Doanh nhân người Việt mua thị trấn Mỹ để làm gì?
Ông Phạm Đình Nguyên - tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế - cho biết vẫn chưa hết hạnh phúc khi trở thành người Việt đầu tiên sở hữu “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ”.
Sau khi thắng cuộc tại buổi đấu giá thị trấn Buford (bang Wyoming, Mỹ), ông Nguyên cho biết đã được bí mật dẫn ra cửa sau của nhà đấu giá, nhanh chóng lên xe rời khỏi thị trấn nên tên tuổi của ông không xuất hiện nhiều, dù có hơn 50 phóng viên của các hãng thông tấn địa phương “phục kích” sẵn.
Cuộc đấu “cân não” căng thẳng
Khoảng hai giờ trước khi đấu giá (12g), ông Nguyên cho biết nhà cũng như tất cả những hạng mục đấu giá liên quan (xe cộ, trang thiết bị) được mở cho khách đấu giá xem tình trạng sử dụng.
“Chưa bao giờ Hãng đấu giá Williams & Williams có trụ sở tại bang Oklahoma tung hết lực lượng như vậy. Họ còn tổ chức êkip ghi hình, phỏng vấn từng người đấu giá” - ông Nguyên nói.
Buổi đấu giá tổ chức ngoài trời, bên ngoài cửa hàng tiện lợi nên Williams & Williams còn thuê thêm bốn chuyên viên đấu giá khác đứng bốn góc, không rời mắt khỏi 20 người tham gia đấu giá cùng với những người đi theo.
Thông thường tại các buổi đấu giá sẽ ít thấy chủ nhà đến tham dự, nhưng trong cuộc đấu giá này, ông Don Sammons - “thị trưởng” của Buford - đã đến từ rất sớm. “Lúc biết tôi đến từ Việt Nam, nơi mà ông Don Sammons từng đến vào những năm 1969-1970 khi tham gia quân đội Mỹ, ông đã vui ra mặt...” - ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, chi tiết này đã làm kết quả đấu giá trở thành “câu chuyện đẹp”, được báo giới hỏi rất nhiều khi một cựu binh Mỹ đã trao lại chức “thị trưởng” cho một người Việt!
Ông Phạm Đình Nguyên đã có bảy năm kinh nghiệm làm việc tại Coca-Cola Việt Nam với các vị trí khác nhau trong bộ phận phát triển kinh doanh và tiếp thị thương mại. Sau đó chuyển sang làm cho Nokia Việt Nam trong hai năm trước khi giữ vị trí phó tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Hàng gia dụng quốc tế. Gần đây nhất, ông Nguyên giữ vị trí giám đốc toàn quốc kênh hiện đại cho Tập đoàn Kinh Đô, trước khi chuyển ra thành lập Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế. |
Khởi điểm với 100.000 USD, ông Nguyên kể lại, giá sau đó bắt đầu được nâng lên 150.000, 200.000, rồi 250.000... Đến mức giá 600.000 USD, nhiều người tham gia đã bỏ cuộc. Khi giá nâng lên 750.000, chỉ còn ông Nguyên và một người đấu giá online (thông qua điện thoại di động). Lúc này, cuộc đấu tay đôi căng thẳng với từng bước giá 10.000-15.000 USD, do ai cũng muốn được sở hữu Buford, thị trấn lâu đời thứ hai tại bang Wyoming.
“Người đấu giá online chỉ bỏ cuộc khi giá được nâng lên 900.000 USD, tôi chỉ biết mình chiến thắng khi người điều khiển đấu giá tiến đến và hét lớn: Chúc mừng” - ông Nguyên thuật lại.
“Trái đất tròn”
Đây là lời ông Don Sammons nói với ông Nguyên sau khi kết thúc cuộc đấu giá. “Don Sammons nói với tôi rằng ông vừa vui vừa buồn. Nhưng vui nhiều hơn vì đây là điều ông ấy muốn, dù gì cũng đã sống ở đây nửa đời người. Ông còn hứa sẽ sang thăm Việt Nam nữa” - ông Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyên còn cho biết theo quy định, trong 30 ngày kể từ ngày đấu giá nếu người thắng cuộc không thanh toán phần còn lại của số tiền thì sẽ mất khoản tiền đặt cọc 10%. “Vì vậy, sẽ không có chuyện đấu giá “chơi cho vui” hoặc lấy tiếng như ở Việt Nam xong “bỏ của chạy lấy người” - ông Nguyên nói.
Theo tài liệu đấu giá do Williams & Williams cung cấp cho ông Nguyên, lợi nhuận đem lại cho ông Don Sammons trong năm 2011 là 150.000 USD, chủ yếu đến từ cửa hàng tiện lợi, trạm xăng, tiền thuê trạm điện thoại và tiền đặt các hộp thư bưu điện của chính phủ.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết chỉ mới có hơn 10 ngày để quyết định chuyện này, từ lúc đọc tin rao đấu giá trên báo mạng nên chưa có kế hoạch gì đối với thị trấn này.
“Thú thật, tôi chỉ xem Buford như là một phần của nước Mỹ, một thị trường lớn và nhiều tiềm năng cho hàng Việt Nam. Buford có thể sẽ là một showroom giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu Việt Nam, cùng với những mặt hàng hiện đang bán trong cửa hàng 200m2 này!” - ông Nguyên nói.
Theo DT
End of content
Không có tin nào tiếp theo