Chân dung

Sếp HATIKA TRAVEL: Môi trường du lịch được quản lý chặt chẽ, minh bạch đã là một chính sách rất tốt rồi!

DNVN - Theo anh Nguyễn Văn Quý, Giám đốc HATIKA TRAVEL, mỗi doanh nghiệp du lịch có những mục tiêu và khó khăn khác nhau nên chính sách để hỗ trợ chung là rất khó. Với HATIKA chỉ cần môi trường hoạt động du lịch được quản lý chặt chẽ, minh bạch thì đó cũng đã là một chính sách rất tốt rồi.

“Chàng trai Sáo trúc” Nguyễn Lê Hoàng Nhân và khát vọng nâng tầm tre Việt / Tập đoàn Công nghệ CMC bổ nhiệm Quyền Tổng giám đốc mới

Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng anh Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty CP HATIKA Travel Hồ Chí Minh, anh cũng là Phó Chủ nhiệm CLB Du lịch thông minh HCM (SMART TOURISM CLUB), Phó Chủ tịch BNI OWNERSHIP CHAPTER, để hiểu thêm về doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.

Thưa anh Nguyễn Văn Quý, trong thời gian qua, ngành du lịch chịu tổn thương nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới, một doanh nghiệp trẻ như HATIKA – HATIKA Travel Hồ Chí Minh, câu chuyện tổn thương là câu chuyện khó thoát khỏi. Anh có thể chia sẻ những khó khăn mà công ty anh gặp phải trong giai đoạn Covid-19 bùng phát và hiện nay?

Anh Nguyễn Văn Quý: Khi Covid-19 diễn ra thì HATIKA TRAVEL cũng như các doanh nghiệp du lịch khác gặp các vấn đề khó khăn như: khách hủy hàng loạt tour (bao gồm tour nội địa và tour quốc tế) và các dịch vụ khác như đặt phòng, vé máy bay.

Khó khăn thấy rõ nhất là HATIKA mất thanh khoản, do dòng tiền hoàn về thì phải đợi, mà dòng tiền trả khách hàng thì phải giải quyết liền. Các nhân sự phải làm việc nhiều hơn để xử lý các dịch vụ này. Điều quan trọng nhất là phải vừa xử lý và vừa đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, tôi nghĩ đó là vẫn đề khó khăn thiệt hơn mà doanh nghiệp du lịch phải cân nhắc vì liên quan tới sự tồn vong và thiệt hại của doanh nghiệp.

Vậy để tồn tại và duy trì doanh nghiệp, với cương vị một giám đốc như anh, anh phải chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua giai đoạn “thác ghềnh” như thế nào?

Tới tháng 4/2020, vấn đề nghiêm trọng hơn khi thực hiện giãn cách toàn xã hội, doanh thu các mảng gần như không còn và HATIKA bắt đầu cảm nhận khó khăn thực thụ. Cập nhật các thông tin báo chí trong nước và quốc tế thì dịch bệnh có thể thể diễn ra trong thời gian dài…

Nhờ tiếp cận được qua đọc sách và qua các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, tôi thấy cần phải tìm cách sống chung với thời khủng hoảng chứ không thể ngồi đợi nó qua đi. Do đó HATIKA chọn mở thêm dịch vụ mới để có công việc cho các bạn nhân viên làm. Khi đó, để có tiền vốn cho phương án này tôi phải chấp nhận bán đi 1 căn nhà mà mình đang ở, để có vốn đầu tư và nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ phù hợp với gian đoạn này. Sau khi tìm hiểu thì tôi thấy các sản phẩm nhu yếu phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẻ có nhu cầu nhiều và tôi chính thức thành lập thêm HATIKA SHOP.

Những sản phẩm đầu tiên mà HATIKA SHOP hướng tới là giấy vệ sinh sản phẩm có thời gian sử dụng lâu, dễ vận chuyển và là nhu yếu phẩm dùng hàng ngày và đông trùng hạ thảo là loại thực phẩm chức năng đang được dùng rất nhiều để tăng cường sức đề kháng, tăng hệ miễn dịch. Về giấy, thì tôi nhờ sự giúp đỡ của một anh bạn từ thời đại học có nhà máy sản xuất giấy, HATIKA đã đặt hàng gia công thương hiệu giấy riêng của mình và hiện đã có mặt ở 10 tỉnh thành thông qua hệ thống bándịch vụ của HATIKA TRAVEL cũ và bán online ở phạm vi toàn quốc.

Việc mở HATIKA SHOP giải quyết được 2 vấn đề: Một là có việc làm cho các bạn nhân viên các mảng khác, giữ nhân viên ở lại và có thêm thu nhập để trang trải chi phí cho công ty, vì nguồn thu nhập hiện tại đã đóng băng. Ngoài việc mở mảng mới thì song song với cắt giảm chi phí về nhân sự (giảm lương 30-50% lương) và tối ưu các chi phí khác. Với may mắn của HATIKA, từ năm 2015 HATIKA đã bắt đầu tối ưu rất nhiều chi phí cố định của doanh nghiệp như chi phí về mặt bằng, chi phí về nhân sự (áp dụng phần mềm). Đặc biệt là chúng tôi cho nhân sự làm việc online ở nhà từ rất lâu trước khi có dịch, có những phòng làm việc online 100% (Như phòng Booker), phòng kế toán (50%)… nên chi phí cơ bản của doanh nghiệp đã được rút gọn và rất linh hoạt.

Anh Nguyễn Văn Quý - Giám đốc HATIKA TRAVEL.

Cho tới hiện tại sau 8 tháng triển khai thì HATIKA đã chính thức vượt qua được cả hai giai đoạn khó khăn diễn ra dịch trong nước và cũng đã có những thành quả nhất định. Mảng lữ hành, nhờ duy trì được bộ máy nhân sự, tính tới hết tháng 11 doanh thu bằng 83% năm 2019, và lợi nhuận bằng 88 % năm 2019 (trừ thời gian đóng băng thì thời gian hoạt động chỉ 7 tháng so với 12 tháng của năm 2019). Nghĩa là hiệu suất và hiệu quả kinh doanh của chúng tôi còn cao hơn cả năm 2019. Mảng vé máy bay, tới tháng 11 thì đã khôi phục được 100% doanh số so với cùng kỳ của năm 2019 (theo tháng) và đã lên kế hoạch chuẩn bị cho năm 2021. Mảng Shop cũng đã mang lại những nguồn thu nhất định đủ để duy trì bộ máy hoạt động và đang tăng cường bổ sung thêm sản phẩm để phát triển mạnh hơn trong năm 2021. Và trong khó khăn chúng tôi đã có những kế hoạch và chiến lược vượt vũ môn ngoạn mục.

Trở lại câu chuyện doanh nghiệp du lịch, trong giai đoạn hiện nay, câu chuyện kích cầu luôn được nhắc đến, vậy công ty của anh đã có chiến lược gì?

Câu chuyện kích cầu du lịch để khách hàng quay trở lại sử dụng là điều tốt, nhưng tôi nhận thấy việc này vẫn chưa phát huy hết tác dụng của nó. Ở HATIKA thì không quan tâm tới các sản phẩm kích cầu trên thị trường, mà chúng tôi tìm hiểu để tạo ra các sản phẩm mới, mang tính mới mẻ độc, lạ mà khách hàng sẵn sàng sử dụng. Ví dụ, như các sản phẩm City Tour mà HATIKA tạo ra ở ngay TP.Hồ Chí Minh nơi có rất nhiều công ty chưa có sản phẩm này.

Tôi nhận thấy, với tình hình chung hiện nay, câu chuyện kích cầu nhưng gắn với bài toán an toàn. Đây có phải là bài toán rất khó cho các doanh nghiệp làm du lịch?

Đúng rồi, để vừa khuyến khích khách đi du lịch mà lại phải vừa an toàn thì rất khó, vì khách nếu chưa yên tâm thì họ sẽ sợ di chuyển. Câu hỏi thay vì gặp rủi ro về sức khỏe thì họ ở nhà còn hơn, hoặc kiếm các địa điểm gần hoặc tự đi riêng lẻ.

Nên sau dịch doanh nghiệp du lịch sẽ ảnh hưởng một phần do hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Tuy nhiên, với doanh nghiệp du lịch thì kể cả khi Covid-19 chưa xảy ra thì việc an toàn cho khách vẫn luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu, ngoài làm cho khách yên tâm, thì phải làm cho khách vui nữa. Khách vui và có nhiều cảm xúc thì khách sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Trong từng giai đoạn thích hợp, mỗi quốc gia, hay mỗi ngành đều có những chiến lược riêng. Đối ngành du lịch, câu chuyện chiến lược và định hình chiến lược riêng cũng vậy, và công ty cũng vậy? Công ty của anh đã có chiến lược riêng để chuẩn bị tung quân ngay khi Việt Nam chúng ta có vắc xin phòng chống Covid-19?

Với mỗi doanh nghiệp thì đều có chiến lược và mục tiêu cụ thể, coi đó là kim chỉ nam trong mỗi hoạt động. Với HATIKA Travel, khi dịch diễn ra thì cũng phải thay đổi theo để phù hợp. Như chúng ta đã thấy, khách hàng đã chuyển qua du lịch tự túc nhiều (chỉ sử dụng riêng lẻ các dịch vụ) và các loại hình du lịch mới được hình thành như đi Treking, Du lịch về sức khỏe (tour yoga), môi trường (tour kèm các hoạt động cộng đồng)…

Chiến lược của HATIKA Travel đầu tiên đó là áp dụng công nghệ, từ việc book dịch vụ cho tới xử lý dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Trong tháng 9 và 10 thì HATIKA Travel đã chuẩn bị xong phần này. Hiện tại HATIKA đã mở rộng được sự hiện diện ở Hà Tĩnh, Vinh, Hà Nội. Trong năm tới thì tiếp tục ở các địa phương như Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang, Buôn Ma Thuột…và nhiều địa phương khác nếu tình hình ổn định và du lịch phát triển.

Tại các địa phương thì HATIKA Travel cũng chuẩn bị cho cung cấp dịch vụ 2 chiều, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho khách tại địa phương này, đi địa phương khác và mang khách từ nơi khác tới địa phương đó. Tới hiện tại thành viên online của HATIKA đã có mặt ở 44/64 tỉnh thành phố trên cả nước, đây sẽ là lợi thế rất lớn về kênh bán hàng của HATIKA so với các doanh nghiệp du lịch khác.

HATIKA Travel đặt ra câu hỏi ở trong giai đoạn này đó là tốc độ, ngoài chất lượng thì quan tâm tới tốc độ từ báo giá cho tới dịch vụ nếu làm tốt thì sẽ nắm ưu thế trong việc cạnh tranh với các đơn vị còn lại. Ví dụ: Để báo giá 1 đoàn từ 20 khách trở lên, các đơn vị hiện tại cần 1 buổi hoặc 1 ngày, nếu HATIKA có thể làm trong 1 tiếng hoặc 30 phút thì thay vì mỗi ngày báo được 1 đoàn thì có thể báo được hàng chục đoàn như vậy tỉ lệ thành công 1 ngày sẽ tăng lên.

Tôi nhận thấy, trong giai đoạn hiện nay, câu chuyện chuyển đổi số sẽ là bài toán mỗi doanh nghiệp cần giải, vì chuyển đổi số tiết kiệm nhân lực và tiền bạc. Công ty của anh đã có chiến lược cụ thể để chuyển đổi số?

Về chuyển đổi số thì tới nay có thể xem là ưu thế của HATIKA Travel so với các doanh nghiệp khác. Năm 2014 - 2015, nhận thấy cần phải có phần mềm để xử lý một khối lượng khổng lồ trong mảng vé máy bay, HATIKA đã đặt hàng 1 đơn vị để viết riêng cho HATIKA, nhờ hệ thống này mà HATIKA đã cung cấp dịch vụ tốt hơn với các doanh nghiệp cùng thời kỳ, không những thế còn tiết kiệm được rất nhiều nhân lực. Với doanh số tương đương ở một công ty truyền thống sẽ mất từ 10-15 nhân sự để xử lý thì HATIKA chỉ mất 4-5 nhân sự cho việc này (tiết kiệm đc 50-70% chi phí nhân sự).

Năm 2018 thì HATIKA bắt đầu tham gia mảng lữ hành (HATIKA TRAVEL) thì đã có sẵn các công cụ để khách hàng có thể book phòng, book vé, book xe, book tour trực tiếp trên website. Và tới hiện tại thì HATIKA cũng đã sử dụng phần mềm để xử lý tích hợp các công việc của một điều hành từ khâu báo giá, tới khâu hoàn tất và hạch toán của mỗi sản phẩm. Việc sử dụng những hệ thống này sẽ giúp HATIKA xử lý được một khối lượng công việc nhiều với một số ít nhân sự. Ví dụ, 1 nhân sự có thể xử lý 5 -10 booking đoàn/1 ngày, kế toán cũng theo dõi và thanh toán kịp thời các dịch vụ và hạch toán tour một cách nhanh chóng.

Sau khi áp dụng cho HATIKA thì tôi nhận thấy cần chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều doanh nghiệp trong ngành nhiều hơn, để càng ngày có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ và thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Đó cũng là lý do mà SMART TOURISM CLUB (STC) ra đời. Nơi đây tập trung các Startup công nghệ về du lịch tập hợp lại từ cuộc thi HIST 2018 của Sở Du lịch và Sở KHCN TP.HCM phối hợp tổ chức. Hiện tại STC là một doanh nghiệp xã hội với mong muốn đóng góp và chia sẻ về công nghệ cho các doanh nghiệp du lịch trong nước, 100% lợi nhuận từ doanh nghiệp này sẽ được tái đầu tư vì mục đích xã hội. Tôi cũng tham gia với tư cách là Phó Chủ nhiệm của CLB này.

Anh có thể cho biết với một doanh nghiệp về du lịch hiện nay, điều cần của doanh nghiệp là gì? Và cần sự hỗ trợ gì về chính sách?

Nói về doanh nghiệp du lịch hiện nay, điều cần làm là quản lý chặt chẽ thị trường để đảm bảo doanh nghiệp du lịch hoạt động đúng pháp luật, theo các quy định chặt chẽ mà Luật Du lịch đưa ra. Tôi từng nghe một lãnh đạo của Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh tâm sự rằng, ở TP.HCM có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động du lịch nhưng chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp là có đăng ký hoạt động với Sở, nghĩa là có gần 8.000 doanh nghiệp hoạt động không có giấy phép hoặc hoạt động chui. Chính những doanh nghiệp này ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp hoạt động theo quy định còn lại.


Ngoài việc quản lý chặt chẽ để có một môi trường hoạt động lành mạnh, công bằng thì doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ, áp dụng công nghệ để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Chính phủ đã xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì sẽ có những chính sách vĩ mô phù hợp để phát triển ngành. Những doanh nghiệp có những mục tiêu và khó khăn khác nhau nên chính sách để hỗ trợ chung là rất khó, với HATIKA chỉ cần môi trường hoạt động du lịch được quản lý chặt chẽ, minh bạch thì đó cũng đã là một chính sách rất tốt rồi.

Anh có thể chia sẻ về bản thân và mong muốn điều gì trong thời gian sắp tới?

Từ khi còn là một học sinh trung học tôi đã có những mong muốn, hay nói khác đi là giấc mơ sau này sẽ làm du lịch để có cơ hội khám phá mọi vùng đất trên thế giới. Cho nên kể cả tới khi học Đại học khác ngành, tôi học chuyên ngành GIS – bản đồ - viễn thám, nhưng cuối cùng vẫn là mở một công ty du lịch để theo đuổi đam mê của mình. HATIKA là đứa con tinh thần mang rất nhiều hi vọng. HATIKA là chữ cái viết tắt của Hà Tĩnh – Kỳ Anh, là quê hương của mình, mong muốn lớn nhất là xây dựng nó thành một thương hiệu du lịch có tên tuổi trên cả nước, để nhắc tới Kỳ Anh người ta không nghĩ tới Đèo Ngang (đang nghèo) hay Formosa mà ở đó còn có HATIKA nữa. Mong muốn của cá nhân là có thể cùng HATIKA TRAVEL đưa khách hàng của mình khám phá khắp thế giới. Và câu slogan mà HATIKA đưa ra đó là “Đi khắp thế gian cùng HATIKA”.

Xin cảm ơn anh!

Thanh Loan (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm