Chân dung

Doanh nhân đất nhãn thành danh trên đất chè

Hai mươi năm trước, chàng trai trẻ bỏ lại sau lưng vùng quê nức tiếng với đặc sản nhãn lồng để lập nghiệp trên quê hương mới nằm bên dòng sông Lô, nơi cũng là một trong những thủ phủ của cây chè vùng núi phía Bắc
 Doanh nhân Nguyễn Văn Hà

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Cái nghiệp đầu tiên vận vào Nguyễn Văn Hà  là xin được làm  một chân trong xưởng sản xuất gỗ ở tỉnh mà kinh tế chủ yếu phát triển dựa vào nông lâm nghiệp này. Đó là vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Được một thời gian ngắn, lệnh cấm rừng, cấm khai thác gỗ được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang thi hành,  nguồn nguyên liệu để sản xuất không có. Với chút tiền lận lưng, anh tự đứng ra mở xưởng nhỏ sản xuất cán thép.

Khởi sự không bao giờ là dễ, với anh cũng vậy,  thị trường tiêu thụ trong tỉnh và các  tỉnh lân cận rất hạn chế, phải chuyển  về các tỉnh đồng bằng tiêu thụ. Mở xưởng từ năm 1994, mãi đến năm 2001 công ty Hưng Hà do anh làm giám đốc chính thức được thành lập.

Giai đoạn đầu sau khi thành lập công ty,  Hưng Hà chuyên gia công  kết cấu thép nhà dân dụng rồi phát triển thêm ngành nghề thi công xây lắp, xây dựng.  Năm 2008 doanh nghiệp  mạnh dạn chuyển hướng  sản xuất tôn lợp mạ màu, phục vụ cho các công trình nhà ở dân dụng, các cơ quan, đơn vị.

Có lẽ đây là bước ngoặt lớn của doanh nghiệp khi tôn lợp Hưng Hà đã dần dần thay thế tấm lợp proximăng bởi độ an toàn và không gây độc hại. Sản phẩm của công ty nhanh chóng được ưa chuộng trong lúc bấy giờ, doanh thu  tăng dần. Với số vốn ban đầu chỉ  là 200 triệu,  nay con số này đã lên đến 30 tỷ đồng quả là bước nhảy ngoạn mục.

Sản phẩm nào sau thời gian dài cũng phải đổi mới, nâng cấp. Nhận thấy tôn lợp mạ màu có nhiều yếu điểm như hấp thụ nhiệt cao, độ ồn lớn, doanh nghiệp Hưng Hà   đầu tư gần bốn tỷ đồng lắp ráp dây chuyền sản xuất tôn 3 lớp PU chống nóng, chống ồn của Đài Loan. Công nghệ mới còn giúp nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm, giảm 95% độ ồn so với sản phẩm cũ, giá thành cũng hợp lý nên càng được khách hàng tin mua.

Mốc phát triển nữa mà doanh nhân xuất thân từ miền quê Phố Hiến này quyết tâm là  đầu tư trên 35 tỷ đồng để mở thêm năm nhà máy, xưởng sản xuất. Bốn trên năm cơ sở mới nằm  ở Tuyên Quang và một ở Phú Thọ.

Giám đốc Nguyễn Văn  Hà đi kiểm tra chất lượng các sản phẩm trước khi bán ra thị trường

Vùng sâu, vùng xa đâu thiếu tiềm năng

Anh Nguyễn Văn Hà cho biết, hiện nay khách hàng của công ty chủ yếu ở thành phố và các huyện của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh bạn như Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai.  Nắm bắt được tâm lý khách hàng, nhất là những khách hàng tiềm năng ở vùng sâu vùng xa, doanh nhân Nguyễn Văn Hà đã mở  nhà máy và cửa hàng bán sản phẩm xuống tận huyện  để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Anh cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc đưa sản phẩm mới, đa chủng loại hàng hóa phù hợp với  người tiêu dùng chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ của các huyện vùng sâu, vùng xa. Nhờ chất lượng tốt, giá cả phải chăng, chế độ hậu mãi tốt ,sản phẩm của anh đã chiếm lĩnh được thị trường trong tỉnh và tạo niềm tin cho các khách hàng ở tỉnh bạn

Cũng như bất kỳ doanh nhân nào, song hành với thành công cũng là đầy rẫy khó khăn.  Đó là thời anh quyết định bỏ việc làm thuê trong xưởng gỗ sang làm chủ kinh doanh xưởng sản xuất cán thép. Vừa phải có quyết tâm tinh thần lớn, vừa phải chống chọi với khó khăn chung vào thời điểm khủng hoảng kinh tế  và sản xuất cán thép là một nghề mới ở Tuyên Quang. Ngày khởi nghiệp ở vùng đất này chỉ là thị trường nhỏ, không tiêu thụ được sản phẩm.

“Doanh nghiệp luôn làm ra các sản phẩm mới nhưng  thị trường tiêu thụ ở địa phương và các tỉnh lân cận gặp vô vàn khó khăn. Đầu ra hạn chế, nền kinh tế tỉnh nhà nghèo. Chưa kể đầu vào để sản xuất cũng gặp đầy gian lao,  nguyên liệu phải nhập ở xa, giao thông chưa thuận lợi, cước vận tải cao”, Nguyễn Văn Hà ôn lại quá khứ.

Nhân lực lúc bấy giờ  trình độ cơ khí có tay nghề cao rất ít, anh phải từng bước nâng cao tay nghề bản thân và truyền đạt kinh nghiệm cho các công nhân.

 Giám đốc Nguyễn Văn Hà đang hướng dẫn tại xưởng

Chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua không ít khó khăn gặp phải trong quá trình kinh doanh, bản thân anh Hà cho rằng cần luôn luôn học hỏi, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng và áp dụng vào đặc thù của địa phương mình. Điều nữa, luôn từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được uy tín của mình trên thị trường và trong khu vực. Thành công còn do doanh nghiệp của anh đã đầu tư vào các nhà máy, đi sâu vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Tấm tôn lợp của công ty có đặc thù riêng khi được được sản xuất từ mạ kẽm và sơn cao cấp, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.

 Nói về hướng phát triển trong thời gian tới Giám đốc Nguyễn Văn Hà cho biết: “ Chúng tôi sẽ đi sâu vào chất lượng sản phẩm, chất lượng hàng hóa, nâng cao sản lượng cũng như về chất lượng. Bên cạnh đó doanh nghiệp sẽ nâng cao công tác quản lý đưa các phần mềm quản lý vào từng nhà máy, giảm chi phí và nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên”

Đây cũng là điều doanh nhân đất Tuyên Quang này mong muốn về  một chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để nâng cao trình độ quản lý, cũng như việc đào tạo về chuyên môn kỹ thuật đáp ứng ngày càng tốt việc kinh doanh của công ty nói riêng và các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung.
 

 Sản phẩm tôn mạ màu và tôn 3 lớp với diện tích trên 6000m2, trung bình mỗi tháng sản xuất được trên 30.000m2 tôn, phục vụ nhu  cầu người dân ở các huyện thị trong cũng như ngoài tỉnh, doanh thu đạt 30 tỷ/ năm, nộp ngân sách nhà nước từ 300 đến 4000 triệu/ năm. Lương trung bình của cán bộ công nhân viên trong công ty đạt từ 3 đến 5.5 triệu đồng/ tháng.

 Sinh năm 1969 tại Kim Động, Hưng Yên, trong một gia đình thuần nông. Học hết phổ thông trung học, do hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, anh  rời xa gia đình lên Tuyên Quang để lập nghiệp. Trải qua bao nhiêu gian khó, giờ đây Nguyễn Văn Hà đã khẳng định được vị trí của mình trong giới doanh nhân ở tỉnh Tuyên Quang.

Đỗ Trần
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo