Doanh nhân Phan Thị Châm: “Bông lúa vàng" của quê hương năm tấn”
Đó là doanh nhân Phan Thị Châm - người con gái của quê hương năm tấn Thái Bình.
Người phụ nữ giản đơn
Trước mắt chúng tôi không còn là hình ảnh của một nữ doanh nhân tài ba trên thương trường nữa mà là một người phụ nữ của gia đình mộc mạc và chân thành trong từng câu nói, từng cử chỉ hành vi. Câu đầu tiên bà chia sẻ với chúng tôi: Hạnh phúc đối với một nữ doanh nhân thành đạt không có nghĩa là vợ chồng phải dắt tay nhau dạo phố, đi bên cạnh nhau trong mọi cuộc vui, mọi chặng đường, mà đôi khi chỉ là sự quan tâm, chia sẻ rất đời thường hằng ngày. Là người phụ nữ dù ở bất cứ nơi nào vẫn phải giữ cái đạo của người làm vợ, làm mẹ, không “đứng núi này, trông núi nọ”, phải tìm ra những điểm tốt của nhau để mà thương yêu, kính trọng, chấp nhận những điểm chưa tốt để mà dung hòa. Vợ chồng đôi khi cũng có lúc va chạm, lúc không hiểu nhau. Nhưng nhất thiết phải có ý thức giữ gìn hạnh phúc phải trân trọng nhau thì mới mong có sự gắn kết lâu dài.Với bà Châm gia đình hạnh phúc là chính, nên mỗi chủ nhật gia đình bà đều có thói quen quây quần bên nhau và giữ một nguyên tắc nhất định: không bàn công việc.
Gia đình và Công ty bánh kẹo Bảo Hưng của bà được thiết kế gọn và đẹp mắt trong cùng khuôn viên hơn 10.000 m2, có vị thế rất đẹp nằm ngay góc đường giữa hai mặt phố của vành đai cao tốc Thái Bình. Từ những năm 90, cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống mang tên vợ chồng bà: Bảo Châm đã ra đời. Đến năm 2004, bà Châm mới thành lập công ty bánh kẹo Bảo Hưng, lấy tên con trai cả của bà.
Trao đổi với phóng viên, bà Châm bồi hồi nhớ lại từ năm 1990-2004, khi cơ sở bánh kẹo của vợ chồng bà chỉ chuyên sản xuất bánh kẹo truyền thống như bánh cáy, kẹo vừng , kẹo bi, kẹo trứng chim…nhưng thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi, nhu cầu cũng nâng cao hơn. Trăn trở mãi , bà mạnh dạn cho ngừng sản xuất bánh kẹo truyền thống và chuyển sang bánh kẹo cao cấp hơn, chất lượng tương đương với các loại bánh kẹo của các công ty lớn nhưng giá thành lại phù hợp với người tiêu dùng. Hầu hết các nguyên liệu sản xuất bà đều nhập ngoại như: dầu ăn phần lớn của Indo, hương liệu của Pháp, bơ của Mỹ, sữa của Newzeland, đường của Lam Sơn, bột mỳ của nước ngoài. Ngoài ra trứng gà, lạc, ngô, khoai, gấc của Thái Bình. Nhờ vậy, Công ty Bảo Hưng dần lấy lại được thị phần không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận.
Chèo lái con thuyền vượt qua sóng cả
Anh Đào Đức Hưng (1986) - con trai cả trong ba con trai của bà Châm chia sẻ: Năm 2007, công ty gặp một biến cố lớn. Toàn bộ máy móc và lô hàng bị hư hỏng nặng. Công ty có nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản. Bà Châm tưởng chừng như gục ngã và bỏ cuộc. Nhiều người đã khuyên bà chuyển nhượng công ty, nhưng bà không nghe và vẫn quyết tâm chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. Chính vì sự hiếu thảo của con trai cũng như sự động viên của gia đình, bạn bè, bà Châm đã không bỏ cuộc. Bà không muốn sự nỗ lực hy sinh của các thành viên trong gia đình bị uổng phí. Bà tâm sự: "Tôi thật sự là người may mắn và hạnh phúc vì có rất nhiều bạn tốt, người chồng tốt và những đứa con ngoan. Khi tôi gặp biến cố, chính bạn bè đã giúp đỡ, cho tôi vay mượn tiền để vượt qua khó khăn tưởng chừng như không thể này. Đúng như các cụ nhà ta đã nói "giàu vì bạn…". Tôi vô cùng biết ơn và trân trọng tất cả những người bạn đã sát cánh cùng tôi vượt qua sự khủng hoảng để tôi có được ngày hôm nay.".
Hiện Công ty bánh kẹo Bảo Hưng đã trở thành một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái bình, là một công ty có uy tín trong giới kinh doanh, sản phẩm đa dạng, cạnh tranh một cách quyết liệt với các hãng bánh kẹo có thương hiệu trên thị trường. Năm 2013, công ty đã bán ra thị trường hơn 1.000 tấn sản phẩm. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, công ty đã bán hơn 600 tấn sản phẩm. Và thị trường tiêu thụ đã vươn xa đến hơn 40 tỉnh thành. Trong đó, miền bắc chiếm 50%, miền trung 30% và miền nam là 20%. Các loại sản phẩm của công ty được người tiêu dùng ưa chuộng như: Bánh quy, bánh trắng, thạch rau câu, kẹo mềm, kẹo cứng, kẹo xốp, nước ngọt…Giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với mức lương hơn 3 triệu/tháng. Vào vụ mùa, số lượng người lao động lên tới 300 người. Có những người đã gắn bó với công ty đến 24 năm.
Bà Châm cho hay: Để thành công trên lĩnh vực nào đó, đều đòi hỏi người đó phải có sự đam mê và cống hiến hết mình. Đối với nữ thì công việc này lại càng khó khăn hơn bao giờ hết nhất là lĩnh vực kinh doanh đầy “cạm bẫy”. Bà chia sẻ: Tôi rất khắt khe với từng sản phẩm của mình, sản phẩm của tôi phải tuyệt đối an toàn về sinh thực phẩm( ATVSTP). Cứ 6 tháng tôi lại cho công nhân khám sức khỏe và đào tạo về ATVSTP một lần. Mỗi loại sản phẩm trước khi bán ra thị trường tôi đều tự tay kiểm tra lại chất lượng cuối cùng để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải hoàn hảo nhất.
Người từ thiện âm thầm
Nhắc đến bà Châm là người ta nhắc đến một nhà từ thiện âm thầm và lặng lẽ. Là người đã trải qua tận khổ nên bà hiểu hơn ai hết thế nào là “một miếng khi đói…” nên khi thành công, bà luôn muốn sẻ chia cho những số phận bất hạnh hơn theo đạo lý “lá lành đùm lá rách…”. Bà luôn âm thầm làm công tác xã hội và từ thiện cho các nạn nhân chất độc màu da cam, người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Bà cho rằng đó cũng là trả ơn đời và gieo hạt thiện tâm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo