Hiệp hội doanh nghiệp

Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển

TP.HCM đang tích cực triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

'Buồn vì 200 đơn vị cung ứng của Samsung không phải doanh nghiệp trong nước' / Doanh nghiệp gặp khó trong bảo vệ môi trường: Đâu là nút thắt?

Trong thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trên địa bàn phát triển, UBND TP.HCM đã xem xét, phê duyệt 15 dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của doanh nghiệp ngành cơ khí, cao su - nhựa và lương thực thực phẩm tham gia Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND với tổng vốn đầu tư hơn 938 tỷ đồng (tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là hơn 584 tỷ đồng). Nhờ đó, nhiều DN đã mở rộng đầu tư, mua máy móc mới, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm linh kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài.

Tiếp nối chương trình kích cầu đầu tư, sau khi Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND nhằm hỗ trợ các DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợđược ban hành và triển khai đến doanh nghiệp, Tổ liên ngành thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) đã tiếp nhận 11 hồ sơ dự án, xem xét thẩm định 9 dự án phù hợp đối tượng với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng.

Ảnh VGP/Lê Anh.
Ảnh VGP/Lê Anh.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) CNHT tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, hiện nay, Sở Công Thương TP.HCM đang tích cực phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch khuyến khích các tổ chức tín dụng, định chế tài chính hình thành các gói tín dụng phục vụ cho đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất lĩnh vực CNHT.

Hiện nay, Ngân hàng Vietinbank đã dành gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng cho các DN CNHT cũng như Ngân hàng Vietcombank cam kết đồng hành cùng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Phương Đông cũng cho biết, để hỗ trợ các DN CNHT của thành phố mở rộng thị trường tiêu thụ, TP.HCM sẽ triển khai chương trình liên kết vùng về phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố với các tỉnh với nhiều hình thức phù hợp, qua đó thúc đẩy việc tiêu thụ và quảng bá sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ, góp phần phát triển công nghiệp của các địa phương và khu vực.

Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của doanh nghiệp thành phố trên các phương tiện truyền thông. Xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. TPHCM sẽ rà soát bố trí quỹ đất phục vụ phát triển CNHT để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp

 

Để hỗ trợ các DN công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ phát triển một cách đồng bộ, UBND TP.HCM kiến nghị các cơ quan Trung ương triển khai các giải pháp quy hoạch và tổ chức kết nối liên kết vùng trong cung ứng sản phẩm CNHT cho các doanh nghiệp FDI, các chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu cũng như vận hành có hiệu quả Cổng cơ sở dữ liệu CNHT quốc gia để các địa phương, doanh nghiệp có thể tham gia truy cập và kết nối; thu hút các doanh nghiệp FDI lớn, sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, đặt nhà máy sản xuất cấp khu vực tại Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNHT trong nước tham gia cung ứng sản phẩm CNHT. Ngoài ra, cần đàm phán và giám sát thực hiện cam kết nội địa hóa của cácdoanh nghiệp FDI.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng kiến nghị các Bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế.

Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm