Môi trường

Doanh nhân Việt Nam tích cực hưởng ứng chiến dịch giảm cầu sừng tê giác

“Tôi rất buồn khi biết rằng Việt Nam bị xếp vào một trong những địa điểm sử dụng sừng tê giác nhiều nhất trên thế giới”.

Các doanh nhân khi tham dự buổi Tọa đàm “Doanh nhân với chiến dịch giảm cầu sừng tê giác”, ngày 1/4 tại Hà Nội

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Nghĩa Ninh, Giám đốc công ty xây dựng FLC, sau khi tham dự buổi Tọa đàm “Doanh nhân với chiến dịch giảm cầu sừng tê giác” do Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và tổ chức Humane Society International tổ chức” ngày 1/4/2014, tại Hà Nội

PV: Xin ông cho biết, trước đây khi chưa tham dự các chương trình nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác ông hiểu gì về vấn đề này?

Ông Hoàng Nghĩa Ninh: Trước đây theo quan niệm của người Việt Nam nói chung tôi cũng nghĩ rằng sừng Tê giác là một bài thuốc dân gian quý báu. Nó có thể giúp con người tăng cường sức khỏe và có thể chữa trị được các bệnh nan y.

Với lại trước đây chưa có một nghiên cứu khoa học nào ở Việt Nam chứng minh rằng sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh. Các văn bản pháp luật cũng chưa rõ ràng, cho đến thời gian gần đây chúng tôi mới được tiếp cận. Thế nên thật sự mà nói chúng tôi cũng không mấy quan tâm đến các chương trình này, những người nào có nhu cầu thì họ vẫn mua. Không phải đại đa số người dân nhưng một số người có điều kiện và tin rằng sừng tê giác có công dụng thần kỳ như vậy thì người ta vẫn cứ có nhu cầu.  

PV: Sau khi tham dự Tọa đàm “Doanh nhân với chiến dịch giảm cầu sừng tê giác” thì quan điểm của ông về vấn đề này đã thay đổi như thế nào?

Ông Hoàng Nghĩa Ninh: Tôi thì thực sự chưa từng sử dụng sừng tê giác, tuy nhiên, thú thực, nếu không tham gia buổi tọa đàm hôm đó thì có thể một ngày nào đó có thể tôi sẽ mua vì cứ nghĩ rằng nó là có công dụng tốt như vậy. 

Tuy nhiên, mặc dù bây giờ tôi đã biết tác dụng của sừng tê giác không khác gì móng tay con người nhưng nhiều bạn bè doanh nhân của tôi chưa biết đến. Mà doanh nhân, chủ các doanh nghiệp thì vấn đề kinh tế để có thể mua sừng tê giác không phải là khó. Vì vậy tôi nghĩ rằng các chương trình truyền thông tương tự cần tăng cường nhiều hơn nữa.

Trước đây, chúng tôi không quan tâm và thật sự chúng tôi cũng không có thời gian để quan tâm đến tình trạng sát hại loài tê giác ở các nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Từ khi tham gia buổi tọa đàm, được xem các đoạn clip về các loài tê giác bị giết hại để lấy sừng tôi thấy thật dã man và tình trạng thật đáng báo động. Tôi rất buồn khi biết rằng Việt Nam bị xếp vào một trong những nước sử dụng sừng tê giác nhiều nhất trên thế giới.

PV: Sau khi tham dự các chương trình truyền thông về giảm cầu sừng tê giác tại Việt Nam anh đã có những hành động gì thiết thực góp phần bảo vệ loài tê giác?

Ông Hoàng Nghĩa Ninh: Sau khi tham dự buổi Tọa đàm “Doanh nhân với chiến dịch giảm cầu sừng tê giác” tôi đã nhận một số tài liệu tuyên truyền về vấn đề giảm cầu sừng tê giác ở Việt Nam về phát cho các nhân viên của tôi trong công ty để họ tham khảo.

Công ty cũng đã tổ chức một cuộc chia sẻ  thông tin và quy định pháp luật cho các cán bộ, nhân viên và quán triệt nhân viên không mua, bán, sử dụng sừng Tê giác. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người hiểu hơn về tác hại của việc sử dụng sừng tê giác.

PV: Theo ông chúng ta cần làm gì để ngăn chặn tình trạng buôn bán và sử dụng sừng tê giác một cách tối nhất?

Ông Hoàng Nghĩa Ninh: Theo tôi, tuyên truyền là một biện pháp tốt và cần tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa vì hiện nay vẫn còn nhiều người chưa biết hoặc chưa quan tâm đến vấn đề này.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng chính phủ cần có biện pháp mạnh tay hơn và cụ thể hơn mang tính răn đe đối với những đối tượng buôn bán sừng tê giác.

PV: Xin cảm ơn ông!

 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo