Chân dung

Đời doanh nhân như cây mía

Cuộc đời thương nhân Đặng Văn Thành có thể nói là một câu chuyện dài với nhiều gian truân, bên trong chính cuộc đời ấy ẩn chứa biết bao nhiêu điều thú vị, ý nghĩa sâu sắc từ những gì ông đã trải nghiệm và đúc kết từ cuộc sống.

Đó cũng chính là những điều ông Đặng Văn Thành đã chia sẻ tại buổi giao lưu "Doanh nhân Đặng Văn Thành - Trải nghiệm thương trường" với giới doanh nhân trẻ G20-Business Dinner thuộc CLB Doanh Nhân ngày 18.9.2014.

Doanh nhân Đặng Văn Thành chia sẻ những trải nghiệm thương trường của mình, với phong thái tự tin và hóm hỉnh.
 
Từ nhà tài chính… trở thành “nhà nông”
 
Xuất hiện với một hình ảnh khác biệt trên thương trường sau thời gian dài rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Đặng Văn Thành lạc quan, vui vẻ ngày nào đã chia sẻ những trải nghiệm thương trường thú vị từ chính cuộc đời ông.
 
Ông Đặng Văn Thành từng gây dựng nên thương hiệu Sacombank nhưng vì những thăng trầm trong con đường sự nghiệp, ông Thành đã phải ra đi với nhiều nỗi niềm và để lại toàn bộ sự nghiệp lại phía sau. Nhưng dân gian ta đã có câu “nhân tài sợ chi thiếu đất dụng võ”, quả đúng vậy! Ông Đặng Văn Thành của ngày nào đã chính thức trở lại với cương vị là một doanh nhân tài ba, mặc dù không phải là “đại gia ngành tài chính” ngày nào, nhưng ông lại rất tự hào với công việc hiện nay như cách ông nói vui: “Vui vẻ cùng nghề nông và hăng say làm du lịch”.
 
Việc trở lại của ông Đặng Văn Thành khiến không ít người ngạc nhiên bởi dường như ông đã hoàn toàn “lột xác” từ một “ông chủ nhà băng” đến “ông hoàng ngành mía đường”, sản xuất nông nghiệp.
 
Chia sẻ về dự định tương lai, ông Thành nói: “Đối với tôi, cây mía không bỏ đi phần nào cả, bã mía được dùng để đồng phát nhiệt điện trong mùa khô. Cụ thể, Nhà máy mía đường Tây Ninh cung cấp đến 45% tổng lượng điện sinh hoạt tại địa phương. Theo quy hoạch của Chính phủ, từ nay đến năm 2025, cả nước sẽ có 24 triệu tấn mía. Nếu lấy suất sinh điện theo chuẩn tiên tiến thế giới là 150 KWh/tấn mía thì công suất phát tối đa tương đương 1000 MW, bằng 50% công suất nhà máy điện hạt nhân dự kiến xây dựng tại miền Trung. Bên cạnh đó, một dự án khác mà tôi đã ấp ủ và thực hiện 4 năm nay là dự án chăn nuôi bò Kobe. Về dự án này, kết hợp với đối tác Nhật Bản, tôi cùng anh Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Kềm Nghĩa, mỗi bên đầu tư 50%, sẽ cung cấp cho thị trường đợt sản phẩm đầu tiên vào quý I/2015. Ngoài ra, nhà máy đóng lon với tổng mức đầu tư 20 triệu USD sẽ khánh thành cuối năm nay, chuyên sản xuất nước cốt dừa và nước dừa ở Bến Tre, nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho trái dừa Việt Nam”.
 
Ông Thành nói thêm: “Kinh doanh, dù trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có một công thức chung, từ kinh doanh tiền chuyển qua mua mía, bán bò, yếu tố cốt lõi là phải giải mã được bằng quản trị và điều hành, phát hiện và đào tạo để hiện thực hóa. Hiện giáo sư Võ Tòng Xuân đang đảm trách công việc nghiên cứu giống mía, cùng 200 kỹ sư nông nghiệp trẻ. Họ chính là những người làm khuyến nông tốt nhất vì bản thân luôn gần gũi gắn bó với nghề nông, với người làm nông”.
 
Kinh doanh phải tạo sự khác biệt!
 
Dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, ông Thành vẫn giữ vững các nguyên tắc “bất di bất dịch” mà ông đã tích lũy trong thời gian giữ vai trò quan trọng trước kia. Đối với ông, dù ngành nghề, đối tượng sản xuất kinh doanh có khác nhau thế nào đi chăng nữa thì có một số nguyên tắc về quản trị, quản lý sẽ mãi không thay đổi và luôn có hiệu quả. Điển hình, trong kinh doanh phải có sự khác biệt, đây là yếu tố quan trọng, ông cũng đã có dẫn chứng về việc đầu tư phát triển ngành du lịch tại Nha Trang: “Tại sao Nhật Bản lại thu hút lượng lớn khách đến thăm quan ở những mùa hoa anh đào vào tháng 4, còn nước mình vẫn có loài hoa tuyệt đẹp là hoa phượng vĩ thì không được đầu tư, khai thác? Chính vì thế, tôi đã cho trồng 5ha phượng để phát triển du lịch tại Nha Trang bởi hoa anh đào chỉ nở khoảng 10 ngày đến hai tuần, còn hoa phượng lại nở đến trên 1 tháng. Đó là điểm nhấn khác biệt và làm nên thành công” - Ông chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển trong tương lai.
 
Đã là thương nhân thì phải đối diện, đừng ngần ngại việc cạnh tranh hay bất cứ tình huống gì xảy ra. Ông Thành cho biết thêm: “Những đơn vị tôi biết như Ô tô Trường Hải, An Phước, Kềm Nghĩa, Thép Pomina ... là một trong những thương hiệu có chiến lược, đường hướng rất tốt và họ phát triển được trên nền tảng, dù có qua thăng trầm đi chăng nữa họ vẫn thay đổi và phát triển”.
 
Bên cạnh đó, yếu tố luôn được ông Thành nhắc đi nhắc lại nhiều lần và ông khẳng định nó sẽ luôn đúng và sẽ thành công với bất kỳ một người doanh nhân nào nếu trong họ hội tụ hai yếu tố: “Tâm và Tầm”.  Đối với một thương nhân, nếu thực sự hội tụ hai yếu tố này thì không những họ có cái nhìn sâu rộng, khả năng định hướng chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp mà còn có ý thức sâu sắc về trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với đất nước và với đội ngũ nhân viên. Trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, để tồn tại trước những chu kì đào thải khắc nghiệt và chóng vánh, phải hiểu được vai trò và sứ mệnh của doanh nhân trên chặng đường hướng tới khẳng định vị thế quốc gia - thương hiệu quốc tế.
 
Còn đối với việc sử dụng nhân sự, theo ông Thành, việc tìm kiếm và sử dụng hiền tài phải thật linh hoạt và biết cách vì hiền tài là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Ông cho biết, nhân tài có thể mua được nhưng hiền tài thì rất khó tìm và phải mất công sức, tổ chức nuôi dưỡng, chính sách chế độ… bởi đây là một “tài sản” vô cùng giá trị. Vì vậy, phải phát hiện hiền tài và có chính sách đúng, phù hợp.
 
Hiểu nhiều về cách quản trị, thấu hiểu người lao động và không ngừng tích lũy kinh nghiệm là những điều mà vị doanh nhân tài ba Đặng Văn Thành đã “góp nhặt” được trong quãng thời gian làm lãnh đạo trong một tổ chức tín dụng lớn. Chính điều này đã giúp ông đứng dậy và mạnh mẽ hơn hơn trước từ những biến cố lớn trong sự nghiệp. Và cũng từ đây, thương trường Việt đã hiển diện một thương hiệu mới trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch mang dấu ấn Đặng Văn Thành.
 
Ông từng ví von: “Đời doanh nhân như cây mía”. Trong cây mía có nhiều đốt. Đấy là những chỗ có chữ đường thấp nhất. Qua mỗi đốt, mía lớn lên. Cũng chính từ những nơi đó lại mọc ra những chồi non mà khi trồng xuống đất sẽ phát triển thành cây mới.
ĐS&TD
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo