Xã hội

Đòi cò bồi thường vì...hứa cắt lúa nhưng không thực hiện

Tòa án TP Sóc Trăng vừa nhận hồ sơ từ phường 8 chuyển đến sau khi hoà giải không thành vụ kiện khá hy hữu là đòi bồi thường vì “cò” cắt lúa nhận cắt lúa nhưng không thực hiện để lúa mọc mộng, hư hoàn toàn ngoài ruộng.

(tienphong) Năm trước, bà Trần Ngọc Thanh đã thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Khải cắt lúa cho bà bằng máy gặt đập liên hợp nên đầu năm 2013 cũng tiếp tục. Ngày 5/4, bà kêu ông Khải cắt lúa trên 9.000 m2, ông Khải hẹn sẽ cắt vào ngày 6/4 nhưng không thực hiện.

Lúa chín đỏ ruộng, kêu mãi không được, bà đến UBND phường 8 gặp Phó chủ tịch Dương Thanh Kiệt nhờ can thiệp. Ông Kiệt gọi điện thoại cho ông Khải, được ông Khải trình bày do trời đang mưa, đợi hết mưa sẽ cắt. Kết quả, ông Khải vẫn không cắt.

Bà Thanh chạy đi tìm các chủ máy gặt đập liên hợp thì không ai dám cắt bởi luật bất thành văn, máy cắt phải qua “cò” và ruộng nào mà vụ trước đã có máy cắt thì vụ sau cũng thuộc máy đó. Vì vậy, hơn 9.000 m2 lúa của bà Thanh bị nảy mầm ngoài ruộng, mất trắng khoảng 8 tấn, trị giá gần 30 triệu đồng.

Tại buổi hòa giải ở UBND phường, bà Thanh đòi ông Khải bồi thường toàn bộ số lúa bị mất. Ông Khải lại cho rằng, ông chỉ làm “cò” kêu máy cắt lúa chứ không nhận cắt lúa cho bà Thanh nên không chịu bồi thường.

Cảnh ngộ tương tự bà Thanh còn có ông Võ Văn Láng, cũng bị ông Khải hứa kêu máy gặt đập liên hợp nhưng không thực hiện, khiến cho 13.000 m2 lúa chín rục ngoài ruộng, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.

Ông Láng đứng trước đám lúa nay mọc mộng xanh um, nghẹn ngào nói: “Vụ này đã vậy, chúng tôi còn lo những vụ sau, không biết có ai chịu cắt lúa cho chúng tôi nữa hay không. Chúng tôi là nông dân, bị o ép đủ đường, chỉ mong chính quyền địa phương can thiệp giúp đỡ chứ làm lúa mà không có máy cắt thì thật là khổ”.

Nhiều người dân cho biết, “cò” máy gặt đập liên hợp giúp được nông dân kêu máy từ nơi khác về, nhưng cũng xảy ra tình trạng phân chia lãnh địa để o ép, làm giá với nông dân. Một số ít “cò” trục lợi nhiều quá, đến mức không cho nông dân tự chọn máy.

Phía khác, các chủ máy gặt đập liên hợp muốn hoạt động cũng phải thông qua “cò” với mức phí khá cao. Chủ máy nào không qua “cò” mà vào ruộng cắt lúa thì hay gặp những trục trặc khó hiểu, thậm chí “vào được mà khó ra”.

Trao đổi với phóng viên, Phó chủ tịch UBND phường 8 Dương Thanh Kiệt nói: “Không ngờ lại phức tạp như thế này. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét để chấn chỉnh cho những vụ sau, yêu cầu những người làm trung gian giữa chủ máy gặt và nông dân thực hiện tốt hơn”.

 

 

Đoàn Huế

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo