặt trận kinh tế / Tỉnh Thừa Thiên Huế công bố hàng loạt hỗ trợ cho doanh nghiệp

Việt Nam là nước phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu trong số các nước ASEAN, theo Asian Nikkei Review. Khối lượng hàng hoá xuất khẩu từ tháng 3/2017-3/2018 của Việt Nam tương đương 99,2% GDP.

Do vậy, với những biện pháp bảo hộ - trả đũa qua lại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, nếu thành hiện thực, có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo các hướng khác nhau, nhất là về lâu về dài.


Theo Trung tâm WTO, ở chiều tích cực, mặc dù nhiều loại hàng hoá mà Mỹ và Trung Quốc dự kiến áp thuế cao với nhau không phải là thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng không loại bỏ đi khả năng Việt Nam vẫn tận dụng được cơ hội bị bỏ ngỏ từ các lệnh áp thuế.

Sự leo thang trong căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn này đồng thời có thể là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ Mỹ.

Tuy nhiên, ở chiều ngựợc lại, tương tự nhiều dự đoán trước đó của giới chuyên gia, phía Trung tâm WTO cho rằng hàng hoá Trung Quốc trong trường hợp khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, nguy cơ nhập siêu trầm trọng từ Trung Quốc là có khả năng. Điều này khiến thị trường trong nước bị cạnh tranh gay gắt, phức tạp hơn rất nhiều. Cạnh đó, nhiều hàng hoá Trung Quốc buộc phải tiêu thụ trong nội địa nước này cũng khiến hàng Việt Nam khó xuất khẩu.

Đối với cuộc chiến nhôm thép, Việt Nam và thế giới hiện chưa phải đối mặt trực diện với các biện pháp bảo hộ. Số liệu Hải quan trong 6 tháng đối với mặt hàng này chưa có biến động lớn, tuy nhiên, nhiều quan ngại nhất định đã xuất hiện.

Ngoài ra, một số quan sát khác cho thấy hàng hoá xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là thuỷ sản, cũng gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn. Mỹ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu. EU áp dụng thẻ vàng, kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng, đối với hải sản Việt Nam…

Như vậy, về lâu dài rất khó để đoán định được điều gì sẽ xảy đến đối với thị trường thương mại trong nước cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, phía Trung tâm WTO cũng chỉ ra điểm sáng và yếu tố mới tích cực của Việt Nam, đó là việc ký kết CPTPP, hoàn tất rà soát pháp lý EVFTA, triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Theo đó, cùng với 10 FTA đã ký và đang được triển khai, Việt Nam đang có trong tay các cánh cửa quan trọng để tiếp cận ổn định và thuận lợi một loạt các thị trường quan trọng cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý theo hai hướng. Thứ nhất, doanh nghiệp tiếp tục quan sát chặt chẽ động thái từ các thị trường, từ các quyết định cấp vĩ mô của các Chính phủ, các diễn biến ở thị trường quan trọng như tài chính, thị trường mua bán hàng hóa tương lai, đến các quyết định trực tiếp của các đối tác hiện tại và tiềm năng. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ chủ động tính toán các biện pháp thích hợp tận dụng cơ hội hoặc tránh thiệt hại ở mức có thể.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần tận dụng triệt để những FTA đang hoặc sẽ có hiệu lực. Đây là những con đường ưu tiên, ổn định và rất hiệu quả cho doanh nghiệp trong tiếp cận các thị trường.

Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm