Hiệp hội doanh nghiệp

Nhà khoa học sở hữu hàng trăm sáng chế, công nghệ mang đậm trí tuệ Việt

DNVN - Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) không dùng tiền Nhà nước để nghiên cứu, không mua, không vay, không mượn công nghệ nước ngoài mà tự mày mò nghiên cứu, tạo ra nhiều công nghệ mang đậm trí tuệ Việt...

Thư chúc Tết của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam / Gốm sứ Việt vươn tầm quốc tế

Không dùng tiền Nhà nước để nghiên cứu, không mua, không vay, không mượn công nghệ nước ngoài, tự mày mò nghiên cứu tạo ra công nghệ mang đậm trí tuệ Việt. Được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLĐ từ năm 2011 với thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo. Ông Hoàng Đức Thảo vẫn thường được mọi người gọi là Vua đê cống, vua sáng chế, vua sáng tạo, vua giải thưởng, vua kè…

Là người có trong tay cả một kho “khổng lồ” những văn bằng sở hữu trí tuệ, ông là tác giả của hàng trăm công nghệ, giải pháp phục vụ xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhà lắp ghép cốt phi kim… Đó là dấu ấn mà mọi người nhớ về ông - Anh hùng lao động - Nhà khoa học được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN (giải thưởng cá nhân).

Từ công nhân kỹ thuật đến nhà khoa học xuất sắc

Ông Hoàng Đức Thảo sinh năm 1960, lớn lên tại xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình thuần nông. Học trường đào tạo công nhân kỹ thuật Bộ Xây dựng từ tháng 8/1977. Đến tháng 8.1979, ông cùng hàng ngàn công nhân trẻ, theo lời kêu gọi của đất nước lúc bấy giờ, đi xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên, Kiên Giang - nhà máy sản xuất xi măng đầu tiên và lớn nhất của nước ta sau ngày đất nước thống nhất.

Chỉ làm việc trong một tháng, ông Thảo đã luôn vượt kỷ lục về năng suất, chất lượng và thời gian nên được bố trí làm Tổ trưởng tổ thép hình, thuộc xưởng cốt thép, xí nghiệp bê tông cốt thép. Cũng trong thời gian làm việc ở đây, ông đã gây điều bất ngờ khiến lãnh đạo đơn vị và cả chuyên gia Liên Xô khâm phục về sáng kiến và biết đến tên ông, Hoàng Đức Thảo: sáng kiến làm gông đỡ để giảm lực đẩy trở lại làm đứt lưỡi cắt sắt. Đây là sáng kiến đầu đời của ông. Cũng trong năm đó, ông lại khiến mọi người sửng sốt khi có tiếp sáng kiến thay thế cóc-kê ngăn cách giữa hai lớp thép bằng râu thép đầu cọc. Sáng kiến này khiến chuyên gia Liên Xô càng thấy “tâm phục khẩu phục” về ông. 20 tuổi (năm 1980), ông được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua tỉnh Kiên Giang, Bằng khen của Bộ Xây dựng, Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đang là công nhân giỏi, thợ tay nghề cao bậc 5 (được xét lên thẳng 1 bậc do có thành tích sáng kiến), ông Thảo được lãnh đạo Công ty quyết định cử đi học ngành kế toán xây dựng cơ bản tại Trường trung học xây dựng số 7, Bộ Xây dựng. Sau đó học tại chức Đại học Tài chính 1988 – 1993; Đại học Kiến trúc Hà Nội Chi nhánh Vũng Tàu 1994 – 1998.

Tháng 10.1984, ông Hoàng Đức Thảo ra trường và được giao chức Trưởng phòng Tài vụ- kế toán, sau đó là Kế toán trưởng Xí nghiệp hợp doanh xây lắp, kế toán trưởng Ban quản lý công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng. Sau đó, ông kinh qua các chức vụ: Phó Giám đốc Ban quản lý các công trình xây dựng, Giám đốc Ban quản lý dự án cấp thoát nước Sở Xây dựng, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án hạ tầng kỹ thuật tỉnh BRVT, Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước và môi trường tỉnh BRVT. Từ tháng 7/2003 làm Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị tỉnh BRVT. Đến tháng 10/2008 làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BRVT (BUSADCO) (100% vốn Nhà nước) . Từ tháng 11/2018 sau khi cổ phần hóa Công ty, ông làm Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (100% vốn tư nhân). Ngoài ra, hiện nay ông còn là Uỷ viên Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019 – 2024 (Thành viên Hội đồng tư vấn về kinh tế); Ủy viên BCH Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam khóa VII (VCCI) nhiệm kỳ 2021 – 2026; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST).

Người dân từng sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu đều thấu hiểu, họ có thành phố “xanh-sạch- sáng-đẹp” ngày nay bởi cách đây ba thập kỷ đã có cuộc cách mạng lớn về môi trường. Vị chỉ huy làm cuộc cách mạng kỹ thuật môi trường ấy chính là anh hùng Hoàng Đức Thảo. Người dân Vũng Tàu rất phục ông, họ thường nói: “Có Công ty Busadco, người dân Bà Rịa -Vũng Tàu mới được tận hưởng không khí trong lành ngày hôm nay”. Bởi ngày trước, tình trạng ngập úng xảy ra thường xuyên, nhiều con đường biến thành sông mỗi khi mưa. Nước thải trộn lẫn nước mưa, chảy tràn xuống các bãi tắm gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường du lịch, môi trường đô thị.

Cũng trên cương vị công tác của mình, Hoàng Đức Thảo có điều kiện làm việc, nghiên cứu khoa học và đạt được nhiều thành công. Ít người có thể ngờ ông Thảo đã có trong tay số bằng sáng chế hơn gấp đôi số tuổi đời của ông. Người ta thường tâm đắc, ấn tượng với một điều kỳ lạ ở ông: từ một người công nhân trở thành nhà khoa học xuất sắc. Nhưng người ta cần biết một điều, như chính ông tự nói về mình: “Tôi không được đào tạo một cách bài bản, nhưng quá trình tự học, tự nghiên cứu của tôi thì rất bài bản và khoa học”. Đây chính là một yếu tố cơ bản để có một Hoàng Đức Thảo, con người của những kỷ lục.

Anh hùng lao động

Đột phá đặc biệt xuất sắc của ông Thảo là nghiên cứu và ứng dụng KHCN nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực, những bức xúc, nóng bỏng của thực tiễn cuộc sống, góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, xây dựng dân dụng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững.

Từ những kết quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN của ông Hoàng Đức Thảo, Busadco đã được Bộ KHCN cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KHCN, trở thành doanh nghiệp KHCN đầu tiên của cả nước, có doanh thu từ sản phẩm KHCN đạt trên 80%; được Thủ tướng Chính phủ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do doanh thu từ sản phẩm KHCN cao, được Liên hiệp các hiệp Hội KHKT, Bộ KH-CN, Bộ Xây dựng đánh giá là doanh nghiệp đi tiên phong và có kết quả đứng đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong cả nước.

Ông Nguyễn Tuấn Minh – Bí thư Tỉnh ủy BR-VT, thừa ủy quyền của Chủ Tịch Nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Hoàng Đức Thảo tháng 01/2012.

Ông Nguyễn Tuấn Minh – Bí thư Tỉnh ủy BR-VT, thừa ủy quyền của Chủ Tịch Nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Hoàng Đức Thảo tháng 01/2012.

Từ những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Chủ nghĩa xã hội, năm 2011, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Cho đến nay, AHLĐ - Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo đã đạt được rất nhiều thành tích, tiêu biểu như:

- Hơn 290 Bằng khen, giải thưởng trong nước. Tiêu biểu là: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ năm 2016, 03 Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, 08 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giải vàng chất lượng Quốc gia 2012, 08 Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), Giải Nhất Nhân tài Đất Việt năm 2014, Giải Nhì cuộc thi Sáng chế 2013, 04 lần được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện KH&CN tiêu biểu của năm (2012, 2015, 2020, 2021)…

- 20 Giải thưởng sáng tạo khoa học Công nghệ Quốc tế. Tiêu biểu là: Giải thưởng xuất sắc toàn cầu của Tổ chức chất lượng Châu Á Thái Bình Dương; 01Giải đặc biệt, 2 giải vàng của Tổ chức sáng tạo quốc tế tại Hàn quốc; 05 giải WIPO của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới và nhiều giải vàng, bạc quốc tế khác về sáng tạo KH&CN.

 

Giải thưởng Hồ Chí Minh

Là tác giả của Cụm công trình Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học & công nghệ (Giải thưởng cá nhân đợt 5 năm 2016).

Tại thời điểm trao giải, công trình của tác giả Hoàng Đức Thảo đã đáp ứng các tiêu chí khắt khe nhất của ban tổ chức, đem lại các hiệu quả đặc biệt to lớn về kinh tế, xã hội, tiêu biểu như:

 

Hiệu quả kinh tế:

- Ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế lớn; tiết kiệm bình quân khoảng 20% kinh phí so với các giải pháp truyền thống;

- Làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, góp phần sản xuất các sản phẩm ở quy mô công nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Hiệu quả xã hội:

- Kết quả nghiên cứu của cụm công trình đã tạo ra công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế và khu vực trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

- Đã thực hiện một cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kỹ thuật nông thôn; bảo vệ môi trường nước và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu - mực nước biển dâng

- Sáng tạo ra công nghệ đặc biệt mang tính đột phá; giải quyết được những vấn đề then chốt để đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới được cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích;

- Hình thành hướng nghiên cứu và ứng dụng mới; quan niệm mới; nhận thức mới và cách tiếp cận mới; phát hiện mới về khoa học và công nghệ; cụ thể: cụm công trình nghiên cứu phát triển công nghệ là bước đột phá trong mô hình nghiên cứu theo quy trình khép kín bao gồm: sáng chế, chế tạo, ứng dụng sản phẩm mới, công nghệ mới được tạo ra từ kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống.

- Cải thiện điều kiện và môi trường lao động; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; thay đổi hoàn toàn các giải pháp truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015, cụ thể là: các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường và chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Cho đến nay, công trình đã được ứng dụng rộng rãi tại 53/63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có 19 tỉnh thành ban hành chủ trương cho áp dụng trên địa bàn, cụ thể: BUSADCO đã ký kết 2.061 hợp đồng với các đối tác về ứng dụng sản phẩm Khoa học và công nghệ vào các công trình trên toàn quốc, trong đó có:

 

-Sản phẩm Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị: 1.704 hợp đồng. Tiêu biểu như: Hào kỹ thuật bê tông đúc sẵn; Hệ thống ngăn mùi bê tông đúc sẵn; Hố ga điện bê tông đúc sẵn …;

-Sản phẩm xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn: 207 hợp đồng. Tiêu biểu như: Kênh mương bê tông đúc sẵn; Bể phốt bê tông đúc sẵn; Bể lọc nước bê tông đúc sẵn ...;

-Sản phẩm bảo vệ môi trường: 123 hợp đồng trong nước và 04 hợp đồng ngoài nước. Tiêu biểu như: Cụm tời nạo vét hệ thống thoát nước; Hệ thống xử lý nước thải phân tán

-Sản phẩm phòng chống thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu: 17 hợp đồng; với 17,494 km kè bảo vệ bờ. Tiêu biểu như: Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển; Tường hắt sóng; Cấu kiện kè phá sóng …

-Sản phẩm Xây dựng dân dụng: 06 hợp đồng. Tiêu biểu là Nhà bê tông cốt phi kim lắp ghép siêu nhẹ.

 

Con người của những kỷ lục về sáng chế

Ông Hoàng Đức Thảo là một người khá hiếm và độc đáo trong giới nghiên cứu khoa học.

Đến tháng 6/2022, Ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 116 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và chấp nhận đơn, 293 bằng kiểu dáng công nghiệp và chấp nhận đơn. Bộ Khoa học Công nghệ đã chứng nhận ông là người sở hữu nhiều quyền sở hữu trí tuệ nhất Việt Nam. Ông Thảo đã xác lập 04 kỷ lục Việt Nam về sáng tạo KHCN, gồm:

+ Tác giả có nhiều bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích nhất Việt Nam. Xác lập năm 2020.

+ Kỷ lục gia, AHLĐ, Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo được công nhận vào TOP 10 doanh nghiệp sống bằng sáng tạo. Xác lập năm 2016.

 

+ Là Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo KHCN trên thế giới. Xác lập năm 2010;

+ Là người có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo KHCN nhất. Xác lập năm 2010.

Ông có gia tài khoa học công nghệ đồ sộ với 79 sản phẩm KHCN được cấp giấy chứng nhận; Từ các công nghệ, giải pháp kỹ thuật và sản phẩm do ông là tác giả, đã thiết lập và xây dựng được tiêu chuẩn quốc gia nâng cấp từ tiêu chuẩn cơ sở, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý kỹ thuật. Từ tiêu chuẩn cơ sở của BUSADCO, Hội đồng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và Bộ KHCN đã ban hành 18 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và 14 chứng chỉ của các Bộ, ngành.

Năm 2020 ông đã xác lập kỷ lục thế giới “Là Nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ. Với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm từ chính hoạt động Khoa học công nghệ theo chu trình khép kín đã ứng dụng vào các lĩnh vực, công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đạt số lượng bằng Sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới”.

Gần đây nhất, vào tháng 12/ 2022, Ông Hoàng Đức Thảo – TGĐ Busadco Vinh dự đứng trong TOP 1 "Tác giả sáng tạo ra nhiều sáng chế được cấp bằng" tại Lễ vinh danh "Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2022" trong Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam) 2022.

 

Nghiên cứu khoa học của ông Hoàng Đức Thảo và Busadco là nghiên cứu-ứng dụng, được hình thành từ sự cấp thiết của thực tiễn, nhằm đáp ứng ngay nhu cầu của đời sống xã hội. Ông thường nhấn mạnh về mục tiêu và phương thức làm nghiên cứu của mình: “Khác với mọi người, tôi không để ý người khác làm. Tôi chỉ quan sát thực tế, thấy công việc đó hạn chế, bất cập thì tôi tìm cách thay đổi nó để làm sao nhanh hơn, chất lượng hơn và rẻ hơn. Đột phá có tính quyết định sự thành công của tôi là nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực, những bức xúc, nóng bỏng của thực tiễn cuộc sống, những bất cập, hạn chế của kỹ thuật truyền thống...”

Đạt nhiều thành tựu trong khoa học, thế nhưng ông chưa bao giờ có ý định dừng lại những nghiên cứu của mình. Sức khám phá, sáng tạo dường như là không có giới hạn ở con người đam mê khoa học này… Biết bao công trình không tưởng từ những ý tưởng của ông đã biến thành sự thật, có những công trình thật ấn tượng mà người ta không thể quên…


65 ngày đêm hào hùng kè hồ Hoàn Kiếm

Ngay giữa thủ đô linh thiêng, kè Busadco đã hiện hữu như một phần của lịch sử…

 

Công trình thi công kè hồ Hoàn Kiếm thuộc Dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2007. Nhưng đến tận đầu năm 2020, Dự án vẫn chưa chọn được nhà thầu thi công vì chưa doanh nghiệp nào có giải pháp phù hợp với tiêu chí và yêu cầu thi công cực kỳ khắt khe trên nhiều mặt. Là công trình nhóm A cấp quốc gia đặc biệt, việc thi công vừa phải tuân thủ Luật đầu tư, Luật Xây dựng, vừa phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản.

Nhiệm vụ chính là kè 1,5 km bờ hồ Hoàn Kiếm, nhưng công việc thi công được đòi hỏi: không được dùng tường vây, đê bao dưới hồ, không làm thay đổi mực nước hồ; không được làm đường công vụ, phải giữ nguyên trạng nền tự nhiên của đáy hồ, giữ nguyên cây xanh quanh hồ, không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè quanh hồ, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi và không xả thải trong quá trình thi công. Quá trình thi công cũng không được làm ảnh hưởng đến các công trình di tích văn hóa lịch sử; không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân thủ đô Hà Nội. Với các nhà thầu, đây quả là những yêu cầu “ thép”. Cuối cùng, sau 13 năm, Dự án trên đã chọn được nhà thầu đủ năng lực và điều kiện đáp ứng những yêu cầu “thép” này, đó là Busadco.

Trong thời điểm giữa tháng 6.2020, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng với quyết tâm cao độ, ông đã cùng đội ngũ Busadco xuất quân, vì một mục tiêu tối thượng: hoàn thành công trình với chất lượng cao nhất, mỹ thuật hoàn hảo nhất trước ngày Quốc khánh 2.9.2020.

Và rồi dự án đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch đến gần 30 ngày, một kỷ lục không tưởng trong điều kiện thi công vô cùng ngặt nghèo, xứng đáng là công trình trọng điểm kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng thủ đô và 1010 năm Thăng Long-Hà Nội.

Năm 2020, công trình Kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm công nghệ bê tông cốt phi kim, thành mỏng, khối rỗng, liên kết Module của tác giả Hoàng Đức Thảo - TGĐ Busadco đã được Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học & công nghệ của năm.

 

Kể về những ngày tháng hào hùng, chỉ huy hàng trăm công nhân và kỹ sư kè hồ Hoàn Kiếm trong điều kiện vô cùng khó khăn với tầng tầng lớp lớp các điều kiện được chủ đầu tư đưa ra, ông Thảo nói “Không biết lấy sức lực ở đâu ra nữa”. Quả đúng như vậy, bản thân ông là tổng chỉ huy công trường, phải thường trực xử lý giải quyết những điểm nóng. Dường như ông có mặt 100% thời gian thi công trong suốt 65 ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết: khi thì nắng cháy da, lúc mưa bão ngập đường, ngập phố...Những người chứng kiến ông lăn lộn ngoài công trường vẫn không thể tin được vì sao ông có thể vượt qua…

Cùng với công trình kè bờ hồ Hoàn Kiếm, những gì mà AHLĐ Hoàng Đức Thảo đã làm trong suốt thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho chất xám, trí tuệ của người Việt. Trong khi biến đổi khí hậu đang là thách thức của toàn cầu thì ở Việt Nam, nhà khoa học này vẫn đang ngày đêm tìm ra những cách thức để “ngăn bão, chặn sóng và lấn biển”, để bảo vệ và mở rộng lãnh thổ cho dải đất hình chữ S thân thương.

 

Bích Ngọc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo