Chân dung

Doanh nhân Nguyễn Lan Vy: Chọn nghề không dễ kiếm tiền

Nghe chị nói, thấy chị cười, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ có dáng vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát ấy lại rất mạnh mẽ, bản lĩnh chọn con đường lập nghiệp không ít chông gai, thử thách đó là khôi phục và phát huy nghề làm đèn lồng truyền thống. Câu ví von chị là thiên sứ giữ lại vẻ đẹp dân tộc có lẽ không phải quá lời.

Doanh nhân Nguyễn Lan Vy

Chị là Doanh nhân Nguyễn Lan Vy – Chủ cơ sở sản xuất đèn lồng Cố Đô ở 26 Phạm Tu, phường Hương Long, TP.Huế.

Bằng chất giọng dịu dàng, đậm chất Huế làm xao lòng người đối diện, chị Lan Vy kể cho tôi câu chuyện về xuất xứ của chiếc đèn lồng. Và tôi được biết lễ hội đèn lồng bắt nguồn từ năm 206 trước Công nguyên đến năm thứ 25 sau Công nguyên. Thời ấy, đạo Phật rất phát triển. Vào ngày trăng tròn của tháng Âm lịch đầu tiên trong năm mới, các nhà sư thường thắp đèn lồng để cầu Phật. Một vị vua sùng đạo Phật thấy vậy đã ra lệnh thắp sáng đèn lồng trong cung điện và các đền thờ để tỏ lòng tôn kính Đức Phật.

Về sau, truyền thống trên đã phát triển thành lễ hội lớn trong dân chúng. Người ta thường treo đèn lồng để thay cho lời cầu ước một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống hạnh phúc. Đèn lồng cũng du nhập và trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Vẫn giọng nói truyền cảm, chị chia sẻ về những thăng trầm của thương hiệu đèn lồng Cố Đô. Mặc dù đây là nghề gia truyền của dòng họ, ông nội của gia đình từng tham gia làm đèn lồng trang trí trong cung đình Huế nhưng cũng có lúc nghề làm đèn lồng “ngủ im” theo sự lãng quên của thời gian cùng những tất bật xô bồ của cuộc sống hiện đại.

Thời điểm anh em trong gia đình chị cùng quyết tâm khôi phục và phát triển nghề truyền thống cũng là lúc thị trường xuất hiện nhiều loại đèn lồng ở các nơi khác và cả Trung Quốc tràn về. Người xưa đã nói “Vạn sự khởi đầu nan”, không có con đường nào chỉ trải hoa hồng, không phải công việc gì cũng thành công ngay từ khi bắt đầu, đặc biệt là kinh doanh. Chị cũng không phải là ngoại lệ.

Tự công nhận chọn cho mình công việc khôi phục nghề truyền thống vốn đối diện với rất nhiều khó khăn mà không phải là nhiều nghề khác dễ “kiếm tiền” hơn, chị cho rằng niềm đam mê và lòng nhiệt huyết với nghề đã giúp chị có đủ niềm tin và sức mạnh.

Là con dân người Huế, luôn muốn làm điều gì đó để giữ lại nét truyền thống của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng bởi truyền thống đã bị mai một nhiều, chị ấp ủ niềm tin một ngày không xa, đèn lồng Huế sẽ đi khắp đất nước ta và khắp nơi, để thế giới biết đến sản phẩm truyền thống rất đẹp, tinh hoa này.

Vượt qua những tháng ngày “ba chìm, bảy nổi”, đến nay thương hiệu đèn lồng Cố Đô đã có chỗ đứng trên thị trường. Không ngừng cải tiến mẫu mã, dựa vào nhu cầu, thị hiếu, không gian trang trí để tạo sự mới lạ, phù hợp, tạo nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm là vấn đề sống còn của một thương hiệu. Nhờ có sự vận dụng hài hòa những bí quyết cha ông truyền lại cùng sự nhanh nhạy, sắc bén đó mà cái tên đèn lồng Cố đô dần được biết đến nhiều hơn và chinh phục thị trường khó tính.

Mẫu đèn Long, Lân, Quy, Phượng của Cơ sở đèn lồng Cố Đô.

Từ sản xuất thủ công nhỏ lẻ, ký gửi ở một số điểm du lịch, đến nay đèn lồng Cố Đô đã có mặt tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang….Thời gian gần đây, đèn lồng Cố đô xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo. Tuy mỗi đợt chỉ từ 300-500 chiếc nhưng đây cũng là tín hiệu vui cho cơ sở cũng như nghề sản xuất đèn lồng truyền thống tại TP.Huế. Đó cũng là điều khiến chị thêm tin tưởng vào sự lựa chọn của mình.

Đèn lồng Cố Đô được nhiều du khách đánh giá cao không chỉ bởi mẫu mã đẹp, đa dạng mà còn bởi chất lượng, có thể sử dụng lâu dài, chịu được mưa gió vì được làm từ vải gấm, lụa tơ tằm và loại gỗ thông đẹp được phơi khô, chạm trổ hoa văn tất cả đều được làm thủ công rất tinh xảo.

Những chiếc đèn lồng mang đặc trưng xứ Huế với những hoa văn, họa tiết chạm trổ trên khung, in trên vải là hình rồng, kiến trúc cung đình Huế, các lăng tẩm, chùa chiền có mặt ở khắp nơi trên mọi miền đất nước Việt Nam, từng góc quán quen cho tới các công trình kiến trúc hiện đại. Trong không gian đẹp ấy, người ta có thể đắm chìm vào dòng cảm xúc, để tâm hồn mình được bay bổng về một xứ Huế tinh hoa, cổ kính và đầy mộng mơ.

Thuộc phái “chân yếu, tay mềm”, nhưng chị đã chứng minh thuyết phục rằng, phụ nữ khi bước ra thương trường vẫn mang lại hiệu quả kinh doanh không kém nam giới, thậm chí còn thuận lợi hơn do biết vận dụng linh hoạt giữa nhu và cương, nhạy bén, thông minh trong xử lý mọi tình huống.

Kinh doanh giúp chị có cơ hội khẳng định bản thân, có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Kinh doanh cũng đem lại cho chị tiền bạc và các mối quan hệ xã hội hữu ích, được đi nhiều nơi, mở rộng tầm nhìn. Những điều tốt đẹp khiến chị say mê, cống hiến, dù công việc đó đã phần nào lấy đi thời gian và tuổi trẻ. Hạnh phúc riêng tư đến với chị có đôi chút chậm lại nhưng tôi tin rằng, chị sẽ tìm thấy một nửa vẹn toàn chữ Tài, chữ Đức, là điểm tựa mang bình an và song hành cùng chị trên con đường chinh phục những đỉnh cao.

 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo