Chân dung

Doanh nhân Lê Nhật Cường - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Lê Nhật: Tri thức dẫn đường

(DNHN) Có rất nhiều cách thoát nghèo, để khẳng định bản thân và làm giàu, trong đó con đường học hành tích luỹ tri thức làm nền tảng vượt nghèo khổ là con đường khó đi và đòi hỏi sự kiên trì, vất vả .

Trong quá trình đi tìm hiểu về những gương mặt doanh nhân điển hình, chúng tôi đã may mắn gặp một người như thế. Anh là Lê Nhật Cường - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Lê Nhật.

Đi học lúc nửa đêm


Câu chuyện về anh dần được mở ra khi những dòng suy nghĩ kéo anh về với quá khứ, về những ngày tháng gian khổ nhất của cuộc đời mà nhiều khi nghĩ lại anh vẫn chẳng hiểu tại sao lại có thể vượt qua được.

Anh sinh ra tại vùng Trung du nghèo Vĩnh Lại, Lâm Thao, Phú Thọ. Ngày ấy nhà anh nghèo nhất xã, gia đình lại đông anh, chị, em nên cơm ăn áo mặc còn khó nói chi chuyện học hành. Vậy mà, anh vẫn được đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Bố, mẹ anh một đôi vợ chồng thuần nông nghèo khó vẫn muốn mở ra cánh cửa tương lai cho con cái mình, để chúng con cái có tri thức, để cái nghèo không còn đeo bám đời con cái họ như định mệnh.

Anh bồi hồi kể lại “hồi ấy nhà mình nghèo lắm, ăn uống còn bữa có bữa không, nên làm gì có tiền mua sách học. Vậy là, mình toàn phải học nhờ sách vở của bạn bè. Mỗi người mình mượn một vài cuốn, vậy là đủ một hành trang cho những ngày đèn sách”. Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu leo lét, hình ảnh người học trò nghèo cặm cụi tìm tòi, đọc, viết, tính toán đã trở thành một hình ảnh đẹp trong lòng bà con xã Vĩnh Lại quê anh. Cũng vì quá nghèo, không có tiền đóng học phí nên anh phải tạm nghỉ học một thời gian. Ngày ngày, anh đứng nhìn qua cửa sổ lớp học, chăm chú nghe như nuốt lấy từng lời thầy cô giảng, vậy mà cũng vượt qua được giai đoạn đó.


Lên lớp 7, để trang trải tiền học và giúp đỡ gia đình, anh xin đi vác đá thuê. Đến tận bây giờ, anh vẫn còn nhớ như in những ngày khốn khó ấy, một buổi học, một buổi “vắt sức” vác đá, mệt bã cả người mà vẫn vui. Anh vui vì vẫn được đi học, và việc học với anh là cả một tương lai, một con đường sáng để thoát nghèo.

Rồi anh lên cấp 3, anh kể nhà anh xa trường lắm, những hơn 10km, do vậy ngày nào anh cũng dậy sớm, nhịn đói để đi học cho kịp. Những ngày đó, anh không thấy mệt, không sợ đói, chỉ sợ muộn học. Ngày ấy không có đồng hồ nên cũng không biết giờ giấc, nhiều hôm đi học, lúc đi đến trường mới nhận ra là vừa qua nửa đêm, còn lâu lớp học mới mở, vậy là kiếm tạm đống rơm rạ, vệ đường, ngủ qua quýt chờ trời sáng…

Nghèo khố, cơm không có để ăn, vậy mà anh học vẫn giỏi. Vốn là người thông minh, lại có ý chí gấp đôi người khác, anh được chọn đi thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh Vĩnh Phú và dành giải khuyến khích. Rồi anh thi đỗ vào trường Đại học Thủy Lợi. Anh và cả gia đình mừng lắm, nhưng mừng bao nhiêu thì anh lo bấy nhiêu, bởi nhà anh nghèo thế ăn còn chả đủ lấy đâu tiền học. Cuối cùng anh vẫn chọn đi tiếp con đường anh đã định, xuống Hà Nội, anh vừa đi học vừa làm thêm, làm đủ thứ việc để trang trải cuộc sống và việc học. Đầu những năm 80, khi người em trai xuống nhập học trường Đại học Kinh tế quốc dân anh càng khó khăn hơn, vừa lo cho mình đã khó, anh lại còn lo thêm cho cả em, nhiều bữa anh phải nói dối, nhường cơm cho cậu em trai mình…

Bước trên con đường mới


Vốn là người thông minh, ra trường nắm bắt kỹ thuật rất tốt, lại nhanh nhẹn, hoạt bát, năng động nên sau khi ra trường anh được nhận vào làm kỹ thuật ở rất nhiều nơi… Năm 1996, anh được nhận thẳng vào làm phòng kỹ thuật tại Tổng công ty Sông Hồng. Là một người cần mẫn, giỏi giang lại biết lắng nghe, nên chẳng lâu sau anh được đề bạt chức đội trưởng đội xây dựng, Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng.

10 năm làm việc và cống hiến cho Công ty, anh học được rất nhiều kinh nghiệm, cách quản lý nhân lực, làm chủ khoa học kỹ thuật và phát triển bền vững. Khi thấy mình đã có đủ điều kiện và muốn khẳng định bản thân, một lần nữa, anh xin ra ngoài và thành lập Công ty. Nhờ một nghị lực “thép”, ý chí quyết tâm không biết mỏi và những kiến thức anh đã học và hành trang trên ghế giảng đường cũng như thực tế lao động, anh đã cùng Công ty của mình đi từ khó khăn đến thành công và phát triển vững mạnh cho đến hôm nay.

 

 

Bằng khen Công ty có nhiều thành tích trong phong trào thể dục thể thao

Bây giờ về xã Vĩnh Lại, người ta vẫn còn lưu truyền câu chuyện về nghị lực và quyết tâm học giỏi thoát nghèo, làm giàu của anh cho các con em họ noi theo. Anh không những là tấm gương mà còn là niềm tự hào của các con anh, của gia đình và dòng họ cũng như những người dân hiền lành, chân chất nơi vùng quê trung du nghèo anh đã sinh ra lớn lên.

Anh Nguyễn Đình Uẩn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, Phú Thọ tâm sự “Ở xã tôi rất nhiều người biết anh Cường. Tôi cùng xã và học chung trường từ ngày bé. Nhà Cường tuy nghèo nhưng anh lại chăm chỉ và học rất giỏi. Đến bây giờ tôi còn nhớ rất nhiều câu chuyện kể về con đường vất vả học hành bằng nghị lực, vượt qua khó khăn và có được thành công làm tôi và mọi người rất khâm phục. Hiện tại anh đang là chủ một doanh nghiệp nhưng con người anh vẫn như ngày xưa sống thành thật, hòa đồng, tình nghĩa hay giúp đỡ mọi người…”

Cuộc sống thành đạt và có một gia đình hạnh phúc nhưng trong anh vẫn luôn nhớ về nguồn cội, trong khả năng của mình anh đã ủng hộ việc làm từ thiện ở địa phương, đặc biệt anh đã đứng lên đầu tư và kêu gọi xây dựng con đường làng, nơi anh ngày ngày đi học khi còn thơ ấu nay khang trang, sạch sẽ. Hôm nay bước đi trên con đường mới, trong anh ngập tràn những kỷ niệm ngày xưa, về một thời gian khổ, một thời cắp sách đến trường. Và ngày mai, cũng trên con đường này, sẽ có hàng ngàn ước mơ nữa, cũng giống như anh, chắp cánh bay lên và thoát nghèo bằng con đường học vấn.

 

 

Nguyễn Duyên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo